Cải cách DNNN: Động lực cần đặt vào bên trong
08:41' 22/10/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Ai là chủ tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là câu hỏi tưởng cũ mà còn rất mới. Còn ai nữa nếu không phải là Nhà Nước? Nhưng cụ thể Nhà Nước là ai thì rối! Rối giữa Nhà nước quản lý và Nhà nước kinh doanh. Dù đã tiêu tốn nhiều công sức và tiền của, thậm chí mất cả ‘người’, đến nay vẫn còn đó... vấn đề.

Có khi gay gắt như vụ Công ty Tiếp thị và Thương mại (Bộ Nông Nghiệp và PTNT)… Thay vì tiếp tục đi tìm “ông chủ”, bài này đề nghị một cái nhìn vào bản chất trách nhiệm và động lực trong quá trình đi tìm “ai” đó.

Sân chơi...một người

Các DN nhà nước được xếp loại căn cứ vào các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DN.

Có thể trở lại chút thời hoàng kim của DNNN. Chính cái thời kinh tế tập trung trong tay Nhà nước với một sân chơi hầu như toàn quốc doanh ấy là thời mà bóng dáng “ông chủ” trong DNNN mờ nhạt nhất. Thực tế chủ quản đại trà (là quận huyện, tỉnh thành, hay bộ ngành) không những chỉ có tiếng mà còn là bối cảnh chao mờ về cương kỷ làm ăn (tam giác twilight).

Đó là giai đoạn trước năm 1987 (hay cũng có thể là trước 1992 khi chủ trương cải cách và sắp xếp DNNN chưa rõ ràng). Lúc đó, khái niệm chủ DNNN thậm chí còn tá túc ở “bộ tứ” hay người lao động, dù chỉ là danh nghĩa. Mục tiêu của DNNN không rõ ràng, nhiệm vụ chính trị xã hội xen lẫn với hoạt động sản xuất kinh doanh. Các “chỉ tiêu pháp lệnh” hồi đó rất phức tạp và đôi khi mâu thuẫn nhau. Thành tích được xem trọng, nhưng do tiêu chí đánh giá thiên về xã hội và chủ yếu đặt nặng vào chỉ tiêu sản lượng... làm cho yếu tố hiệu quả chẳng những không được chú trọng mà còn là chỗ dễ bị lạm dụng.

Từ chủ quản đến... trung gian 

Từ năm 1990, sau khi có Luật Đầu tư Nước ngoài và Luật Công ty, nền kinh tế không còn độc tôn quốc doanh. Yếu tố cạnh tranh bắt đầu có hiệu lực và sự tích cực của yếu tố này đã làm cộm lên các khiếm khuyết của cơ chế quốc doanh. Hàng loạt chủ trương sắp xếp lại và cải cách DNNN ra đời. Trong đó có việc hình thành mô hình các Tổng Công ty 90-91 và thực hiện cổ phần hóa (CPH) DNNN. Thực chất của hai hoạt động này cũng không ngoài mục đích đi tìm vai trò “ông chủ” đích thực cho DNNN. Thế nhưng, theo tổng kết sau khoảng một thập niên thực hiện chủ trương cải cách sắp xếp, tiến trình CPH tuy chậm nhưng đạt kết quả tốt, còn hình thái sắp xếp tổng công ty (TCT) tiếp tục tồn tại tình trạng kém hiệu quả. Vấn đề động lực và trách nhiệm vẫn còn là mối quan ngại của Chính phủ.

Do hiệu lực quản lý DNNN và TCT chưa được cải thiện như mong đợi, trước sức ép của các cam kết giao thương quốc tế và lộ trình hội nhập, vào đầu những năm 2000, một lần nữa vấn đề cải tổ DNNN được hâm nóng. Sau khi phân tích và đánh giá lại, TCT có chiều hướng bị thu hẹp và mô hình mẹ con được đề nghị thí điểm. Tuy vậy, ngay từ đầu mô hình mẹ - con đã nhận được sự thận trọng và chút băn khoăn về hiệu lực. Vẫn chỉ là sắp xếp, mẹ - con cũng gần như là cách gom đầu mối cải biên. Việc quanh quẩn mô hình, thay vì quyết sách vào cái bản chất động lực, đã làm cho vấn đề ít được cải thiện. Vậy bản chất ấy thế nào?

DNNN trong cơ chế thị trường có thể là công cụ kinh tế định hướng hay phục vụ công quyền, nhưng không nên tràn lan, không là thực thể kinh doanh cạnh tranh. Ý niệm bản chất này như một điều kiện cần. DNNN cũng không là các phương tiện điều tiết vĩ mô. (Cần phân biệt rõ khái niệm DNNN với kinh tế nhà nước, và ở đây ta chỉ bàn đến DNNN). Theo thuộc tính kinh tế thị trường thì công suất vận động của cơ chế này sẽ đạt tối ưu khi DNNN chỉ hiện diện một cách thật thích đáng, theo yêu cầu bổ sung, là thành tố thúc đẩy, để dọn đường...

Khía cạnh kinh tế của DNNN (vấn đề hiệu năng, hiệu quả) được tập trung vào các toan tính vĩ mô (dọn đường, khai phá, thúc đẩy...). Như vậy, dù là công cụ hay nhằm mục đích dẫn hướng, Nhà nước vẫn luôn ở tư thế cây cao bóng cả. Không cạnh tranh, thâu tóm hay để độc quyền, Nhà nước vẫn là một cổ máy đầu tư lớn, đặc biệt với các lãnh vực cần quy mô, các ngành chiến lược, khai thác tài nguyên, phức hợp công nghiệp, khai phá phát triển...

Các ‘DNNN chủ đạo’ này có thể vẫn làm kinh doanh, vẫn thu đạt hiệu quả về lợi nhuận (có khi rất lớn), nhưng không (hay ít) bị hụt hẫng về động lực và vai trò chủ sở hữu. Tại sao vậy? Bởi dù là DNNN, các đại công ty (hay tập đoàn) này mặc nhiên là các “cơ quan” hay “cơ phận” của Nhà nước. Chúng nằm trong hệ quản lý (vĩ mô) của Chính phủ, là một phần công việc của Nhà nước… Những người điều hành các DNNN chủ đạo ấy là các nhà quản trị chuyên nghiệp mang lon “công chức”. DNNN dạng công ích, an sinh xã hội hay chiến lược, sẽ do các địa phương hay ngành quản lý; DNNN tầm quốc gia (dầu khí, hàng không…) có thể do Nhà nước lớn trực tiếp trông nom. Do số lượng chọn lọc, không tràn lan, lại nằm trong chừng mực là nhiệm vụ hay phương tiện vĩ mô, DNNN như vậy sẽ gắn kết với bộ máy nhà nước. Sự sâu sát là đương nhiên, và vấn đề chủ sở hữu sẽ ổn thỏa. Cách làm của các nền kinh tế đã thành công của các nước là minh chứng cho lý giải này. Tuy vậy, về lâu dài họ cũng chọn “bán” bớt DNNN (CPH).

Báo cáo tài chính của DN nhà nước bắt buộc kiểm toán.

Thực trạng DNNN ở ta hiện diện khắp các ngóc ngách của nền kinh tế, việc hóa giải có thể cần kiên trì nhưng phải dứt khóat. Cách giải quyết vấn đề của nhiều nước cùng cảnh tuy có khác nhau nhưng đều có điểm chung là mạnh mẽ và quyết liệt. Nếu tiến trình kéo dài sẽ dễ dẫn đến biến thái ‘cộng sinh tự biện’. Lúc đó, các DNNN không cần thiết sẽ được thay áo hay được lập mới để tồn tại cạnh tranh nhau và cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác. Nhưng do vấn đề động lực và tâm lý cậy nhờ cố hữu, các DNNN này lần nữa sẽ thua sút trên thị trường... Liệu rằng Nhà nước (và xã hội) có sẽ tiếp tục nuôi và sắp xếp? Liệu đất nước có thoát được cái vòng lẩn quẩn: “Vì cậy nhờ nên DNNN dễ bị yếu - DNNN yếu nên phải sắp xếp cho mạnh lên - DNNN mạnh lên thì Nhà nước muốn giữ - Nhà nước giữ nên DNNN lại cậy nhờ - Vì cậy nhờ nên DNNN sẽ yếu...”. Không dứt khoát với loại DNNN không cần thiết thì vấn đề chủ quản sẽ còn quanh quẩn, khó hết chuyện bên trọng bên khinh...

Việc đi tìm ‘ông chủ’ DNNN theo “mô hình” còn có thể tạo hệ quả xấu. Chẳng hạn, việc TCT nhà nước làm ‘trùm’ một ngành sẽ dẫn đến độc quyền hạn chế. Điều này làm hạn chế việc gia nhập của khu vực tư còn non yếu trong nước vào ngành đó, nhưng là cơ hội để các công ty nước ngoài có tiềm lực thâm nhập chi phối. Cũng vậy là việc dựng lên các mô hình mẹ - con gượng ép. Hình thức này chỉ phát huy tốt khi mẹ ruột đẻ ra con thực sự và mẹ phải đủ bản lĩnh... Nếu không được như vậy, cách này sẽ bít các cánh cửa phát triển năng động của các đứa con sung sức hơn mẹ nó do chính sự ép gá. Hơn nữa, liệu trách nhiệm và động lực đã nằm bên trong các 'tổng' và 'mẹ' ấy chưa hay các mô hình này sẽ còn tiếp tục bị sắp xếp?

Xóa chủ quản không nên là cách chuyển chủ quản về ‘trung gian’ (TCT hay công ty mẹ). Đấy chưa phải là mục đích lớn, bởi cốt lõi của vấn đề là động lực. Khi cấy yếu tố chủ sở hữu vào bên trong DN thì động lực sẽ mọc lên. Yếu tố này đã sẵn có ở khu vực tư hay ngoài quốc doanh, dễ có ở DNNN chủ đạo, nhưng bị hụt hẫng nặng tại những DNNN không cần thiết. Do các DN CPH có yếu tố chủ sở hữu ‘thường trú’, hoạt động cải cách DNNN theo hướng CPH sẽ có kết quả tốt.

Đi tìm động lực là đi sâu vào cốt lõi vấn đề cải cách. Vì vậy việc đẩy mạnh cải cách để tránh kéo dài sắp xếp có thể là ưu tiên cần chú trọng.

  • Huy Nam  
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Vất vả cổ phần hóa DN thua lỗ (21/10/2004)
Cổ phần hóa khép kín? (20/10/2004)
Cổ phần hóa May 10: Nhà nước giữ 51% cổ phần (08/10/2004)
Cổ phần hóa - bước tiến hình thành Tập đoàn BCVT (03/10/2004)
CPH hàng loạt các nhà máy nhựa (30/09/2004)
Hà Nội gỡ rối, đẩy nhanh cổ phần hóa (30/09/2004)
"Cổ đông Nhà nước tham gia HĐQT là vấn đề đạo lý" (28/09/2004)
Kiểm tra quá trình cổ phần hóa MTS (24/09/2004)
Được đưa nợ vào phần vốn Nhà nước khi cổ phần hóa? (23/09/2004)
DN Nhà nước: Nợ cao gấp 1,5 lần vốn (22/09/2004)
TP.HCM tăng DN lẫn qui mô vốn CPH (20/09/2004)
Sẽ cổ phần hóa Vinaphone và MobiFone (15/09/2004)
Cải cách DN nhà nước: Nhìn lại và suy ngẫm (10/09/2004)