221
5101
Chính sách
chinhsach
/kinhte/chinhsach/
943414
Khó giảm được giá điện
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
Với Đề án lập công ty cổ phần mua bán điện:
Khó giảm được giá điện
,

Mong muốn giá điện "tăng ít thôi" của hàng triệu người tiêu dùng sẽ tan thành mây khói một khi đề án thành lập công ty cổ phần mua bán điện được triển khai.

Đại diện của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa gửi thư cho bộ trưởng các bộ Công nghiệp, Kế hoạch - đầu tư, Tài chính bày tỏ quan điểm lo ngại trước đề án của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thành lập một công ty mua bán điện duy nhất. Vì sao?

s
Nếu thành lập duy nhất công ty mua bán điện sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư vào ngành điện. Trong ảnh: Nhà máy điện Phú Mỹ 2 hoạt động theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư 480 triệu USD của các nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh: N.C.T. (Tuổi Trẻ)

Ông Martin Rama - chuyên gia kinh tế trưởng của WB - cho rằng công ty mua bán điện này được thành lập theo mô hình cổ phần hoạt động vì mục đích lợi nhuận, đó là điều không nên.

Không nước nào làm như Việt Nam

Theo ông Martin Rama, việc này sẽ tạo ra sự xung đột lớn về quyền lợi. Công ty này sẽ có quyền lợi qua việc bán điện do sở hữu nguồn điện và cả khi mua điện do việc sở hữu đơn vị mua buôn điện duy nhất.

Điều này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả, trong đó sẽ làm nản lòng những nhà đầu tư có ý định đầu tư thêm nguồn điện tại VN. Các nhà đầu tư có cơ sở khi lo ngại công ty mua điện duy nhất này sẽ ưu ái hơn cho các nhà máy điện của mình.

Một lý do khác để không thành lập công ty mua bán điện duy nhất đó là đơn vị này hoạt động vì lợi nhuận, độc lập so với các dịch vụ khác như điều hành hệ thống và thị trường, các dịch vụ truyền tải. Như vậy sẽ có trùng lặp một vài chức năng như phối hợp điều độ, dẫn đến việc tăng chi phí. Trong khi mục tiêu của ngành điện là phải tìm cách tiết giảm các chi phí.

Điều này làm mục tiêu giảm giá điện cho khách hàng khó trở thành hiện thực. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy không có đơn vị mua duy nhất nào được thành lập để hoạt động nhằm mục đích lợi nhuận.

EVN nói gì?

Theo đề án, công ty cổ phần mua bán điện có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng với cổ đông sáng lập là bảy doanh nghiệp gồm Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN và một số tổng công ty như thép, ximăng... Tập đoàn Điện lực VN sẽ giữ cổ phần chi phối. Khi hoạt động, công ty này sẽ mua điện của 34 nhà máy, bán buôn cho các công ty phân phối điện...

Theo ông Đào Văn Hưng, chủ tịch hội đồng quản trị EVN, việc xác định giá mua bán điện của công ty sẽ thể hiện rõ lợi ích hài hòa của các bên, tạo ra sự tin tưởng của người tiêu dùng.

Ông Hưng cho rằng khi đó các nhà máy sẽ phải chào giá bán điện, công ty sẽ mua của đơn vị nào chào bán với giá thấp nhất. Cũng theo ông Hưng, giá mua điện hợp lý sẽ kích thích nhà đầu tư bỏ vốn vào công trình điện, giảm sức ép thiếu điện.

EVN cho rằng công ty này hoạt động sẽ đem lại nhiều lợi ích khác như: xác định chi phí giữa các khâu phát điện, khâu truyền tải, khâu phân phối; thúc đẩy để đưa thị trường điện cạnh tranh đi vào hoạt động; có lợi cho nhà đầu tư và cả người tiêu dùng...

Thế nhưng, khi đề án này được EVN đưa ra lấy ý kiến của các bộ ngành vào cuối tháng 5-2007 đã có nhiều câu hỏi được đặt ra. Trong đó nhiều ý kiến cho rằng tại sao chỉ có duy nhất một công ty mua bán điện. Điều này sẽ dẫn đến việc biến độc quyền của ngành điện thành độc quyền của công ty cổ phần mua bán điện.

Một ý kiến khác cũng khá lý thú, đó là câu hỏi khi thành lập công ty mua bán điện, các cổ đông sáng lập công ty cũng là người sản xuất điện sẽ ở vai trò của người mua hay người bán điện để quyết định giá bán điện? Sẽ khó dung hòa được quyền lợi khi người mua điện cũng có liên quan “xa gần” đến hoạt động sản xuất điện.

* PGS Đỗ Đức Định (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế - xã hội VN): Công ty mua bán điện không nên nằm trong EVN

Theo tôi, với việc thành lập công ty cổ phần mua bán điện (EVN giữ đến 51%), có thể hiểu EVN đang chuẩn bị trước khả năng bị phá thế độc quyền. Thay vì giữ độc quyền bán như hiện nay, EVN chuyển sang chuẩn bị cho độc quyền mua. Mà độc quyền mua nguy hiểm không kém độc quyền bán.

Trong thời điểm từ 2009-2014, chỉ công ty này được mua điện thì họ sẽ giữ vai trò ban phát, các nhà đầu tư không lo ngại mới là lạ. Công ty cổ phần mua bán điện nếu không độc lập khỏi EVN thì theo tôi không những không tăng tính cạnh tranh mà còn duy trì thêm tính độc quyền của EVN.

Vì vậy, nếu chuẩn bị cho thị trường cạnh tranh thì công ty mua bán điện nên có tính độc lập, không nên thuộc EVN. Nếu không công ty này là bước trung gian không cần thiết và chỉ là cánh tay nối dài của EVN mà thôi.

* Chủ đầu tư một nhà máy điện tư nhân tại phía Bắc: Họ không mua nữa thì sao?

Hiện nay, để triển khai xây dựng nhà máy điện không dễ vì trước đó chúng tôi phải ký thỏa thuận với EVN về mức giá. Còn về đấu nối, đường từ nhà máy đến đường truyền tải của EVN càng xa chúng tôi càng “chết”.

Làm việc trực tiếp với EVN đã khó, nay nếu buộc phải bán điện qua một công ty trung gian nữa, chúng tôi không biết được mình sẽ rơi vào tình thế như thế nào. Nếu không làm họ vừa lòng, họ không mua nữa thì sao?

Tôi cũng không hiểu việc lập công ty này là do ý muốn chủ quan của các “ông lớn” dựa trên danh nghĩa nhà nước và tranh thủ “thời” của các công ty cổ phần để “làm ăn” hay là chủ trương từ Chính phủ. Nếu là chủ trương của Chính phủ với các lý do để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ổn định thị trường... thì chúng tôi ủng hộ và yên tâm.

Còn ngược lại, chúng tôi cần một sự giải thích thấu đáo về mục đích thành lập công ty cổ phần này, nhưng lời giải thích ấy phải đến từ những lãnh đạo cao nhất trong lĩnh vực này chứ không thể chỉ ông chủ tịch EVN là được.

 (Theo Tuổi Trẻ)

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,