221
5101
Chính sách
chinhsach
/kinhte/chinhsach/
779390
Vẫn thiếu yếu tố pháp lý cho thương mại điện tử
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
Vẫn thiếu yếu tố pháp lý cho thương mại điện tử
,

(VietNamNet) - Sáng 29/3, Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) đã tổ chức buổi hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển”. Mặc dù chủ đề hỗ trợ DN ứng dụng CNTT, nhưng các nhà quản lý, chuyên gia và DN lại bày tỏ băn khoăn và mổ xẻ nhiều nhất những bất cập về pháp lý trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Bán điện tử, bán thủ công

Website bán hàng qua mạng của Công ty GOL hiện đang hiệu quả nhất hiện nay, doanh thu bình quân 700-800 triệu/tháng.

Một cuộc điều tra mới đây của VCCI với 2.233 doanh nghiệp thuộc 5 thành phố lớn là TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ cho kết quả: Chỉ có 2,7% số DN ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) mặc dù tỷ lệ kết nối Internet đến 91%.

Giải thích cho con số 97,3% nói “không” với TMĐT, ông Trần Đình Toản, Trưởng phòng thương mại điện tử và thông tin thuộc Viện Tin học DN, cho rằng ngoài lý do năng lực trong lĩnh vực CNTT còn thấp, sử dụng CNTT chưa nhiều, 2 nguyên nhân chính để DN không tham gia TMĐT, đó là nhận thức về lĩnh vực này còn thấp và tâm lý e ngại với yếu tố rủi ro.

Tuy nhiên, trên thực tế nguyên nhân quan trọng nhất khiến DN không tích cực tham gia TMĐT, chính là luật còn thiếu yếu tố pháp lý đảm bảo cho giao dịch TMĐT. Mặc dù hiện nay đã có Luật TMĐT và 5 nghị định, nhưng những băn khoăn của DN kiểu như: Hợp đồng trên mạng có được công nhận như hợp đồng văn bản giấy? Tiền thanh toán qua mạng có đảm bảo an toàn? Khi xảy ra tranh chấp thì xử lý như thế nào? Ai xử?… đến giờ này vẫn chưa biết hỏi ai, và chưa được cơ quan nào giải thích một cách cặn kẽ thấu đáo.

Mới đây, tháng 8/2005, các nước châu Á tổ chức hội thảo “Bảo vệ người tiêu dùng TMĐT” tại Kuala - Lumbur, đã đưa ra một bản kết luận gồm 12 vấn đề để Chính phủ các quốc gia, các tổ chức CNTT sử dụng xây dựng chính sách nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Trong đó bản kết luận ngoài đề cập yếu tố lòng tin, an toàn, giáo dục, đã đặc biệt nhấn mạnh yếu tố xây dựng luật, bao gồm định nghĩa rõ ràng về TMĐT, hợp đồng, giấy phép kinh doanh, giám sát, xét xử, thi hành… Có thể nói, đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam tham khảo khi xây dựng luật.

Ông Nguyễn Nam Vinh, Chủ nhiệm Văn phòng bảo vệ người tiêu dùng phía Nam, cho rằng việc xây dựng luật nên gắn với các tiêu chuẩn quốc tế, để một mặt việc giao dịch đúng cách, thứ hai là nếu xảy ra tranh chấp thì người tiêu dùng, DN Việt Nam mới có cơ sở khiếu nại.

Một trong những yếu tố khiến người dân không mặn mà với TMĐT hiện nay, là sự nhiêu khê trong thanh toán. Hiện chưa có ngân hàng nào chấp nhận thanh toán trực tuyến, người đặt mua hàng trên mạng vẫn cứ phải đến xác nhận chi tại ngân hàng. Cách làm kiểu “bán điện tử, bán thủ công” này còn bất tiện và vì vậy giải pháp lựa chọn của số đông người tiêu dùng vẫn là cầm tiền mặt ra siêu thị hoặc chợ, và hài lòng với phương thức thóc thật tiền tươi.

Hiện nay các ngân hàng Việt Nam mà đứng đầu là Ngân hàng Nhà nước, kế đến là các ngân hàng cổ phần có vốn nước ngoài đang tích cực xây dựng cổng thanh toán. Riêng ông Lê Hồng Hà, người tham gia biên soạn Luật TMĐT, cho rằng để tham gia thanh toán trực tuyến, vấn đề trọng yếu là Việt Nam phải tích cực cải thiện hình ảnh để được quốc tế chấp nhận, mà trong đó chủ yếu là tính minh bạch và tuân thủ luật lệ chung.

Và các “rào cản” khác đối với DN vừa và nhỏ

Soạn: AM 737979 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Buổi thực tập làm quen với giao dịch qua mạng tại TP.HCM. Đ.V.

Theo báo cáo “Tổng quan về DN nhỏ VN giai đoạn 2005 - 2006 và Đánh giá toàn diện về cơ hội thị trường” của tổ chức Đối tác tiếp cận thị trường quốc tế, hiện nay cả nước có 773.000 kể cả hộ kinh doanh cá thể, nhưng chỉ có  80.000 DN trang bị máy tính, chừng trên 10%. Các chuyên gia, nhà quản lý và kể cả các DN chung nhận xét rằng, có  3 yếu tố được xem như là “rào cản” của việc này, đó là nhận thức của DN, tình trạng thiếu nhân lực và khả năng ứng dụng CNTT thấp.

Một DN nghiệp nuôi đà điểu khi đã áp dụng CNTT, sau một thời gian đã tuyên bố: “Nếu không có CNTT, không thể nuôi đà điểu được”. Điều này rất ít gặp ở các DN nhỏ. DN nhỏ hầu như chưa có ý thức đầy đủ về việc ứng dụng CNTT vào để xử lý công việc. Những trường hợp khác, DN nhận thức được việc ứng dụng CNTT, nhưng ứng dụng công nghệ gì, và ứng dụng như thế nào thì vẫn còn mù mờ. Vì vậy mà việc đầu tư của DN dù có nhưng vẫn chưa đúng hướng nên không phát huy được hiệu quả. Đa số DN chỉ chú ý nặng về đầu tư lắp đặt phần cứng (60%), bảo trì, trong khi đó các dịch vụ quan trọng là tư vấn, đào tạo lại rất ít quan tâm, chỉ 3 đến 4%.

Tuy nhiên dù có quan tâm đến các yếu tố trên, DN vừa và nhỏ vẫn gặp một trở ngại từ hướng khác, đó là nhân lực. Với một lực lượng ít ỏi, DN vừa và nhỏ không thể đầu tư lớn cho lĩnh vực CNTT, bởi như thế có thể sẽ sinh ra kém hiệu quảm về mặt kinh doanh. Trong số 2.233 DN được khảo sát, có 22,8% số DN có dưới 40% nhân viên có kỹ năng tin học cơ bản. Với số lượng ít ỏi này, rất khó có khả năng nhân viên sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên dùng. Đó là chưa kể, phần mềm tập trung vào các chương trình kế toán, thống kê, quản lý nhân sự nhiều hơn là phần mềm phục vụ cho sản xuất chuyên ngành. Các ngành như sản da giày, dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ… mặc dù xuất khẩu lớn song lại do DN quy mô vừa và nhỏ sản xuất, vẫn là những ngành thiếu phần mềm chuyên dụng.

Đề án “Hỗ trợ DN ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển” Chính phủ ký ban hành tháng 7/2005, song đến nay các nhà quản lý, chuyên gia vẫn chỉ mới hỗ trợ được cho DN trên lĩnh vực tư vấn chút ít và về kỹ thật và nhận thức, chứ chưa có một đề án thực thụ về hỗ trợ DN ứng dụng CNTT vào sản xuất kinh doanh. Hiện tại chỉ mới có Intel đã có chương trình hỗ trợ 200 DN vừa và nhỏ đầu tư vào trang thiết bị, và đang xây dựng chương trình nhắm vào hỗ trợ 2,5 triệu hộ kinh doanh cá thể bằng việc cung cấp thông tin, xây dựng Trung tâm tư vấn, cung cấp cẩm nang máy tính, xây dựng DN mẫu về ứng dụng CNTT và một giải pháp về phần cứng với công nghệ tương tự centrino.

Ông Hồ Thanh Tùng, TGĐ Oracel khu vực Đông Dương, cho rằng hỗ trợ DN vừa và nhỏ cần chú trọng vào đào tạo nhân lực. Ông Nguyễn Văn Thảo, Phó Tổng thư ký VCCI cho rằng, sự hỗ trợ sẽ cho cả hai phía, DN và nhà cung cấp sản phẩm giải pháp CNTT. Nhưng ông Thảo cũng khẳng định, dù hỗ trợ như thế nào đi nữa, vấn đề quan trọng nhất quyết định dự thành công, vẫn là sự quan tâm, ý chí của mỗi DN.

  • Đặng Vỹ
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,