(VietNamNet) - Kết hợp triều cường, từ 14/1 tới 19/2/2007, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ bắt đầu xả nước. Tổng lưu lượng nước xả trung bình từ 3 hồ Hoà Bình, Thác Bà và Tuyên Quang khoảng 1.200 m3/s, làm tăng nguy cơ thiếu điện trong mùa khô.
>>Cảnh báo khô hạn xảy ra ngay từ đầu năm 2007
Sẽ có trên 120.000ha lúa bị thiếu nước trầm trọng. (Ảnh thoitietnguyhiem.net) |
Đại diện lãnh đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia hôm nay (10/1) cho biết, để đảm bảo nước tưới vụ đông xuân 2006-2007 ở các tỉnh miền Bắc và khai thác hiệu quả nguồn nước xả, EVN sẽ tiến hành 3 đợt xả nước. Đợt xả nước đầu tiên từ 14/1 đến 23/1; đợt hai từ 27/1 đến 5/2 và đợt ba bắt đầu xả nước từ 11/2 đến 19/2.
Trong thời gian xả nước, tổng lưu lượng xả trung bình ngày từ ba hồ Hoà Bình, Thác Bà và Tuyên Quang xuống hạ du từ 1.100-1.400m3/s, trong đó nhiều nhất vẫn là từ hồ Hoà Bình. Đối với hồ Tuyên Quang, để đảm bảo an toàn cho công trình, tốc độ hạ thấp mực nước hồ chứa phải khống chế, không vượt quá mức 1,5m/ngày đêm.
Tại Hà Nội, mức nước ngày 28/12/2006 xuống 1m47 - mức thấp kỷ lục trong hàng trăm năm qua. Bà Nguyễn Lan Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, nhận định, nguyên nhân mực nước tại Hà Nội xuống thấp là do mực nước ngầm ở hạ lưu sông rất thấp. Bên cạnh đó, do điều tiết của hồ Hoà Bình, Thác Bà, nhất là hồ Tuyên Quang đã trữ lại từ 15-80% lượng nước. Nền nhiệt độ cao trong mùa đông do ảnh hưởng của Elnino cũng góp phần làm cho lượng nước thiếu hụt. Dự báo, dòng chảy trên sông Đà tại Hòa Bình có khả năng thiếu hụt 15-20%, sông Lô thiếu hụt 70-80% và sông Hồng tại Hà Nội thiếu hụt 30-40%. |
Tuy nhiên, ngành điện đang lo lắng khi dòng chảy các hồ quá thiếu hụt. Mực nước hồ Hoà Bình thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 0,9m, lưu lượng nước xả giảm tới 185 triệu m3; còn hồ Thác Bà giảm tới 1,7m, lưu lượng nước cũng giảm tới 395 triệu m3.
Chính vì vậy, nguy cơ thiếu điện mùa khô 2007 là khó tránh khỏi, nhất là vào tháng 5-6 tới. EVN sẽ phải điều hành chặt chẽ kế hoạch xả nước để đảm bảo phát điện.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia dự báo, sản lượng điện thiếu hụt của cả năm có thể dao động từ 150 triệu kWh đến 1,5 tỷ kWh. Trong đó, mức thiếu hụt 1,5 tỷ kWh là khi phụ tải tăng 14%, tần suất nước về các hồ thuỷ điện 90%, số giờ vận hành các nhà máy nhiệt điện than là 6.500h và nhiệt điện khí là 7.000h. Trường hợp này, việc cắt điện luân phiên là khó tránh khỏi.
Quá khó chuyển đổi diện tích tránh hạn
Ông Nguyễn Đình Ninh - Phó Cục trưởng Cục Thuỷ lợi (Bộ NN-PTNT), cho biết, đây là vụ đông xuân thứ ba liên tiếp Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) bước vào sản xuất trong tình trạng khô hạn. Đáng lo ngại, mức độ khô hạn mỗi năm một trầm trọng hơn.
Cùng thời điểm này, vụ đông xuân 2004-2005 - năm được coi là có mức hạn khốc liệt nhất trong vòng 40 năm qua ở miền Bắc, mực nước sông Hồng tại Hà Nội vẫn còn ở mức 2,1-2,2m. Đến vụ đông xuân 2005-2006 thời điểm chuẩn bị vào vụ sản xuất, mực nước sông Hồng còn được xấp xỉ 2m. Nhưng năm nay, hiện mực nước sông Hồng tại Hà Nội đã xuống tới mức 1,47m vào cuối tháng 12. Lưu lượng nước các sông khác cũng ở mức thấp khiến các địa phương vất vả lo nguồn nước.
Tổng hợp từ các địa phương, vụ đông xuân này, 142.000-242.000ha lúa tại các tỉnh miền Bắc sẽ gặp khó khăn về nguồn nước tưới. Theo Sở NN-PTNT Hà Tây, tỉnh này còn không lấy được nước để gieo mạ. Có ít nhất 35.000ha lúa tại tỉnh này thiếu nước. Mặc dù đã huy động 93 trạm bơm dã chiến, nạo vét trên 2 triệu m3 kênh mương, song, khô hạn đã buộc Hà Tây phải chuyển đổi 3.000ha sang trồng cây khác hoặc nuôi thuỷ sản.
Bắc Giang cũng không khá hơn khi 3 năm qua, các sông trên địa bàn tỉnh luôn thiếu hụt trầm trọng. Đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT Bắc Giang bức xúc, tỉnh có khả năng mất trắng 10.000ha do không thể trồng được lúa.
Tuy nhiên, tổng diện tích đất ở ĐBSH chuyển sang trồng cây khác vẫn ở mức rất thấp, chỉ 17.000ha. Ông Nguyễn Đình Ninh cho rằng, việc chuyển đổi rất phức tạp khi bà con vẫn giữ tâm lý phải có thóc trữ trong nhà. Chính vì vậy, tại Bắc Giang, việc chuyển đổi lúa sang cây trồng khác cực kỳ khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Bài, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hưng Yên, thì thừa nhận, tỉnh này hoàn toàn thất bại trong việc chuyển đổi cây trồng tránh hạn. Người dân chỉ quen trồng lúa trong vụ đông xuân, nên việc trồng màu không quen; hoặc cũng không muốn chuyển đổi. Do vậy, tỉnh đã gồng sức tìm mọi biện pháp chống hạn để người dân trồng lúa.
Về thời gian xả nước của EVN, đại diện nhiều Sở NN-PTNT các tỉnh miền Bắc cũng rất đồng tình. Tuy nhiên, các tỉnh cho rằng, EVN nên tập trung vào xả nước trong hai đợt đầu, trùng với thời gian gieo cấy. Riêng lưu lượng nước phải đảm bảo Hà Nội đạt mức thấp nhất 2,5m thì các trạm bơm mới có thể vận hành tốt, lấy nước tưới kịp thời và đủ.
-
Hà Yên