Theo những “người trong cuộc”, chỉ có giảm thuế nhập khẩu mới giải quyết được bài toán giá sữa "nóng" vốn đang làm đau đầu người tiêu dùng.
Ông Trần Bảo Minh - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa VN:
Giảm thuế, người nuôi bò vẫn sống khỏe
Giá sữa lại tăng, người tiêu dùng thêm đắn đo khi chọn mua sữa. Trong ảnh: người tiêu dùng chọn mua sữa tại Co-op Mart Đinh Tiên Hoàng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM chiều 1/8 - Ảnh: Thanh Đạm (Tuổi Trẻ)
Theo tôi, có giải pháp để “hạ nhiệt” bớt việc tăng giá sữa, đó là giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu. Theo cam kết của VN với Tổ chức Thương mại thế giới, mức thuế suất nhập khẩu nguyên liệu của VN vẫn giữ ở mức tương đối cao, từ 20-30%. Đây được xem là một công cụ để bảo vệ người chăn nuôi bò sữa trong nước.
Trong thực tế, sữa bò nguyên liệu nội địa chủ yếu dùng để sản xuất sản phẩm sữa nước, còn tất cả sản phẩm sữa bột trên thị trường đều sử dụng nguyên liệu bột sữa nhập khẩu. Do đó, nếu giảm thuế nhập khẩu sữa bột nguyên liệu cũng không gây bất cứ ảnh hưởng gì đến người chăn nuôi bò sữa.
Giám đốc một công ty sản xuất sữa:
Giá sữa càng tăng, thuế phải nộp càng cao
Ông Trương Chí Trung, thứ trưởng Bộ Tài chính: Sẽ giảm thuế sữa trong nay mai |
Sự tăng giá của một số mặt hàng trong thời gian vừa qua là do giá nguyên liệu đầu vào tăng khá mạnh. Bộ Tài chính cũng đã có nhiều giải pháp kiềm chế sự tăng giá ở một loạt các mặt hàng nóng, trong đó giải pháp giảm thuế nhập khẩu đối với nguyên -nhiên - vật liệu sản xuất của một số mặt hàng, kể cả giảm thuế nhập khẩu thành phẩm để tăng lượng cung cho thị trường. Trong vài ngày tới, Bộ Tài chính sẽ ban hành các quyết định giảm thuế, cả nguyên liệu và thành phẩm, đối với một số mặt hàng - trong đó có mặt hàng sữa. Giải pháp giảm thuế này được chúng tôi tính toán áp dụng trong một thời gian nhất định, nhưng chắc chắn sẽ cải thiện được tình hình. |
Không chỉ nhà sản xuất sữa gặp khó khăn, mà giá sữa hiện nay đã vượt sức chịu đựng của không ít người tiêu dùng. Để giải quyết bài toán khó khăn này, theo tôi, Nhà nước cần điều chỉnh thuế suất nhập khẩu nguyên liệu một cách phù hợp.
Trong thực tế, nguồn nguyên liệu sữa nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 22% nhu cầu sản xuất trong nước, gần 80% nguyên liệu sữa bột hiện nay đều phải nhập khẩu. Ở khía cạnh nào đó, chính sách bảo hộ đã vô tình tước mất cơ hội sử dụng sữa của nhiều trẻ em.
Trong khi cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều gặp khó khăn, việc giữ nguyên mức thuế suất nhập khẩu nguyên liệu bột sữa chỉ có tác dụng tăng... thu ngân sách.
Chẳng hạn, cũng với thuế suất 20%, số thu ngân sách trước đây chỉ có 600 USD/tấn (3.000 USD/tấn x 20%), nhưng khi giá sữa tăng, hiện nay khoản thuế phải đóng lên tới 1.000 USD/tấn (5.000 USD/tấn x 20%).
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Đăng Vang:
Giảm thuế là biện pháp tình thế
Việc phát triển đàn bò sữa nhằm đảm bảo cho người tiêu dùng có nguồn sữa chất lượng cao, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, đàn bò sữa chỉ có thể phát triển được khi việc sử dụng sữa trở thành một tập quán, một thói quen của mọi người. Chính người tiêu dùng quyết định đến sự phát triển bền vững của ngành sản xuất sữa, trong đó có nghề chăn nuôi bò sữa.
Nếu giá sữa quá cao, người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm này, việc sử dụng sữa không trở thành một thói quen, ngành chăn nuôi bò sữa cũng khó tồn tại và phát triển. Do đó, trong một thời điểm nào đó, tôi ủng hộ giải pháp tình thế (giảm thuế).
Ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế (Viện Quản lý kinh tế trung ương):
Phải vì người tiêu dùng
Các nhà hoạch định chính sách sẽ phải “đau đầu” cho việc có nên giảm thuế nhập khẩu hay không vì còn liên quan đến ngành sản xuất sữa trong nước. Nhưng phải đặt lợi ích phúc lợi xã hội và lợi ích người tiêu dùng lên hàng đầu. Để giảm sốc, nên chăng chúng ta chọn cách giảm thuế từ từ.
(Theo Tuổi Trẻ)