- Doanh nghiệp Việt Nam lâu nay vẫn tự bơi là chính nhưng để từ nhỏ thành vừa, từ vừa thành lớn, họ cần sự đồng hành của Nhà nước.
Sáng nay (10/10), diễn đàn “Doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Đây là sự kiện thường niên để kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Chưa bình đẳng
Bà Lê Hải Liễu, TGĐ công ty CP gỗ Thuận Thành, day dứt: “Làm doanh nhân thì rất bận rộn, ngoài chuyện phải am hiểu sản phẩm, tìm đơn đặt hàng, chúng tôi còn lo đối phó với nhân sự, học hỏi IT, cập nhật kiến thức hội nhập kinh tế, hiểu biết về thuế… Vậy mà đến giờ, chúng tôi vẫn phải đối mặt rất khó khăn vô cùng về với thủ tục hành chính".
Doanh nhân Việt Nam luôn cần sự đồng hành của Nhà nước. (Ảnh: dddn)
Bà kể: "Mỗi lần tôi đi xin tăng vốn điều lệ, hoặc mở thêm một ngành kinh doanh nào thì tôi đau khổ vô cùng. Lên Sở KHĐT và cứ thế chờ không biết đến bao giờ mới đến lượt mình.
Cả việc đi công chứng giấy tờ thế chấp để vay vốn cũng thế, công chứng tư ra đời cũng chưa cải thiện được bao nhiêu. Trong khi đó, lịch họp dày kín, ngồi một lúc là đến cái hẹn ký hợp đồng, gặp đối tác...”
Cực chẳng đã, bà Liễu nói, "nhân có diễn dàn này, gặp được chủ tịch VCCI thì nhờ VCCI tác động giúp chúng tôi".
Cũng chung nỗi lòng đó, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh bức xúc: Một dự án xây dựng hạ tầng chỉ mất 1 năm, nhưng thủ tục hành chính mất 2 năm.
Ví dụ như một dự án xây chợ ở gần sông, DN sẽ phải chạy qua rất nhiều cửa, nào là xin ý kiến của Sở quy hoạch kiến trúc để xem được xây dựng chiều cao bao nhiêu, xin ý kiến Phòng cháy chữa cháy, ý kiến Sở Xây dựng…
Ông cho biết: "Có khi, chúng tôi lấy được đủ các dấu của cơ quan ban ngành thì rốt cục, chưa chắc đã làm được vì… vướng về mặt bằng, chưa giải toả được. Tôi chỉ mong, khi làm dự án thì chỉ việc nộp hồ sơ cho một Sở. Sở đi lo đủ thủ tục cho chúng tôi, chúng tôi trả phí.
Cho nên, DN chúng tôi chưa chắc đã cần xin tiền Nhà nước mà chỉ muốn xin cơ chế. Chủ trương cải cách hành chính ở địa phương làm đã lâu nhưng tôi thì cảm thấy bi quan.
Giá như, các công chức biết thương, biết vui, biết buồn với doanh nghiệp, coi thành bại của doanh nghiệp cũng như là của mình, chứ còn giờ, họ vẫn hành doanh nghiệp dữ lắm".
Chia sẻ với các DN, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cũng thừa nhận, mặc dù Nhà nước đã có chính sách khuyến khích phát triển DN, nhưng việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thật sự thì còn nhiều vấn đề đáng bàn, chưa đồng bộ và thiếu minh bạch.
Ông nói, một thực tế mà ai cũng dễ thấy là các DN tư nhân vẫn chưa thực sự được bình đẳng khi tiếp cận các nguồn lực, nhất là vốn và đất đai. So với DN Nhà nước hay các DN lớn thì DN tư nhân, qui mô nhỏ luôn khó khăn khi phải vay vốn hơn.
Tự kê đơn, bốc thuốc
Nói về câu chuyện vẫn “thua trên sân nhà” của DN Việt Nam và cuộc chiến giành lại thị phần nội địa của hàng Việt, ông Minh bày tỏ: "Chúng tôi không trách người tiêu dùng được. Họ bỏ tiền ra mua thì họ không thể mua giá cao, chất lượng lại thấp được.
Người tiêu dùng không có lỗi. Mà trên thực tế, doanh nghiệp của mình cũng có người làm dối. Trong việc này, tôi cho là, các DN phải xem xét kỹ lại chính mình để điều chỉnh".
"Chế độ đãi ngộ người lao động tốt thì sẽ tạo năng suất lao động tốt cho DN. (Ảnh: Phạm Huyền)
Theo ông, nếu có khó khăn, doanh nhân phải tự kiểm tra sức khoẻ của mình, thì mới biết thuốc mà chữa. Chính họ sẽ phải trả lời vì sao, người dân chưa quan tâm hàng của họ, có phải vì mẫu mã kém, chất lượng chưa tốt.
Rồi cũng phải coi lại công nghệ của mình có lạc hậu cỡ nào, coi xem chế độ đãi ngộ người lao đông. Đây là đòn bẩy để tăng năng suất lao động…
Vị Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp này cũng thẳng thắn nhìn nhận, ý thức gắn kết phát huy sức mạnh tổng hợp của DN Việt Nam hãy còn yếu.
"Thú thật, đến giờ, vẫn còn DN có tư tưởng làm ăn riêng lẻ. Nay, hội nhập rồi thì sự hợp tác là cần thiết. Cho nên, hiệp hội DN như chúng tôi sẽ phải đóng vài trò đầu tầu để phát huy sự hợp tác ấy.
Nói gì thì nói, trong thực tế, dù DN có lớn đến mấy thì cũng vẫn phải có quan hệ với các DN khác, các ngành khác. Làm DN thì không thể đứng độc lập được", ông Minh khẳng định.
Điểm yếu của DN Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc nhận xét, là nhiều khi chưa được đào tạo về kinh doanh, đâu đó vẫn còn có tinh thần dễ thoả mãn và ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước để tồn tại.
Bởi thế, ông cho biết, VCCI đang dự kiến làm đề án xây dựng một tầng lớp doanh nhân Việt Nam phát triển đột phá để nhanh chóng vượt lên, sánh ngang với các cường quốc.
Cảnh giác với công nghệ “cho không” "Cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm xoay chuyển mạnh cả thế giới, trăm năm mới có một lần và nhiều nền kinh tế mạnh cũng đang phải tái cấu trúc lại mình, để thích nghi và nắm bắt cơ hội mới. Tuy nhiên, kinh nghiệm 2-3 năm vừa qua ở Việt Nam thì cho thấy một điều ngược lại: Cơ hội nhiều nhưng do chúng ta không chuẩn bị tốt về năng lực, nên hầu hết cơ hội biến thành thách thức. Lần này, chúng ta phải chuẩn bị kỹ cho hậu khủng hoảng. Thời hậu khủng hoảng, thế giới sẽ có một đợt di chuyển công nghệ cực kỳ mạnh. Việt Nam là nước đi sau, không bị vướng bận bởi công nghệ cũ nên có khả năng nhảy vào công nghệ mới tốt hơn. DN Việt Nam nên tiếp cận, phù hợp định hướng của Chính phủ và xu thế như vậy. Tuy nhiên, cái nguy hiểm nhất là sẽ có dòng di chuyển công nghệ thấp từ nước phát triển sang nước kém phát triển hơn như Việt Nam. Nếu không có định hướng rõ thì chúng ta sẽ bị mê hoặc bởi giá cả cho không và Việt Nam đã có bài học về điều này. Đã một thời chúng ta tự giác đi khuân lò đứng xi măng về. Ngoài ra, hậu khủng hoảng còn là xu hướng mở rộng đầu tư khai thác ở nước ngoài, mà trong đó, địa chỉ ưu tiên có thể là Việt Nam. Các DN Việt Nam sẽ phải ‘cảnh giác” hơn, để xác định tầm nhìn và phương hướng chiến lược thật tốt vượt lên sau khủng hoảng". Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam |
-
Phạm Huyền