Sự can thiệp của các Tổng công ty và cơ quan chủ quản cũ vào quyền tự chủ kinh doanh, nhân sự... của các công ty cổ phần sau khi cổ phần hóa vẫn còn khá phổ biến. Thực tiễn triển khai cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước cũng đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết. Thực trạng hiện nay cho thấy vẫn có sự can thiệp hành chính của các cơ quan Nhà nước trong quản trị công ty cổ phần sau khi CPH.
Ông Nguyễn Tiến Cầm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO), khẳng định rằng qua 2 năm thực hiện công tác cổ phần hóa (CPH) của Bộ Xây dựng nói chung và của IDICO nói riêng có thể thấy rằng cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã và đang được xác định là giải pháp chủ yếu trong công tác sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ.
Tuy nhiên theo ông, thực tiễn triển khai cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước đã đặt ra nhiều vấn đề cần phải làm sáng tỏ trong nhận thức cũng như trong thực tiễn. Ví dụ như công ty cổ phần hoạt động theo Luật doanh nghiệp, trên công ty cổ phần không có cơ quan chủ quản như doanh nghiệp Nhà nước.
Thực trạng hiện nay cho thấy vẫn có sự can thiệp hành chính của các cơ quan Nhà nước trong quản trị công ty cổ phần sau khi CPH. Đối với các công ty cổ phần có nhà nước tham gia vốn, tổng công ty vẫn có sự chỉ đạo khi bầu hội đồng quản trị, ban kiểm soát, giám đốc điều hành, cũng như can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của công ty vì công ty cổ phần vẫn là thành viên của tổng công ty. Mặt khác, tổng công ty lại từ chối hỗ trợ, giúp đỡ các công ty cổ phần trong việc vay vốn, nâng cấp trang thiết bị, phát triển sản xuất kinh doanh vì các công ty này không còn là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc.
Đối với một số công ty cổ phần, do vẫn còn quan niệm là doanh nghiệp Nhà nước, nên tự mình coi tổng công ty là cơ quan chủ quản, đòi hỏi tổng công ty phải đối xử với mình như khi còn là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc tổng công ty trong các hoạt động kinh doanh như vay vốn, tìm việc làm, tiếp cận thông tin, đào tạo. Rất nhiều công ty sau khi CPH vẫn ghi tên các tổng công ty hoặc cơ quan chủ quản cũ trên các giấy tờ giao dịch của mình hoặc dùng tên của các đơn vị chủ quản cũ theo kiểu “cáo mượn oai hùm” trong khi tiếp xúc với khách hàng, đối tác.
Để xử lý mối quan hệ này, theo ý kiến của nhiều giám đốc doanh nghiệp, cần làm rõ cơ quan chủ quản trước đây, nếu cần đóng vai trò là đại diện chủ sở hữu nhà nước trong công ty cổ phần mà Nhà nước còn nắm giữ cổ phần thì chỉ được thực hiện sự chỉ đạo thông qua vai trò là cổ đông, đại diện chủ sở hữu của nhà nước tại công ty, không thể áp đặt các mệnh lệnh hành chính, nhất là trong trường hợp sở hữu nhà nước không nắm phần chi phối. Do đó, cần có văn bản hướng dẫn làm rõ vấn đề này. “Khi công ty cổ phần là thành viên của tổng công ty thì chịu sự điều chỉnh bởi điều lệ tổng công ty, nhưng điều lệ tổng công ty là áp dụng chung cho các thành viên tổng công ty theo Luật doanh nghiệp Nhà nước, như vậy có những vấn đề nảy sinh mâu thuẫn, không phù hợp với Luật doanh nghiệp mà công ty cổ phần phải tuân theo”, ông Cầm nhận xét.
Theo Luật doanh nghiệp, công ty cổ phần chỉ thực hiện theo nghị quyết của hội đồng quản trị. Vậy trong trường hợp này, các nghị quyết của chi bộ, của Đảng ủy được thực thi thông qua cơ chế nào, nhất là trong vấn đề tổ chức cán bộ, tài chính, lao động... Việc làm rõ mối quan hệ giữa tổ chức cơ sở đảng - hội đồng quản trị - ban giám đốc điều hành trong công ty cổ phần là rất cần thiết để tạo một hành lang thông thoáng cho hoạt động của các công ty cổ phần.
Hiện nay, trong công ty cổ phần có vốn Nhà nước tham gia, giám đốc công ty cổ phần vừa là người đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước vừa là cổ đông, trưởng ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên đồng thời cũng là nhân viên của phòng tài chính kế toán công ty. Do đó, các quy định về chức trách nhiệm vụ rất khó thực hiện do tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Cần phải quy định rõ những vấn đề này để làm cho công ty cổ phần hoạt động theo đúng Luật doanh nghiệp, đồng thời tránh sự thiếu minh bạch về tài chính, quản lý gây mâu thuẫn, mất lòng tin của các cổ đông, dẫn đến việc kinh doanh kém hiệu quả.
Một lý do khác khiến cho đa số giám đốc doanh nghiệp Nhà nước đều không muốn khi chuyển sang công ty cổ phần chính là lâu nay làm giám đốc doanh nghiệp Nhà nước được nhiều ưu ái, quyền lực trong tay rất lớn, thường sử dụng các quan hệ cá nhân để được yên vị. Do đó, khi cổ phần hoá thì do đại hội đồng cổ đông tín nhiệm, đồng thời cơ chế kiểm tra, kiểm soát cũng minh bạch hơn, thậm chí bị phân biệt đối xử. Ví dụ, khi là giám đốc doanh nghiệp Nhà nước đi công tác nước ngoài thì được cấp hộ chiếu công vụ, nhưng khi chuyển thành công ty cổ phần thì cũng con người đó, nhưng là giám đốc công ty cổ phần nên chỉ được cấp hộ chiếu phố thông.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do một mặt các tổng công ty vẫn còn muốn níu kéo quyền lực và lợi ích của mình đối với các công ty thành viên sau khi CPH, mặt khác nhận thức và tư tưởng vẫn chưa thay đổi theo kịp xu hướng đổi mới hiện nay. Chúng ta đã hơn một lần phải chứng kiến những hậu quả đau lòng khi cha mẹ can thiệp thô bạo vào những quyết định của con cái tại các gia đình.
Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện quản lý kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay, sẽ là không công bằng nếu quy hết trách nhiệm cho các tổng công ty và cơ quan chủ quản. Tại phần lớn các doanh nghiệp sau CPH hiện nay, ban lãnh đạo vẫn là từ doanh nghiệp Nhà nước chuyển sang, do vậy lề lối làm việc, phong cách tư duy và hoạt động kinh doanh tại các doanh nghiệp này vẫn không có sự xáo trộn lớn so với trước.
Các công ty cổ phần, trong khi kêu ca về việc bị can thiệp và đối xử bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, lại vẫn có tư tưởng thụ động, ỷ lại, trông chờ vào sự chi viện và hỗ trợ từ các cơ quan chủ quản cũ, thậm chí vẫn coi mình là doanh nghiệp Nhà nước do chưa (hoặc không thể) thích nghi được với môi trường kinh doanh mới. Do vậy, trong việc củng cố và kiện toàn lại hoạt động của các doanh nghiệp sau CPH, vấn đề thuê giám đốc và đội ngũ quản lý (những người có phẩm chất, năng lực, trình độ và tâm huyết thực sự) là một trong những giải pháp cần phải được tính đến.
(Theo Kinh tế và Đô thị) |