Vấn đề đặc biệt quan trọng của quản lý khoa học và công nghệ là đánh giá hiệu quả của nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Nói cụ thể hơn, đó là kết quả của việc nghiên cứu và triển khai (R&D).
Để xem xét thực trạng nền khoa học công nghệ trong nước, cần có 3 nhóm tiêu chí:
- Nguồn lực đầu vào, như cán bộ R&D, đầu tư cho R&D…
- Kết quả đầu ra, như số lượng công trình khoa học công bố, số lượng bằng sáng chế đã đăng ký…
- Tiêu chí tác động, như số lần công trình được dẫn chứng…
Hiện nay, các cơ quan quản lý khoa học công nghệ thường nói nhiều về các chỉ tiêu đầu vào với định nghĩa về R&D không rõ ràng. Trong khi đó, chúng ta lại không báo cáo các chỉ tiêu đầu ra theo tiêu chí quốc tế, còn các chỉ tiêu tác động thì được phát biểu một cách tuỳ tiện, thường hay dựa trên lời khen của lãnh đạo, không dựa trên một cơ sở lý luận được chấp nhận nào cả. Những thông tin dạng này lại cứ được lan truyền theo kiểu truyền miệng, không có một tài liệu viết nào. Sự thực thì sự phát triển khoa học và công nghệ nước ta, nhìn vào các kết quả đã đạt được thật đáng lo ngại.
Các số liệu lấy từ Viện Thông tin khoa học (ISI) ở Philadelphia theo dõi sự phát triển khoa học và công nghệ ở các nước trên thế giới, cho thấy:
- Xét về số lượng các công trình khoa học công bố, ta ở sau Thái Lan khoảng 20 năm.
- Xét về chiều hướng phát triển, nếu tiếp diễn tình trạng này, Việt Nam sẽ càng ngày càng thua kém Thái Lan.
Trong khi đã có một số nhà nghiên cứu báo động về tình trạng tụt hậu của khoa học và công nghệ nước ta nhưng các cơ quan quản lý từ thấp đến cao vẫn hoàn toàn dửng dưng, xem nó như chuyện ở đâu! Cách đây mấy năm, khi giúp Ban Thông tin - tư liệu của Viện Chiến lược và chính sách khoa học và công nghệ, tôi đã cử người đến Trung tâm thông tin khoa học của Trung tâm KHTN & CNQG, hiện nay là Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam, để xin số liệu về số lượng công trình khoa học của cán bộ trung tâm này trên các tạp chí quốc tế, kết quả là chỉ duy nhất Viện Cơ học có số liệu.
Chúng ta có thể hỏi: nếu các số liệu như vậy mà không có thì các cơ quan quản lý khoa học và công nghệ của trung tâm quốc gia và cả của Bộ Khoa học và công nghệ nữa, quản lý cái gì? Nói đến R&D mà chúng ta chỉ kể đến đầu vào, không nhắc đến đầu ra (theo tiêu chuẩn quốc tế) thì có khác nào nói đến phát triển kinh tế mà chỉ kể ra dân số, không nhắc đến GDP.
Chỉ tiêu đầu vào
GS-TS Nguyễn Xuân Hãn đã nêu một nghịch lý là, trong khi ta thua kém Thái Lan và các nước khác trong khu vực về số lượng công trình khoa học, thì số lượng tiến sĩ của ta lại đứng ở đầu bảng! Theo GS Phạm Duy Hiển, số người làm R&D của ta hiện rất lớn so với Thái Lan: 21.000 so với 6.400! Các con số này có thể khác nhau ít nhiều tuỳ theo nguồn tài liệu, song bản chất của vấn đề vẫn không thay đổi. Trong khi đó, đơn cử như ở Philippines, để bảo vệ luận án tiến sĩ (Ph.D), nghiên cứu sinh đã phải có ít nhất một công trình công bố trên các tạp chí quốc tế theo danh mục của ISI.
Chỉ tiêu đầu ra
Để đánh giá khả năng sáng tạo công nghệ của một quốc gia, số đo cơ bản được sử dụng là số lượng bằng sáng chế được cấp bởi những cơ quan có uy tín trên thế giới. Vào khoảng năm 1997, số bằng sáng chế được cấp ở Mỹ đối với người Mỹ là 80.295, Nhật: 30.841, Hàn Quốc: 2.359, Singapore: 120, Trung Quốc: 3.100, Malaysia: 23, Thái Lan: 13, Philippin: 8. Trong các thống kê của Việt Nam, ta chỉ thấy số liệu về bằng sáng chế của người Việt là... 1.
Rõ ràng, khả năng sáng tạo công nghệ của ta hiện nay rất yếu. Về mặt này, ta thua Thái Lan còn xa hơn về nghiên cứu khoa học.
Sử dụng chỉ tiêu số lượng bằng sáng chế được cấp ở Mỹ hay ở một nước công nghiệp tiên tiến khác, là để biết về trình độ sáng tạo công nghệ, chúng ta đang ở vị trí nào trên thế giới, ở khoảng cách nào đối với những nước đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á.
Theo báo cáo của hãng dự báo RAND biên soạn cho Ngân hàng Thế giới, năng lực khoa học và công nghệ của Việt Nam đang đứng thứ 94 trên thế giới sau Malaysia (thứ 71), Thái Lan (73), Philippines (80)...
Chỉ tiêu tác động
Công bố kết quả nghiên cứu không phải là để khoe tài, mà là để trao đổi với các đồng nghiệp, mong được sự nhận xét của họ (ngoài sự đánh giá ngang hàng - peer review - của những người phản biện của tạp chí). Và nếu được họ sử dụng thì tác giả sẽ thấy rõ thêm giá trị công trình của mình.
Các khái niệm cơ sở của quản lý khoa học và công nghệ cũng rất đáng bàn. Sự lẫn lộn giữa những khái niệm cơ bản: study (tạm dịch là khảo cứu, còn nếu dịch là nghiên cứu thì cần nhớ rằng, đó không phải là nghiên cứu khoa học) với research (nghiên cứu). Ở nước ta hiện nay, hai khái niệm này được gọi chung là nghiên cứu và được hiểu rất phổ biến là nghiên cứu khoa học. Và như thế, chúng ta chưa thể nói cùng tiếng nói với thế giới khoa học rộng lớn được.
Vẽ lại bức tranh nền khoa học nước ta theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế là sự chẩn đoán cần thiết đầu tiên trước khi cùng bàn đến việc kê đơn bốc thuốc.
Tôi xin nhắc lại câu nói của nhà triết học Anh Francis Bacon ở thế kỷ XVI, đại ý: Từ cái sai có thể xuất hiện chân lý, nhưng từ cái lộn xộn thì không ra cái gì cả(!).
*Lời tòa soạn: Giáo sư Đặng Mộng Lân tâm sự: "Tôi viết bài này bằng tất cả sự đau lòng, sự tận tâm và nhiệt huyết của một người làm khoa học".
(Theo SGTT)