221
5101
Chính sách
chinhsach
/kinhte/chinhsach/
1244292
Xuất khẩu gạo: VFA đừng "gánh" việc của Nhà nước
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
Xuất khẩu gạo: VFA đừng 'gánh' việc của Nhà nước
,

 - Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ra đời nhằm bảo vệ lợi ích của các DN thành viên, chứ không phải là cơ quan làm thay việc của Nhà nước. Sự lấn sân này làm méo mó vai trò của Hiệp hội.

Theo VFA, xuất khẩu gạo đến đạt 5,372 triệu tấn, trị giá gần 2,2 tỷ USD, tăng 36% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái (ảnh agroviet).
Theo VFA, xuất khẩu gạo đạt 5,372 triệu tấn, trị giá gần 2,2 tỷ USD, tăng 36% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: agroviet).

Đổ vấy cho an ninh lương thực

TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế TƯ, nói rằng, ông chỉ nhìn lượng xuất khẩu gạo 7 triệu hay 4-5 triệu tấn mỗi năm như mục tiêu trung gian, không phải mục tiêu cuối cùng là đời sống nông dân. Bà con thu nhập bao nhiêu từ xuất khẩu gạo mới là vấn đề đáng quan tâm. Do vậy, nếu cách nhìn sai sẽ tạo ra đòn bẩy sai lầm về chính sách.

Theo ông, điều hành xuất khẩu gạo, chính sách của Nhà nước phải hướng đến 2 việc: có tiêu thụ hết lúa gạo cho nông dân không và đảm bảo giá có lợi cho bà con.

Còn an ninh lương thực, đó là vấn đề quan trọng về lâu dài, không thể đặt trong điều hành xuất khẩu gạo luôn biến động ngắn hạn, với 2 tuần - 1 tháng lại họp rồi rà soát, thay đổi; nay thổi còi, mai kìm hãm.

"An ninh lương thực không phải câu chuyện cứ hai tuần thay đổi một lần", TS. Lê Đăng Doanh nói.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, an ninh lương thực là một lượng dự trữ tương đối ổn định hàng năm, không phải đột xuất, chỉ năm nào thiên tai hay có biến động lớn mới cần xem xét điều chỉnh lại.

Bà kiến nghị, với một quốc gia xuất khẩu gạo như Việt Nam, chỉ nên xem xét vấn đề này căn cứ mùa sản xuất lúa chính.

"Nếu tách an ninh lương thực ra sẽ tránh được chuyện nhân danh an ninh lương thực mà can thiệp vào việc điều hành xuất khẩu gạo. Tôi thấy an ninh lương thực đang bị lạm dụng, khiến điều hành bất cập", bà nhận xét. 

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung nói VFA hoạt động nhằm mục đích phục vụ lợi ích của các thành viên, chứ không phải lợi ích của Nhà nước. Khi đó, cũng khó có thể bảo vệ lợi ích nông dân. Do vậy, việc đặt vị trí của Hiệp hội hiện nay là quá lớn, không hợp lý.

"VFA cần trả lại vai trò điều hành của Nhà nước, bởi cách thức hiện nay làm méo mó vai trò của Hiệp hội đi", bà Lan đề xuất.

Tại Hội thảo "Chính sách điều hành xuất khẩu gạo - thực trạng và giải pháp", do Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức ngày 3/11, ông Nguyễn Thọ Trí, Phó Chủ tịch VFA, thanh minh, việc điều hành xuất khẩu gạo phải đảm bảo rất nhiều chỉ tiêu mà đôi khi lại mâu thuẫn nhau.

Chẳng hạn, để minh bạch về giá, Hiệp hội đề nghị Cục Quản lý giá Bộ Tài chính tham gia nhưng chủ trương của Chính phủ lại hạn chế tối đa việc này.

Ông Trí cho rằng, các chiến lược đàm phán, ký kết xuất khẩu gạo là vấn đề cực khó, khiến VFA và các DN luôn phải bí mật mọi thông tin. Chính vì thế, DN và nông dân nhiều khi hiểu sai lệch về cách thức điều hành của Hiệp hội. Những bức xúc từ dư luận càng khiến các luồng thông tin bị nhiễu loạn, dẫn đến VFA luôn bị chỉ trích và các đối tác nước ngoài thì được hưởng lợi.

Theo ông Trí, quyền lực của VFA không lớn như dư luận bức xúc thời gian qua. VFA chỉ có 2 nhiệm vụ là nhận đăng ký xuất khẩu gạo và đưa ra giá sàn tuỳ diễn biến thị trường. Hiệp hội không có giao chỉ tiêu xuất khẩu cho DN, càng không có quyền chỉ đạo các DN xuất khẩu.

Quyền điều hành xuất khẩu gạo vẫn thuộc Chính phủ thông qua Tổ điều hành do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên làm tổ trưởng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng làm tổ phó, VFA chỉ tuân theo. 

Tại cuộc họp hồi giữa năm 2009, chính Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên đã nói theo quy định khi gia nhập WTO, cơ quan Nhà nước không có quyền can thiệp vào hoạt động của DN.

Riêng cách giải thích Hiệp hội phải làm thay Nhà nước do sợ vi phạm quy định tại WTO, bà Lan khẳng định không có chuyện đó.

"Luật trong WTO không cấm việc Nhà nước can thiệp vào thị trường khi đe dọa đến an ninh lương thực quốc gia. Đây là cách giải thích tắc trách, đẩy trách nhiệm về phía VFA và Hiệp hội lại có cớ vin vào", bà nói.

Nên bỏ tổ điều hành xuất khẩu gạo?

Trước những lùm xum về cách điều hành xuất khẩu gạo của VFA vừa qua, hầu hết các chuyên gia kinh tế tham gia Hội thảo đều cho rằng, cần minh bạch về vai trò của Hiệp hội.

TS. Lê Đăng Doanh lập luận, trong nền kinh tế thị trường, cần tránh sự điều tiết bằng mệnh lệnh hành chính, không thông tin minh bạch. Trong cách điều hành đó, cũng cần thấy lợi ích của nông dân như thế nào bởi tiếng nói của nông dân quá yếu ớt. Liệu Hiệp hội có bị lợi ích của nhóm nào đó khống chế không?

Trên thực tế, Hội Nông dân cũng là thành viên của VFA, nhưng chính ông Nguyễn Huy Lượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, thừa nhận, tiếng nói của nông dân hầu như không có trọng lượng mà chỉ tham gia cho có đủ thành phần.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Lê Quốc Dung nhấn mạnh, cần tái cấu trúc lại Hiệp hội để có tiếng nói hài hoà, giải quyết được xung đột lợi ích giữa các khâu sản xuất, lưu thông và xuất khẩu. Nên có chính sách để các đối tượng này xích lại gần nhau hơn, không mâu thuẫn, ăn chặn lẫn nhau.

Ông Phạm Vỹ Bền, Phó Giám đốc Công ty CP Tháp Sơn (Đồng Tháp), còn kiến nghị thẳng thắn, cần thay đổi lãnh đạo Chủ tịch VFA.

Bên cạnh đó, nên xây các kho độc lập của Nhà nước để dự trữ lúa, tách bạch hoạt động của các công ty kinh doanh xuất khẩu gạo khỏi khâu dự trữ lưu thông. Việc dự trữ nên để Nhà nước làm.

Theo bà Lan, điều hành xuất khẩu gạo không cần thiết phải có tổ điều hành như hiện nay. Bà lấy ví dụ, mặt hàng dệt may, các DN chỉ cần đăng ký và giảm sát tự động, đến ngưỡng nào đó thị ngưng. Còn cách điều hành hiện nay của VFA là hành chính và thủ công, không cần thiết.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Đăng Chi, Vụ phó Vụ Xuất khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương soạn thảo Nghị định về xuất khẩu gạo, sắp tới sẽ được CP xem xét, thông qua.

Theo đó, xuất khẩu gạo sẽ trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thương nhân phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện mới được tham gia. Song, ông Nguyễn Đình Cung phản biện, đưa ra quy định phải có giấy phép sẽ ngăn cản sự tham gia của các DN mới, chưa kể càng củng cố thêm vị trí và quyền lực của các DN đã có địa vị trong VFA.

GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, cần thiết lập lại cơ chế, chính sách lúa gạo quốc gia và lập một hội đồng gồm những người am hiểu thị trường quốc tế, tình hình sản xuất của các nước, tình hình tiêu thụ...

Hội đồng này làm việc với tinh thần công tâm, tôn trọng quyền lợi của nông dân sản xuất, không vừa đá bóng vừa thổi còi như VFA.

ĐBQH Danh Út, Phó đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang: Không nên giao nhiệm vụ điều hành XK gạo cho VFA

Mô tả ảnh.
Ông Danh Út
Trong quy trình xuất khẩu lúa gạo hiện nay vẫn đang bị cắt khúc nhiều quá. Người nông dân chỉ biết làm ra hạt lúa. Đến khâu thu mua là tư thương, đến xuất khẩu, tạm trữ lại là doanh nghiệp.

Như vậy, ba khúc đoạn này cho thấy, người nông dân không quyết định được giá trị hạt lúa mình làm ra, nên giá bán bao nhiêu thì nông dân vẫn không được hưởng lợi xứng đáng.

Chưa kể, trong điều hành xuất khẩu gạo vẫn còn nhiều bất cập. Trúng mùa vẫn rớt giá. Nông dân bán lúa, nhưng doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất thì mua gạo. Tư thương tiếp tục ép giá nông dân.

Tại phiên họp trước, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã hứa sẽ tham mưu với Chính phủ ban hành cơ chế điều hành xuất khẩu gạo, nhưng đến nay chưa ban hành. Tôi tin chắc khi soạn thảo Nghị định về xuất khẩu gạo, Chính phủ sẽ điều hòa ba phân khúc này.

Một tình trạng phổ biến khác hiện nay như tôi đã nhiều lần chất vấn Bộ Công Thương đó là việc thống nhất đầu mối xuất khẩu gạo.

Đầu mối hiện nay là các hiệp hội. Nhưng thực tế, các thành viên trong hiệp hội còn bán phá giá, quản lý lại manh mún. Đại diện cho nông dân là Hội Nông dân cũng không được tham gia.

Ở Kiên Giang, hàng năm sản lượng lương thực khoảng 3,4 triệu tấn lúa tương đương 1,2 triệu tấn gạo, nhưng chỉ được hiệp hội cho phép xuất khẩu khoảng 600.000 tấn.

Xin kiến nghị Chính phủ, không nên giao nhiệm vụ điều hành xuất khẩu gạo cho Hiệp hội Lương thực mà giao lại quyền đó cho Bộ Công Thương làm đúng chức năng hơn, điều hành chung và giao quyền điều hành nhiều hơn nữa cho Chủ tịch UBND tỉnh để chủ động trong sản xuất thu mua tìm đối tác xuất khẩu.

Lê Nhung

  • Hà Yên 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,