221
5101
Chính sách
chinhsach
/kinhte/chinhsach/
1227135
Không "bảo lãnh" chuyện lãi lỗ kinh doanh xăng dầu
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
Không 'bảo lãnh' chuyện lãi lỗ kinh doanh xăng dầu
,

 - Công thức tính giá thành xăng dầu không phải nhằm đảm bảo doanh nghiệp luôn luôn lãi, ông Võ Văn Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, Bộ Công Thương thuyết trình dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu ngày 29/7.

Người dân có đủ cơ sở để "mổ xẻ" giá xăng dầu

Với nghị định mới, các quan chức của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đều lạc quan khẳng định, vận hành giá xăng dầu sẽ “sáng như ban ngày”. Sẽ không còn cảnh lúng túng trước bài toán hoặc lùi thuế, hoặc tính toán khả điều chỉnh giá.

Mô tả ảnh.
Nghị định mới sẽ qui định rõ kịch bản các mức tăng - giảm của giá xăng dầu tương ứng biến động giá thành (ảnh: Phạm Huyền)

Ông Võ Văn Quyền nói: “Người tiêu dùng có thể dựa vào công thức giá cơ sở đã công bố trong Nghị định để phát hiện sự bất hợp lý trong việc điều chỉnh giá của doanh nghiệp. Yếu tố “động” như giá xăng dầu thành phẩm, người tiêu dùng hoàn toàn có thể nắm được thông qua mạng internet.”

“Phía Bộ cũng cập nhật các thông tin này hàng ngày nên sẽ không có chuyện, doanh nghiệp tuỳ tiện định giá, “qua mặt” được người dân và Nhà nước", ông Quyền nhấn mạnh.

Khi áp dụng cùng một mức giá cơ sở để giám sát giá bán lẻ của 11 doanh nghiệp có qui mô khác nhau, theo ông Quyền, đó sẽ là sức ép để mỗi một doanh nghiệp phải tìm cách tiết giảm chi phí sản xuất, đàm phán lấy được xăng lúc giá rẻ để kinh doanh có lãi. Nếu không, doanh nghiệp sẽ có nguy cơ lỗ.

Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn  Khánh Toàn, Phó tổng thư ký Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, mặt hàng nhạy cảm này vẫn chỉ có một giá bán lẻ như hiện nay mặc dù có tới 11 doanh nghiệp đầu mối. Điều này sẽ không tạo động lực giảm giá thành thực sự.

Ông Đinh Văn  Thành, Viện nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương kiến nghị, cơ chế mới cần qui định rõ, hàng tháng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải công bố giá cơ sở và có trách nhiệm kiểm soát việc điều chỉnh của doanh nghiệp.

Phải xử phạt nếu điều chỉnh giá sai quy định

Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam dẫn lại câu chuyện “muôn thuở” của doanh nghiệp xăng dầu: khi giá thế giới tăng thì doanh nghiệp tăng giá trong nước rất “kịp thời” nhưng khi giá thế giới giảm thì giá trong nước giảm rất chậm. Lý giải thường thấy của doanh nghiệp là, do tồn kho xăng dầu vẫn còn lượng hàng nhập lúc giá cao nên chưa giảm ngay.

Ông Hùng, đại diện Hội nói, giá thế giới tăng cao thì cũng có nghĩa doanh nghiệp vẫn còn lượng hàng tồn nhập lúc giá giảm, cớ sao doanh nghiệp lại đòi tăng ngay?

Từ “thói quen” này của doanh nghiệp, ông Hùng đề xuất, Nghị định phải qui định rõ việc tăng giảm giá không đúng là một hành vi vi phạm và cần có chế tài xử lý.

Mô tả ảnh.
Cần có đại điện của người tiêu dùng trong việc giám sát  quỹ bình ổn giá (ảnh: Phạm Huyền)

Ngoài ra, vai trò giám sát của người tiêu dùng phải được qui định cụ thể trong Nghị định.

Ông Trần Văn Tư, Trưởng phòng chính sách, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam bày tỏ, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được coi là một khoản trích lập ngày trong cơ cấu giá thành xăng. Tuy nhiên, đây là khoản tiền ứng trước của người tiêu dùng để đưa vào giá bán.

Vì thế, không thể giao toàn quyền giám sát sử dụng Quỹ cho Bộ Tài chính mà cần có đại điện của người tiêu dùng, như các hiệp hội tham gia giám sát.

Về điểm này, ông Nguyễn Tiến Thoả, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, Nhà nước quản lý quỹ này không hề khó. Doanh nghiệp sẽ phải lập một tài khoản riêng cho tiền trích Qũy.

Chỉ cần sau khi công bố mức trích trên mỗi lít,kg xăng dầu rồi nhân với sản lượng tiêu thụ, sau đó, kiểm tra, đối chiếu trong tiền trong tài khoản quỹ là biết được độ  “trung thực” của doanh nghiệp.

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cam kết về sự vận hành giá minh bạch theo xu hướng giá thế giới.

Ông Bảo nói, nếu Petrolimex đã kiềm giá thì cũng chẳng có đơn vị nào tăng giá. Bởi lẽ, nếu giá thế giới mà tăng cao, doanh nghiệp khác bán bằng giá của Petrolimex cũng đã là khó khăn. Trong khi đó, ngược lại, nếu doanh nghiệp khác mà giảm giá thì Petrolimex không thể không giảm giá theo. Nếu không, sẽ bị Nhà nước tuýt còi ngay.

Tuy nhiên, về việc nên chọn phương án vận hành giá nào, vị Tổng giám đốc này tỏ ra rất thoải mái: kiểu gì chúng tôi cũng theo được. Quan trọng là có chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng không, nghĩa là nhập giá cao thì bán giá cao?

Các ý kiến khác tại cuộc họp ngày 29/7 đều tập trung nhấn mạnh vai trò giám sát của người tiêu dùng và sự minh bạch, công khai của giá xăng dầu. Cơ bản, cuộc họp đều nhất trí với quan điểm về vận hành giá xăng dầu như dự thảo đưa ra.

Tuy nhiên, việc chọn phương án vận hành giá xăng cụ thể sẽ do Chính phủ quyết định. Dự kiến, trong tuần tới, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ kết luận thống nhất của cuộc họp này.

Nhiều ý kiến tại cuộc họp “thắc mắc” về vị trí thống lĩnh thị trường của Petrolimex là biểu hiện vi phạm luật Cạnh tranh.

Ông Nguyễn Cẩm Tú, thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, đánh giá đó không hoàn toàn chính xác. Xăng dầu ở Việt Nam vận hành theo thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Petrolimex còn thực hiện nhiệm vụ chính trị Nhà nước giao, không toàn quyền quyết định tất cả các hoạt động kinh doanh của mình. Ví dụ, khi giá xăng dầu lên cao, doanh nghiệp nhỏ có thể không phải nhập nhưng Petrolime phải đảm bảo nhập khẩu xăng dầu đủ cung ứng trong nước.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Petrolimex được dịp trần tình nỗi oan “độc quyền”: Petrolimex chiếm 60% là do lịch sử để lại. Tuy nhiên, những nơi Petrolimex chiếm 100% thị phần đều là những nơi không DN nào tới, như Lào Cai, Mù Cang Chải. 

Còn những nơi thị trường cạnh tranh như Hà Nội, TP HCM, Petrolimex chỉ chiếm 30-40% thị phần. ở Vĩnh phúc, Petrrolimex chỉ có 24/124 cửa hàng của hệ thống khác.

  • Phạm Huyền


,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,