(VietNamNet) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, phát triển cảng biển, vận tải hàng hải và công nghiệp đóng tàu là 1 trong nhóm 4 ngành kinh tế được Chính phủ, Nhà nước định hướng đẩy mạnh phát triển trong kế hoạch 5 năm 2006-2010.
Sáng 5/3/2007 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự Hội nghị Triển khai công tác 2007 của Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam.
Tại Hội nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, vận tải biển và dịch vụ cảng biển được coi là hạ tầng quan trọng, là đầu vào và đầu ra của một nền kinh tế. Để Việt Nam thoát khỏi tình trạng là nước kém phát triển thì tăng trưởng hàng năm của quốc gia phải đạt từ 8,5%/năm. Để có tốc độ phát triển này thì cảng biển và vận tải biển phải đi trước 1 bước. Sự tăng trưởng của ngành này phải đạt từ 10%/năm trở lên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (ảnh: Phạm Hải) |
Hiện nay sự phát triển của ngành hàng hải chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của đất nước. Vận tải biển cả nước mới đạt năng lực 3,6 triệu DWT, bằng 18% tổng năng lực vận tải biển, đội tàu thì già cũ và lạc hậu, còn cảng biển hầu hết đã hết công suất.
Trong khi đó xuất khẩu của Việt Nam chiếm trên 50% GDP và nhập khẩu cũng chiếm trên 50% GDP. Trong số 100 đồng làm ra thì có tới 60 đồng được đem bán ra nước ngoài và bên cạnh đó là phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ cho làm hàng xuất khẩu. Nhưng đến nay năng lực đội tàu và cảng biển không đáp ứng được.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cho biết hạ tầng về cảng biển của Việt Nam hiện còn yếu là điều làm họ quan ngại. Việt Nam thiếu các cảng nước sâu và năng lực của các cảng có hạn ảnh huởng rất nhiều đến hoạt động đầu tư của họ tại đây.
Với năng lực cảng biển của Việt Nam như hiện nay, nếu không đẩy mạnh phát triển thì thời gian tới tàu bè sẽ phải xếp hàng chờ bốc xếp hàng xuất nhập khẩu. Thời gian chờ đợi lâu, sẽ làm cho chi phí của các doanh nghiệp tăng cao và khả năng cạnh tranh quốc tế giảm, ảnh hưởng tới sự phát triển chung của kinh tế đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, phát triển cảng biển, vận tải hàng hải và công nghiệp đóng tàu là 1 trong nhóm 4 ngành kinh tế được Chính phủ, Nhà nước định hướng đẩy mạnh phát triển trong kế hoạch 5 năm 2006-2010 và Tổng Công ty Hàng Hải sẽ giữ vai trò nòng cốt.
Hiện năng lực vận tải của Tổng công ty mới chỉ đạt 1,3 triệu DWT, tổng lượng hàng hoá thông qua cảng đạt 41,5 triệu tấn trên 150 triệu tấn, lượng hàng hoá vận tải tăng 8% và doanh thu tăng 6% trong năm 2006 là chưa tương xứng với sự phát triển chung của nền kinh tế.
Chính phủ và các cơ quan chức năng cùng với các doanh nghiệp sẽ phải lo điều này.
Trong thời gian tới nhiệm vụ quan trọng là phải đẩy mạnh phát triển đội tàu và năng lực cảng biển cũng như dịch vụ hậu cần cảng biển cả về số lượng và chất lượng để phục vụ sự phát triển kinh tế.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vấn đề khó khăn nhất không phải là vốn mà phải có các dự án tốt và đội ngũ con người có năng lực.
Nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này thực sự không khó huy động. Các doanh nghiệp hàng hải hiện đã cổ phần hoá nhiều, cần lành mạnh về tài chính và lên sàn chứng khoán, đây là kênh huy động vốn dài hạn khá tốt. Bên cạnh đó một số doanh nghiệp như Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ, Tập đoàn điện lực Việt Nam đã phát hành trái phiếu thành công, Tổng Công ty Hàng Hải cũng phải tiến tới phát hành trái phiếu để có vốn đầu tư. Chúng ta còn có tới 50 Quỹ đầu tư, 16 chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và 36 ngân hàng cổ phần... sẵn sàng đầu tư chỉ cần có những dự án tốt có hiệu quả. Ngoài ra hợp tác, liên doanh, đa sở hữu, cho nước ngoài tham gia... cũng là những hướng thu hút vốn rất tốt. Việc cho vay hay đầu tư số vốn lớn và hiệu quả thì không ai, tổ chức tín dụng nào lại không muốn.
Việt Nam có nhiều cảng biển có tiềm năng và lợi thế lớn như Lạch Huyện (Hải Phòng), Vân Phong (Khánh Hoà)... nhưng tiềm năng sẽ mãi mãi là tiềm năng khi không có những hành động cụ thể. Nhiều cảng biển được cho là có lợi thế có tiềm năng, nhưng đến nay vẫn chưa có dự án tiền khả thi về nó thì nói gì đến thu hút được vốn đầu tư.
-
Trần Thuỷ
Ý kiến của bạn: