Theo Nghị định 12/NĐ-CP vừa ban hành về việc quản lý và điều hành hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) giai đoạn 2006-2010, ôtô đã qua sử dụng được loại ra khỏi danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu.
Đến ngày 1/5/2006 Nghị định này mới có hiệu lực, thế nhưng mấy ngày gần đây thị trường ôtô đã có biến động, người tiêu dùng đang chờ xe cũ nhập giá rẻ. Cho nhập xe cũ là việc phải thực hiện, tuy nhiên cho đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có cách thức quản lý cụ thể.
Xe mới “rớt” giá
Theo các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô, đây sẽ là cơ hội để họ tham gia nhập xe cũ, bởi xe cũ được phép nhập có thời gian sử dụng chưa quá 5 năm nên chất lượng vẫn còn tốt, trong khi giá xe rẻ và nhu cầu trong nước còn rất lớn. Nhiều doanh nghiệp phân tích, dù nhà nước có áp tất cả các loại thuế đối với ôtô cũ nhập khẩu thì giá của loại xe này khi nhập về cũng chỉ bằng 30-50% so với giá xe mới sản xuất trong nước.
Nghị định cho phép nhập xe cũ chưa có hiệu lực nhưng trên thị trường đã xuất hiện cuộc giành giật thị phần bằng cách giảm giá quyết liệt. Nếu đầu năm 2006 hãng xe Mitsubishi, Mercedes… vẫn tuyên bố tăng giá thì nay Mercedes thông báo khuyến mãi đặc biệt cho hai dòng xe C180K Classic (giá thông báo 59.200 USD nhưng bán chỉ 54.999 USD) và C240 Advantage (thông báo 81.000 USD nhưng bán 64.999 USD).
Hãng Toyota sau khi tung ra thị trường hai loại xe Innova đã giảm giá xuống còn 26.900 USD/xe và 29.900 USD/xe, mới đây tiếp tục hạ giá từ 1.000 đến 3.000 USD/chiếc cho các loại xe: Corola Altis, Zace, Vios để thu hút khách. Trong tháng 2/2006, Vidamco cũng đã áp dụng chương trình khuyến mãi giá xe Matiz, Lanos, Gentra, Lacetti, Magnus với mức giảm từ 200 USD đến 1.700 USD/xe.
Hãng Ford Việt Nam cũng giảm giá một loạt sản phẩm như: xe Mondeo 2.0 niêm yết giá 46.400 USD/chiếc, người mua được bớt tới 3.500 USD; Escape 2.3 L giá thông báo 41.900 USD, bớt 2.000 USD; Escape 3.0 niêm yết giá 47.900, bớt 3.000 USD.... Theo nhận xét của giới kinh doanh, khuyến mãi chỉ là “chiêu” thăm dò thị trường của nhiều hãng, nếu xe bán không được chắc chắn phải giảm giá thật sự.
Xe cũ đã... áp sát biên giới!
Cho phép nhập khẩu ôtô cũ là một yêu cầu bắt buộc mà chúng ta phải chấp nhận khi tham gia hội nhập và thực hiện cam kết gia nhập WTO. Điều đáng nói là, mặc dù đã biết việc này sẽ xảy ra, nhưng khi Chính phủ công bố quyết định, các cơ quan chức năng mới “vắt chân lên cổ” tìm chính sách quản lý?
Được biết, đến ngày 15/2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng mới chỉ đạo bằng thông báo số 95/TB-BTC giao Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với các vụ liên quan của Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất kế hoạch và các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng.
Theo đó, đến trung tuần tháng 3/2006 tới đây, các cơ quan này mới có báo cáo bộ trưởng các giải pháp kiểm soát việc nhập khẩu ôtô cũ. Ngày 1/5/2006 quyết định cho nhập khẩu xe cũ có hiệu lực, nhưng hiện đã có hàng trăm ngàn chiếc ôtô cũ tập kết bên kia biên giới chờ đến “giờ G” để vào Việt Nam.
Thông tin từ một cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, sau khi biết Chính phủ ban hành Nghị định 12 cho phép nhập khẩu ôtô cũ, tại một số nước có nguồn ôtô du lịch cũ hợp thị hiếu của người Việt Nam như Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc…, đã dấy lên hoạt động thu gom xe để gửi về Việt Nam.
Đã xuất hiện nhiều biểu hiện gian lận thương mại như nâng đời xe sản xuất trước năm 2001 thành sản xuất sau năm 2001, thay lốp, sửa số khung, số máy, sơn hàn… Thực tế là vậy, nhưng đến thời điểm này các ban ngành vẫn còn “tranh luận” về các giải pháp quản lý. Mọi việc vẫn còn rối bời…
Ông Quách Đức Pháp- Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính: Nhà nước cho phép nhập khẩu xe cũ nhưng không có nghĩa là doanh nghiệp nào muốn nhập bao nhiêu cũng được. Hạn ngạch (quota) vẫn do Bộ Thương mại cấp, doanh nghiệp nào muốn nhập khẩu phải có giấy phép, với các điều kiện kèm theo. Theo tôi, chắc chắn Bộ Thương mại sẽ không cấp giấy phép ồ ạt… Ông Phan Thế Ruệ - Thứ trưởng Thường trực Bộ Thương mại: Cho đến bây giờ Chính phủ cũng như các bộ ngành vẫn chưa có ý kiến gì về vấn đề quota đối với ôtô cũ nhập khẩu. Theo quan điểm của chúng tôi, sẽ dùng biện pháp thuế và các chỉ tiêu kỹ thuật khác để điều tiết việc nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng nên việc áp quota là không cần thiết. Mặt khác, chính Nghị định 12 của Chính phủ đã tự quy định việc hạn chế cấp giấy phép. Theo đó, những mặt hàng nào cấm là cấm hẳn, còn những mặt hàng không cấm sẽ được điều tiết bằng các biện pháp kinh tế để loại bỏ việc trở lại cơ chế “xin cho” vốn đã rất lỗi thời… Bà Đặng Thị Bình An - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan: Việc nhập khẩu xe cũ có những vấn đề phức tạp, bởi ôtô cũ có nhiều chủng loại, nhiều model, nhiều năm sản xuất, giá xe cũng rất phong phú, nên sẽ gây nhiều khó khăn trong quản lý. Để giải quyết tốt, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp, ngành hải quan sẽ nghiên cứu để đưa ra phương án quản lý chắc chắn. Theo đó, ngoài việc căn cứ vào giá thanh toán trong hóa đơn của doanh nghiệp mua xe ở nước ngoài để áp thuế theo trị giá GATT, sẽ có biện pháp thu cụ thể để doanh nghiệp chủ động khi nhập xe và đỡ phải “cãi nhau” với hải quan… Ông Trương Đình Tuyển-Bộ trưởng Bộ Thương mại: Mở cửa thị trường ôtô cũ là tất yếu, nhưng không vì thế mà để các loại ôtô cũ ồ ạt tràn vào Việt Nam. Chúng ta sẽ có biện pháp kiểm soát chặt chẽ bằng các chính sách thuế, sẽ không duy trì mức thuế 150% như hiện nay mà dự kiến sẽ áp dụng cả thuế tuyệt đối và thuế phần trăm (%). Theo đó, không cần biết giá ôtô cũ mua bao nhiêu, khi nhập vào doanh nghiệp phải nộp một khoản thuế có thể là từ 10.000 USD đến 15.000 USD/xe hoặc thậm chí cao hơn. Sau đó, trên cơ sở giá sẽ cộng thêm bao nhiêu phần trăm để tính ra mức thuế phải nộp đối với ôtô cũ nhập khẩu. Mặt khác, sẽ áp dụng quản lý bằng các biện pháp kỹ thuật như xe có tuổi đời từ 5 năm trở xuống, cấm nhập xe tay lái nghịch, bị đục số khung số máy, xe tháo rời... theo tiêu chuẩn kỹ thuật được Bộ KH& CN, Bộ GTVT, Bộ TN&MT đã định ra để quản lý. Sắp tới đây, Bộ Thương mại sẽ chủ trì cuộc họp trên cơ sở các đề xuất của các bộ ngành liên quan, để thống nhất biện pháp quản lý đối với mặt hàng được coi là “nhạy cảm” này. |
(Theo SGGP)