- Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Lê Đức Thuý, Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã khẳng định quan điểm trên.
- Nói về hiệu quả gói kích cầu hiện nay, nhiều ý kiến nghi ngại việc doanh nghiệp vay vốn hỗ trợ lãi suất để đảo nợ. Ông có đánh giá gì về việc này?
Ông Lê Đức Thuý, Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia. (Ảnh: CM) |
Con số dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất, hay con số dư nợ cho vay mới trong hoạt động tiêu dùng hoặc đầu tư chứng khoán, bất động sản thì tổng số đó tăng lên rất nhiều.
Theo tính toán của chúng tôi, tổng dư nợ cho vay đó phải tăng lên trên 40% so với con số dư nợ hồi cuối năm 2008. Nhưng mức dư nợ tăng lên trên thực tế chỉ khoảng 22% đến tháng 7.
Điều đó cho thấy, có một phần đáng kể nợ cũ đã được trả. Đó là những dấu hiệu cần lưu tâm tới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trả bằng đảo nợ, hay bằng nguồn tài chính nào đó thì nên để cơ quan thanh tra chuyên ngành trả lời.
- Thưa ông, gói kích cầu thứ nhất đã chặn được đà suy giảm kinh tế. Vậy, có nên triển khai tiếp kích cầu nữa hay không?
Tôi thuộc nhóm những người ủng hộ nên tiếp tục triển khai gói kích cầu thứ 2. Nói đúng ra, đó là việc chúng ta vẫn cần những biện pháp hỗ trợ thêm cho nền kinh tế nhằm tạo bước đệm, tránh cú sốc khi gói kích cầu thứ nhất hết hiệu lực, để nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn. Còn gói đó là bao nhiêu, làm như thế nào thì các cơ quan liên quan phải tính toán, thiết kế.
- Xin ông nói rõ hơn, vì sao chúng ta cần thêm một gói kích cầu nữa? Không thể phủ nhận là nếu kích thích quá thì nền kinh tế sẽ tái lạm phát?
Trên thực tế, mặc dù quý II, GDP tăng hơn quí I song tính chung, GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3,9%. Nếu để đạt GDP là 5% cho cả năm thì quý III, quí IV, GDP cần phải tăng 6% là không hề dễ. Thực tế, nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng chậm.
Mức tiêu dùng dân cư giảm so với năm ngoái. Chi tiêu Chính phủ tăng lên chưa đủ bù mức giảm của tổng tiêu thụ, nên làm GDP chậm lại, kim ngạch xuất khẩu thì giảm tới 14% so với cùng kỳ, tiêu thụ cuối cùng giảm 3,5% nếu tính từ đầu năm đến nay. Như vậy, nguy cơ GDP vẫn tăng trưởng thấp là có thể xảy ra.
Cần làm rõ tăng trưởng sản xuất thực chất đến đâu hay dựa vào tiêu thụ hàng tồn kho từ trước. (Ảnh minh hoạ: Phạm Huyền) |
Bên cạnh đó, hàng tồn kho công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 34%, điều đó chứng tỏ nền kinh tế đang phục hồi một cách chật vật, chưa bền vững. Ngoài ra, cũng cần hiểu rõ, nền kinh tế của ta là tăng trưởng thực chất đến mức nào.
Sự phục hồi, giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp vừa qua là tăng trưởng dựa trên tiêu thụ cuối cùng hay là trên cơ sở tiêu thụ hàng tồn kho từ trước, hay tăng trưởng sản phẩm, làm ra nhưng lại để tồn kho.
Giả dụ năm nay, GDP tăng 5% thì cũng khó nói rằng, tăng trưởng năm 2010 sẽ đi lên.
- Nếu triển khai tiếp gói kích cầu thứ 2 thì theo ông, chúng ta nên có những lưu ý gì để đạt hiệu quả tốt hơn?
Dĩ nhiên, gói kích cầu thứ 2 nếu triển khai, phải chọn lọc hơn. Nó không thể dàn đều cho mọi doanh nghiệp, mọi ngành. Chỉ những ngành, lĩnh vực nào có triển vọng tốt cho thị trường nội địa, đẩy mạnh được xuất khẩu thì mới nên tiếp tục có kích thích.
Đối tượng hỗ trợ đó phải là những doanh nghệp vừa và nhỏ là chính, chứ không phải là những tập đoàn kinh tế lớn. Thời hạn nên ngắn hơn, có thể trong 1-2 quý đầu với mức độ hỗ trợ ít hơn để các doanh nghiệp thích nghi dần với môi trường tự mình bươn trải chứ không cần sự giúp đỡ của Nhà nước.
- Thưa ông nếu mọi hình thức kích thích kinh tế đều hết hạn vào 31/12 năm nay, ông có lo ngại khi đó sẽ tạo ra sự đột ngột không tốt cho nền kinh tế?
Nói cho công bằng, người ta khi nêu gói thứ 1 thì cũng đã tính lộ trình rồi. Chẳng hạn như đến 31/12 không miễn giảm thuế nữa. Tuy nhiên, nếu dừng như vậy thì có hệ quả gì thì cần phải tính đến. Nếu tiếp tục kéo dài thì cũng phải cân nhắc kỹ.
Giả dụ, gói hỗ trợ lãi suất vay vốn lưu động 4% sẽ kết thúc ngày 31/12 thì rất có thể cần thêm cho những doanh nghiệp nhỏ còn khó khăn nào đó theo hình thức giảm xuống, chỉ hỗ trợ bù lãi suất 2% chẳng hạn và thực hiện thêm 1 quý…
- Ông suy nghĩ gì về việc các ngân hàng không muốn triển khai gói thứ 2?
Gói kích cầu thứ 2 sẽ đặt thêm cho các ngân hàng áp lực về vấn đề huy động vốn, về việc lành mạnh tình hình tài chính nội bộ. Cho đến nay, với gói kích cầu thứ nhất, nhu cầu vay vốn ngân hàng tăng khá cao so với khả năng huy động của họ.
Trong khi đó, lãi suất cho vay lại bị giới hạn bởi mức lãi suất trần hiện hành. Nhiều ngân hàng đã phải huy động vốn với mức gần bằng lãi suất trần cho vay. Nếu tiếp tục hỗ trợ mà không có điều chỉnh khác thì họ không mặn mà là đương nhiên.
- Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu nền kinh tế Mỹ phục hồi tốt thì không cần triển khai tiếp gói kích cầu thứ hai?
Nếu nền kinh tế thế giới phục hồi nhanh, mạnh thì không cần gói kích cầu thứ 2 là đúng. Khi chúng ta đã có thị trường tiêu thụ tốt, thì không nhất thiết phải triển khai thêm một cái đáng gọi là kích cầu.
Nhưng trong làm ăn kinh doanh thì phải tính đến phương án xấu để chuẩn bị ứng phó, thay vì ngồi đó mà trông chờ vào khả năng bên ngoài diễn biến tốt.
Theo dự báo của chúng tôi, suy thoái kinh tế thế giới đã chạm đáy rồi và quá trình phục hồi còn rất chậm chạp, khó khăn. Thậm chí, nền kinh tế Mỹ có thể đi theo hình chữ W, nghĩa là tăng trưởng lên, rồi sẽ lại xuống. Hay gói kích cầu của Trung Quốc tạo ra tăng trưởng ấn tượng tốt đấy nhưng nhiều người cũng nói rằng, nó giống như ném giấy vào lò đốt, lửa bốc lên rất nhanh nhưng hết giấy là tàn.
Đa số các chuyên gia đều ước, cần ít nhất 2 năm là thời gian để có thể hồi phục lại con số GDP như cũ. Vậy thì với Việt Nam, năm 2010, có cần thêm đòn bẩy của Chính phủ cho nền kinh tế hay không thì Chính phủ sẽ phải cân nhắc rất kỹ. Còn cá nhân tôi thì cho rằng, vẫn cần phải có một bước đệm như vậy để đảm bảo sự hồi phục bền vững.
- Xin cảm ơn ông!
-
Phạm Huyền (thực hiện)