- Không nên chỉ dựa vào yếu tố giá rẻ để chọn nhà thầu cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương trả lời VietNamNet sáng 15/10, bên lề cuộc hội thảo về hợp tác điện hạt nhân với Trung Quốc.
Giá điện sẽ tăng cao
- Thưa ông, giá thành điện hạt nhân đã tăng lên rất nhiều so với trước đây, điều đó sẽ có ảnh hưởng thế nào tới hiệu quả đầu tư của dự án?
Ông Tạ Văn Hường. (Ảnh: Phạm Huyền) |
Cách đây hơn 1 năm, tình hình năng lượng trên thế giới khác, còn giờ, nó đã thay đổi quá nhiều. Thời gian đầu, chúng ta chỉ ước tính suất đầu tư cho điện hạt nhân là từ 1.500 - 1.700 USD/kW thôi, còn giờ, ta tính đã gần 3.000 USD/kW rồi.
1.000MW điện hạt nhân sẽ có mức đầu tư vốn khoảng 3- 4 tỷ USD. Điều đó có nghĩa là, khả năng giá thành điện hạt nhân tăng lên đã được chúng ta dự tính từ trước.
Tuy nhiên, suất đầu tư của các loại nguồn điện khác như nhiệt điện than, nhiệt điện dầu cũng tăng lên tương ứng. Suất đầu tư của nhiệt điện than cũng đã tăng gấp rưỡi so với trước đây. Với xu hướng phát triển năng lượng như thế thì chúng ta làm điện hạt nhân vẫn có tính khả thi, vẫn đảm bảo hiệu quả đầu tư hợp lý.
- Thưa ông, khi suất đầu tư quá đắt như vậy, gấp đôi nhiệt điện than thì giá bán của điện hạt nhân sẽ được xem xét thế nào?
Khi đó, vấn đề là nhà đầu tư sẽ phải xem, họ sẽ bán điện hạt nhân với giá bao nhiêu? Trong tình hình suất đầu tư cho dự án cao như vậy, tôi cho là Nhà nước sẽ chấp nhận mua giá điện cao hơn thôi. Các nhà đầu tư vào ngành điện cũng sẽ trong tình trạng chung như thế.
- Đối tác Trung Quốc khẳng định rằng, giá nhiệt điện hạt nhân sẽ rẻ hơn nhiệt điện than, ông có ý kiến gì về thông tin này?
Đúng như thế. Chúng ta đang tính mức độ cạnh tranh là ở chỗ, điện hạt nhân sẽ có giá tốt hơn so với điện sản xuất từ than nhập khẩu. Ta tính là trong bối cảnh chục năm tới. Từ năm 2012, chúng ta đã phải nhập than rồi. Vào năm 2020, tổ máy số 1 của điện hạt nhân mới vận hành thì chắc chắn lúc đó, giá điện hạt nhân sẽ không đắt hơn so với giá điện từ than nhập khẩu.
Chúng tôi đã tính toán, giữa nhập than ở nước ngoài và nhập nguyên liệu uranium thì phương án điện hạt nhân sẽ hiệu quả hơn, có tính kinh tế lâu dài hơn.
- Vậy thì, tới đây, nhiệt điện than chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu điện sản xuất của Việt Nam, cùng với đầu tư điện hạt nhân thì giá điện của Việt Nam tương lai sẽ thế nào?
Giá than trong nước hiện vẫn do Chính phủ can thiệp. Vừa qua, Nhà nước cho giá than trong nước dần tiếp cận giá thị trường, bán giá than trong nước sẽ chỉ thấp hơn tối đa là 10% so với giá xuất khẩu. Khi đó, giá than trong nước và giá than xuất khẩu sẽ chỉ chênh nhau một ít để động viên nhà đầu tư. Còn chủ trương lâu dài thì giá than bán cho điện sẽ theo thị trường.
Vì thế, trong tương lai, giá điện của chúng ta sẽ cao hơn bây giờ, sẽ tăng lên theo thời gian. Đó là xu hướng tất yếu. Chỉ có điều là, giá điện lên cao sẽ đánh vào người tiêu dùng. Ta kiểm soát làm sao để giá điện sẽ tăng từ từ, tránh sốc cho dân.
Nhà máy điện hạt nhân Tricastin ở Bollene, miền Nam nước Pháp. (Ảnh: AP) |
Giá thầu rẻ chưa chắc đã an toàn
- Các nhà khoa học đã từng kiến nghị, chúng ta chỉ nên đầu tư 1.000MW điện hạt nhân thôi, không nên cùng lúc đầu tư cả 4.000MW?
Theo tôi, nếu quan niệm về đầu tư dự án như vậy thì không hoàn toàn đầy đủ lắm. Cứ nghĩ làm từng phần một để xem an toàn không, rồi mới làm cái thứ 2 thì xét về hiệu quả kinh tế sẽ khó đạt.
Vừa làm, vừa chờ đợi, vừa xem xét thì tính cạnh tranh, hiệu qủa của dự án là cực kỳ thấp. Ở đây, ta làm lớn ngay một lúc là để đảm bảo tính cạnh tranh và hiệu quả của dự án lớn.
Ngoài ra, chúng ta đầu tư một lúc 4 tổ máy, 4.000MW nhưng khi vận hành thì mỗi năm, lần lượt đưa vào 1.000MW trong 4 năm. ‘
Chiều nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp bàn về dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ xin ý kiến về chủ trương đầu tư để đi đến quyết định có đầu tư dự án điện hạt nhân hay không. |
Công nghệ ta áp dụng sẽ là công nghệ đã được kiểm chứng trên thế giới rồi. Chủ trương đó rất rõ nét.
Nghĩa là giống như ta đi nhập một chiếc xe đã được ra đời vài chục năm từ Nhật Bản về và cứ thế vận hành. Chứ không phải lo mua một lúc 2 cái xe về không biết xe chạy như thế nào.
- Ông có suy nghĩ gì nếu dự án quan trọng này lại chọn nhà thầu theo yếu tố bỏ giá thấp nhất?
Có rất nhiều đối tác tiềm năng đến với chúng ta từ các nước như Nhật, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Mỹ, Trung Quốc. Trong đó, Nga, Nhật cũng đã có chủ trương lớn về hợp tác năng lượng với ta.
Tuy nhiên, việc chọn đối tác theo hình thức nào thì còn quá sớm để nói bây giờ. Nhưng đối với nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, ta cố gắng tận dụng kinh nghiệm của nước ngoài.
Năng lực ta đến đâu thì ta cố gắng sẽ tham gia đến đó thôi. Vì nhà máy điện hạt nhân có yêu cầu về độ an toàn là rất lớn. Ta không nên mạo hiểm.
Với Trung Quốc, họ rất có ưu thế nếu đấu thầu theo tiêu chí yếu tố giá, vì giá bỏ thầu của họ thường thấp. Nhưng với nhà máy này, theo tôi, không phải cứ ai bỏ giá rẻ thì ta mua thầu được.
Theo Luật đấu thầu của nước mình thì giá là tiêu chí tối cao. Nhưng với điện hạt nhân thì khác, phải xem xét quan hệ chính trị, quan hệ xã hội, kể cả văn hoá quản lý… Chắc chắn, ta sẽ tổ chức đấu thầu hay chọn thầu thì phải tính rất kỹ.
- Thưa ông, đối tác Nhật Bản đã hứa sẽ tìm kiếm hỗ trợ Việt Nam về vốn. Còn đối tác Trung Quốc đã đặt vấn đề này hay chưa?
Hôm nay, các đối tác Trung Quốc chưa nói rõ vấn đề này, nhưng trong nhiều lần tiếp xúc không chính thức trước đây với chúng tôi, họ cũng có nói sẽ giúp chúng ta thu xếp vốn. Cả đối tác Nga, Nhật Bản cũng vậy. Tuy nhiên, họ mới chỉ nhắc bàn đến việc này, còn cụ thể lo giúp ta vay vốn ra sao thì chưa biết. Tất cả vẫn là mở.
Với điều kiện của Việt Nam, thì tôi cho rằng, nên đưa thêm tiêu chí khả năng giúp Việt Nam về vốn liếng, để chọn nhà thầu cho dự án điện hạt nhân đầu tiên này. Ngoài ra, kinh nghiệm, mức độ đảm bảo an toàn là điều kiện tiên quyết.
-
Phạm Huyền (thực hiện)