Bộ Công nghiệp tăng tốc cổ phần hóa
10:28' 01/11/2004 (GMT+7)

Chính phủ giao năm 2004 cổ phần hóa 52 DN nhưng Bộ Công nghiệp đã lập kế hoạch cổ phần hóa tới 92 đơn vị. Đến giữa tháng 10/2004, bộ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa cho 53 công ty và xác định giá trị doanh nghiệp cho 72 đơn vị khác. Với kết quả này, Bộ Công nghiệp đang trở thành bộ đầu tiên hoàn thành vượt mức chỉ tiêu cổ phần hóa.  

Xử lý tài chính kịp thời

 

Một số nhà máy điện sẽ đưa vào cổ phần hoá. Ảnh minh hoạ.

"Tiến độ cổ phần hóa của bộ nói chung tiến triển tốt" - ông Phạm Công Tham, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán, Bộ Công nghiệp, khái quát. Theo ông, tiến độ này còn có thể nhanh hơn nữa nếu các quy định hướng dẫn xác định giá trị doanh nghiệp của Nhà nước rõ ràng, cụ thể. "Một số doanh nghiệp khi xử lý tài chính vẫn bị ảnh hưởng bởi cơ chế "xin - cho" và điều đó làm chậm quá trình cổ phần hóa", ông nhấn mạnh.

 

Sở dĩ chỉ trong một thời gian ngắn Bộ Công nghiệp đã kịp chuyển đổi sở hữu một khối lượng lớn doanh nghiệp là do bộ đã tháo gỡ được phần lớn vướng mắc liên quan đến xử lý tài chính. Khoảng 40 đơn vị kinh doanh thua lỗ đã được xử lý tài chính, với thời gian từ ba đến sáu tháng/doanh nghiệp. Cá biệt cũng có trường hợp kéo dài cả năm. Đối với những công ty sau khi xác định giá trị doanh nghiệp, nhận thấy không đủ điều kiện cổ phần hóa, bộ cho chuyển sang sáp nhập, bán, thậm chí công bố phá sản.

 

Ngoài ra, Bộ Công nghiệp đã chủ động cùng với Bộ Tài chính thống nhất phương thức bán cổ phần cho tất cả các doanh nghiệp trực thuộc. Phương thức này xác định cụ thể ba trường hợp: 1. Nếu tổng giá trị cổ phần bán ra bên ngoài từ 100-500 triệu đồng, doanh nghiệp được phép tự tổ chức bán qua đấu giá, cơ quan tài chính không tham gia Hội đồng Đấu giá; 2. Nếu số cổ phần bán ra ngoài từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng, hội đồng quản trị tổng công ty tổ chức đấu giá với sự tham gia của cơ quan ra quyết định cổ phần hóa và cơ quan tài chính; 3. Trường hợp số cổ phần bán ra ngoài từ 1 tỉ đồng trở lên, doanh nghiệp phải đấu giá thông qua tổ chức tài chính trung gian. Do có quy định rõ như vậy, việc bán cổ phần đã giảm được những bước thừa. Vừa qua, 37 doanh nghiệp của bộ có số cổ phần bán ra ngoài trị giá trên 1 tỉ đồng/đơn vị đã bán đấu giá thông qua tổ chức tài chính trung gian. Thời gian tới, hình thức này sẽ được tiếp tục thực hiện.

 

Mũi nhọn điện lực

 

Tổng công ty Điện lực (EVN) trực thuộc bộ năm nay cổ phần hóa năm doanh nghiệp, trong đó đáng chú ý nhất là Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh. Đây là nhà máy thủy điện tầm cỡ của khu vực miền Trung và nếu việc chuyển đổi sở hữu kết thúc vào cuối năm, Vĩnh Sơn - Sông Hinh sẽ là doanh nghiệp nhà nước lớn nhất từ trước đến nay được cổ phần hóa. Theo ông Nguyễn Đức Đối, Tổng giám đốc Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, nhà máy có quyết định cổ phần hóa từ tháng 10-2003 và đến nay vẫn còn đang "vướng" ở khâu xác định giá trị doanh nghiệp. Trên sổ sách, giá trị của nhà máy khoảng 1.600 tỉ đồng. Khi phương án cổ phần hóa nhà máy được trình lên EVN, tổng công ty đã lập hội đồng thẩm định và giá trị doanh nghiệp được nâng lên gần 1.860 tỉ đồng. Sau đó hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp với sự tham gia của cơ quan tài chính đã đưa ra giá trị nhà máy khoảng 2.100 tỉ đồng. "Cho đến nay, chúng tôi vẫn đang chờ hội đồng thẩm định của Bộ Công nghiệp quyết định giá trị nhà máy" - ông Đối nói với TBKTSG qua điện thoại.

 

Theo ông Tham, khó khăn của việc xác định giá trị doanh nghiệp ở Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh không phải ở chỗ vốn lớn, mà ở phương pháp xác định những tài sản đặc thù như đập chắn nước, đường giao thông… Bộ Công nghiệp đã thành lập Hội đồng Xác định giá trị doanh nghiệp, nhưng áp dụng phương pháp xác định hiện hành còn nhiều bất cập. "Hiện chúng tôi đang cùng với Bộ Tài chính, EVN xem xét các căn cứ định giá. Trên cơ sở định giá Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, chúng tôi sẽ bổ sung phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp với những đơn vị có tài sản đặc thù" - ông Tham nói.

Nhà nước dự kiến nắm giữ trên 50% cổ phần của Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh. Phần còn lại sẽ bán đấu giá qua thị trường chứng khoán. Nhà máy chỉ có 121 cán bộ công nhân.

(Theo TBKTSG)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
CPH ở Cần Thơ chậm vì giám đốc sợ mất quyền lợi (29/10/2004)
Kiên quyết không để CPH khép kín (26/10/2004)
Cải cách DNNN: Động lực cần đặt vào bên trong (22/10/2004)
Vất vả cổ phần hóa DN thua lỗ (21/10/2004)
Cổ phần hóa khép kín? (20/10/2004)
Cổ phần hóa May 10: Nhà nước giữ 51% cổ phần (08/10/2004)
Cổ phần hóa - bước tiến hình thành Tập đoàn BCVT (03/10/2004)
CPH hàng loạt các nhà máy nhựa (30/09/2004)
Hà Nội gỡ rối, đẩy nhanh cổ phần hóa (30/09/2004)
"Cổ đông Nhà nước tham gia HĐQT là vấn đề đạo lý" (28/09/2004)
Kiểm tra quá trình cổ phần hóa MTS (24/09/2004)
Được đưa nợ vào phần vốn Nhà nước khi cổ phần hóa? (23/09/2004)
DN Nhà nước: Nợ cao gấp 1,5 lần vốn (22/09/2004)
TP.HCM tăng DN lẫn qui mô vốn CPH (20/09/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang