(VietNamNet) - Cục Quản lý Chất lượng, ATVS và Thú y Thủy sản (Nafiqaved - Bộ Thủy sản) hiện đang tiến hành xây dựng đề cương chi tiết về Quy chế kiểm soát tạp chất trong nguyên liệu thủy sản.
Chất lượng là yêu cầu hàng đầu đối với các nước nhập khẩu thủy sản. Ảnh H.Y. |
Theo Quy chế này, bằng phương pháp cảm quan Nafiqaved và các Trung tâm vùng có thể xác định được ngưỡng phát hiện đối với từng loại tạp chất trong tôm, các đặc điểm nhận diện tiêu biểu của tôm có tạp chất, sử dụng “cây quyết định” theo nhận diện mối nguy trong HACCP làm công cụ hữu ích trong quá trình xác định có hay không có tạp chất trong tôm nguyên liệu.
Bên cạnh đó, đề cương còn xây dựng các phương pháp xác định tạp chất bằng hóa học như phát hiện nhanh tinh bột, Polyvinyl alcohol (Adao PVA) trong tôm từ nồng độ 0,03% trở lên; Gelatin, Agar có trong tôm từ nồng độ 0,1% trở lên; và CMC từ nồng độ 0,2% trở lên. Song các phương pháp này chỉ có thể thực hiện trong phòng thí nghiệm.
Theo Bộ Thủy sản, việc bơm chích và đưa các loại tạp chất vào tôm nguyên liệu dùng để chế biến xuất khẩu vẫn diễn ra tại một số địa phương trong nước. Tình hình thực sự nghiêm trọng vào thời điểm tôm nuôi chưa đến kỳ thu hoạch, nguyên liệu trên thị trường khan hiếm. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tình hình dư lượng kháng sinh trong thủy sản, hiện tượng bơm chích tạp chất, ngâm để tăng trọng thủy sản vẫn diễn ra âm ỉ.
Trong khi thủy sản Việt Nam luôn phải đối phó với các vụ kiện bán phá giá và những hàng rào kỹ thuật về ATVSTP tại các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản và EU, việc đưa tạp chất vào nguyên liệu thủy sản sẽ làm suy giảm nghiêm trọng uy tín của thủy sản Việt Nam.
-
H.Yên