Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá cho biết, việc giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ được liên Bộ Tài chính và Thương mại nghiên cứu tính toán kỹ. Khi giá dầu thô xuống đến mức dưới 50 USD/thùng, liên Bộ sẽ chỉ đạo các đầu mối nhập khẩu tiếp tục giảm giá bán lẻ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính, Trần Văn Tá. |
Ngày 22/11, sau một thời gian giá dầu thô và xăng, dầu nhập khẩu giảm, Nhà nước đã điều chỉnh giá bán lẻ xăng giảm 500 đồng/lít. Quyết định điều chỉnh này được người tiêu dùng hoan nghênh, thể hiện sự nhất quán trong chỉ đạo điều hành giá xăng theo cơ chế thị trường.
Vấn đề mà người tiêu dùng đang quan tâm là liệu Nhà nước có tiếp tục điều chỉnh giảm giá xăng, dầu bán lẻ trong thời gian tới, nếu giá dầu thô còn giảm?
Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Tá, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính.
Ông Tá cho biết: Ðúng là thị trường xăng, dầu nhập khẩu thời gian gần đây biến động khá nhanh, biên độ dao động về giá lên xuống liên tục, trong đó xu hướng giảm giá đang rõ dần, nhưng vẫn chưa chắc chắn. Ðến ngày 30/11, giá dầu thô nhẹ giao tháng 1/2006 giảm xuống còn 55,72 USD/thùng. Ðây là tín hiệu đáng mừng (Nhưng hiện nay đã tăng trở lại mức 58,58 USD/thùng).
Qua một thời gian giá tăng ở mức cao, Nhà nước đã giảm thuế suất thuế nhập khẩu xăng, dầu xuống còn 0% và khi giá xăng, dầu giảm ngày 7/11 Nhà nước đã khôi phục 5% thuế nhập khẩu, đồng thời chỉ đạo các đầu mối nhập khẩu xăng giảm giá bán lẻ 5% so với giá bán hiện nay, mức giảm tương đương 500 đồng/lít bắt đầu từ ngày 22/11.
Ðến ngày 30/11, giá dầu thô giảm xuống còn 55,72 USD/thùng, Bộ Tài chính đã tăng thuế nhập khẩu thêm 5%, đưa mức điều tiết mặt hàng xăng lên 10%. Theo nguyên tắc điều hành đối với mặt hàng xăng hiện nay, Nhà nước không bù lỗ, nhưng vẫn có sự điều tiết qua hai kênh thuế và giá.
Về giá, Nhà nước chỉ quy định giá định hướng. Trong khuôn khổ đó, doanh nghiệp (DN) nhập khẩu điều chỉnh trong dao động 10% giá định hướng. Theo quy định thuế nhập khẩu xăng đầy đủ là 25%, trong điều kiện giá có giảm nhưng còn ở mức cao Nhà nước chỉ mới khôi phục một phần thuế để bảo đảm nguồn thu cho ngân sách, đồng thời giữ giá bán lẻ hợp lý (nếu tính đủ thuế thì giá bán lẻ xăng phải hơn 10 nghìn đồng/lít).
Việc giảm giá và khôi phục dần thuế suất nhập khẩu, trong đó đã tính đến cả lợi ích người tiêu dùng và cả lợi ích DN nhập khẩu, không để DN nhập khẩu bị lỗ và cũng không để giá bán lẻ quá cao làm người tiêu dùng thiệt thòi. Như vậy, mức bao cấp của Nhà nước vẫn còn 15%.
Hơn nữa, trong những ngày cuối tháng 11 giá dầu thô xuống còn hơn 55 USD/thùng, nhưng các đầu mối nhập khẩu đã ký hợp đồng nhập xăng, dầu từ đầu tháng hoặc từ tháng 10 chịu giá cao. Nếu giảm giá bán lẻ thì các lô hàng nhập trước đây đều bị lỗ, cho nên việc giảm giá cần tính toán kỹ thời điểm áp dụng để bảo đảm lợi ích của DN.
Trong cơ chế điều hành hiện nay, Nhà nước chưa thả nổi hoàn toàn giá xăng và giao cho DN nhập khẩu toàn quyền quyết định giá bán, cho nên việc điều chỉnh chưa thể linh hoạt lên xuống hằng ngày, hằng tuần theo giá thế giới được. Và khi điều hành như vậy thì Nhà nước phải tính đến lợi ích của DN, bảo đảm DN có lãi, đồng thời thực hiện việc điều tiết qua thuế và giá định hướng.
Tóm lại, trong cơ chế kinh doanh xăng, dầu hiện nay, Nhà nước vẫn phải là người đứng mũi chịu sào nhiều nhất, cùng với giảm nguồn thu khi xăng, dầu lên giá và bao cấp thông qua bù lỗ đối với các mặt hàng dầu diesel, mazut, dầu lửa cho sản xuất và tiêu dùng. Mức bù lỗ này dự kiến năm 2005 lên tới 11 nghìn tỷ đồng.
Khi giá dầu nhập khẩu giảm, Nhà nước chỉ mới giảm phần bù lỗ, dự kiến khi giá dầu giảm nhiều mới khôi phục thuế nhập khẩu chưa tính đến giảm giá. Trong điều kiện chuẩn bị hội nhập giá dầu cũng phải tính toán lại có xem xét điều chỉnh lên hay không!
Việc này cần tính toán, cân nhắc kỹ và có lộ trình để các DN sử dụng nhiều dầu như xi-măng, giao thông vận tải, đánh bắt hải sản... có thể chịu đựng được, từng bước giảm bao cấp của Nhà nước.
Nhà nước luôn quan tâm lợi ích của người tiêu dùng, nhưng việc giảm trong thời điểm hiện nay chưa thể thực hiện nhanh được vì phải xem xét xu hướng tăng giảm đó có ổn định hay không, và giảm đến mức độ nào thì điều chỉnh giá trong nước.
Việc giảm giá bán lẻ sẽ được hai Bộ Tài chính và Thương mại nghiên cứu tính toán kỹ. Khi mức giá dầu thô xuống đến mức dưới 50 USD/thùng, sẽ chỉ đạo các đầu mối nhập khẩu tiếp tục giảm giá bán lẻ.
(Theo Nhân dân)