(VietNamNet) - Theo nguồn tin từ Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), dự báo nhu cầu về điện cả nước đến năm 2005 sẽ từ 48,5 - 53 tỷ kwh và đến 2010 là 88 - 93 tỷ kwh. Để đảm bảo cung cấp đủ điện thì trong giai đoạn 2003 - 2010 cần phải xây mới và mở rộng thêm 62 nhà máy điện, trong đó có 44 nhà máy thuỷ điện, 8 nhà máy nhiệt điện khí và 10 nhà máy nhiệt điện than.
|
Từ nay đến 2010 có tới 44 nhà máy thuỷ điện cần xây dựng. |
Riêng EVN trong giai đoạn này phải xây dựng 32 nhà máy điện, trong đó có 20 nhà máy thuỷ điện, ngoài ra còn trên 80 nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ của các đơn vị khác đầu tư. Đây là khối lượng đầu tư lớn và phải thi công trong thời gian ngắn, nếu không hoàn thành sẽ dẫn đến thiếu điện nghiêm trọng.
Trong năm 2004 EVN có 6 nhà máy thuỷ điện cần xây dựng, để đưa vào vận hành trước năm 2010. Riêng năm 2004 sẽ khởi công 6 nhà máy thuỷ điện, nhưng nếu tiến hành theo thủ tục thông thường thì công trình chỉ được khởi công khi ký hợp đồng xây lắp. Trình tự thủ tục bao gồm các công đoạn từ lập báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt báo cáo, lập thiết kế kỹ thuật, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, phát hành hồ sơ mời thầu và đánh giá phê duyệt kết quả thầu, đàm phán hợp đồng. Nếu theo qui trình này thời gian từ khi lập báo cáo khả thi đến khi khởi công mất khoảng 3 năm và thời gian xây dựng kéo dài 4 - 5 năm, thì đến 2010 chỉ có 3 nhà máy được đưa vào vận hành. Còn lại các công trình khác chỉ vận hành được sau 2011.
Nếu so sánh với tiến độ dự kiến trong qui hoạch điện thì năm 2008 sẽ thiếu 375 MW, năm 2009 thiếu 1440MW và 2010 thiếu 1815MW.
EVN đã đề nghị Chính phủ cho phép các nhà máy thuỷ điện này được thực hiện theo cơ chế đặc biệt.
Theo đó, cho phép áp dụng hình thức tổng thầu xây lắp do các tổ hợp hình thành từ các Tổng công ty xây dựng, lắp máy, chế tạo cơ khí trong nước có năng lực và kinh nghiệm thực hiện dự án theo đề nghị của EVN.
Cho phép Hội đồng quản trị EVN căn cứ quy chế đấu thầu hiện hành để chỉ định tư vấn trong nước có năng lực và kinh nghiệm làm tư vấn, thiết kế chính.
Cho phép tổng thầu xây lắp căn cứ quy chế đấu thầu hiện hành chỉ định tư vấn trong nước có năng lực và kinh nghiệm làm tư vấn quản lý dự án, tư vấn bản vẽ thiết kế thi công.
Cho phép triển khai trước các hạng mục công trình thuộc giai đoạn chuẩn bị như đường vào công trường, điện nước, thông tin... Giao Hội đồng quản trị EVN chỉ định thầu tư vấn thiết kế, phê duyệt thiết kế - dự toán, chỉ định các nhà thầu có năng lực trong nước thi công các hạng mục nêu trên.
Cho phép EVN triển khai thiết kế kỹ thuật làm 2 giai đoạn và chỉ được khởi công công trình chính sau khi Bộ Công nghiệp phê duyệt thiết kế kỹ thuật giai đoạn I.
Cơ chế đặc biệt trên đã được Chính phủ cho áp dụng với 4 nhà máy điện trong năm 2003 là dự án thuỷ lợi - thuỷ điện Quảng Trị (8/2003), thuỷ điện A Vương (8/2003), thuỷ điện Pleikrông (11/2003) và thuỷ điện Buôn Kuôp(12/2003).
Qua thực tế cho thấy 4 nhà máy này với công suất gần 700MW sẽ được đưa vào vận hành sớm đến 1 - 2 năm, đem lại hiệu quả lớn về kinh tế xã hội. Sản lượng điện sẽ tăng thêm 3 - 5 tỷ kwh, đây là lượng điện cần thiết để phát triển kinh tế xã hội năm 2007 - 2008, tạo doanh thu khoảng 200 triệu USD. Trong khi nếu đi vào hoạt động chậm sẽ làm thiệt hại khoảng 600 triệu USD. Bên cạnh đó nhiều tổng công ty lớn sẽ trở thành nhà thầu chính và tạo cơ hội cho các DN cơ khí trong nước tham gia chế tạo thiết bị.
|