(VietNamNet) -
Mới đây, Chính phủ đã có công văn đồng ý cho Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) được sản xuất, lắp ráp xe tải nhẹ và xe ôtô thông dụng. Đây là Tổng Công ty nhà nước thứ 3 sau Tổng Công ty Công nghiệp ôtô (VINA MOTOR) và Tổng Công ty Than Việt Nam (TVN) được cho phép sản xuất lắp ráp ôtô.Theo lộ trình thì đến năm 2005 các sản phẩm ôtô của VEAM sẽ phải đạt tỷ lệ nội địa hóa là 40% và đến 2010 là 60%. Để đạt được mục tiêu này, VEAM sẽ phải đầu tư các nhà máy lắp ráp, chế tạo thân xe, tiến hành sản xuất động cơ cùng các cụm linh kiện quan trọng khác như hộp số...
Tiến sĩ Quản Thắng, Chủ tịch HĐQT cho biết, hiện nay VEAM đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ chế tạo động cơ ôtô từ hãng DAEWOO Hàn Quốc và đã được Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam phê duyệt. Công ty sản xuất động cơ xe tải MMZ (chuyên sản xuất động cơ cho xe tải Maz) của Cộng hòa Bê-la-rút cũng đã đồng ý chuyển giao công nghệ sản xuất động cơ xe tải cho VEAM. Việc chuyển giao đang trong quá trình đàm phán và được Chính phủ 2 nước ủng hộ.VEAM cũng thỏa thuận nhận chuyển giao công nghệ chế tạo động cơ từ hãng MWM ( liên doanh sản xuất ôtô giữa CHLB Đức với Braxin).
Trong đó chuyển giao công nghệ của 2 hãng DAEWOO và MWM sẽ đạt tiêu chuẩn EURO2 ( độ khí xả) và đến 2010 đạt tiêu chuẩn EURO3 ( tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu động cơ sang châu Âu). Hiện nay việc chuyển giao công nghệ chế tạo động cơ ôtô cho các DN Việt Nam mới chỉ VEAM là có đối tác vì đây là Tổng Công ty có năng lực thực sự trong chế tạo động cơ.
Trên thực tế, VEAM là Tổng Công ty chuyên về chế tạo động cơ Diesel, nên có nhiều thuận lợi và được các đối tác đánh giá cao trong việc chế tạo đông cơ cho ôtô. Công ty Diesel Sông Công (DISOCO) là DN thành viên, trước kia được Liên Xô trang bị dây chuyền (khép kín) mỗi năm có thể chế tạo khoảng 2.000 động cơ diesel 80 mã lực. Trong thời gian qua, DISOCO đã sản xuất 23 động cơ cho xe tải Zin của Nga. Những chi tiết cơ bản của động cơ như trục khuỷu (kể từ khâu tạo phôi), trục cam, thân động cơ, qui lát và tay biên từ trước đến nay cũng đã được DISOCO chế tạo. Với việc đầu tư thêm DISOCO có thể sản xuất được động cơ ôtô tới 400 mã lực.
Công ty Phụ tùng I trước đây vốn đã sản xuất một số loại phụ tùng thay thế cho ôtô, hiện nay đã được trang bị các thiết bị hiện đại để chế tạo một số linh kiện hộp số cho xe máy Honda, là DN có đủ năng lực để chế tạo hộp số cho ôtô các loại.
Hiện VEAM có 3 dự án thuộc Chương trình cơ khí trọng điểm, được vay vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển quốc gia là: Dự án đầu tư mở rộng DISOCO tổng vốn 610 tỷ đồng để sản xuất động cơ từ 100 mã lực đến 400 mã lực, công suất 30.000 chiếc/năm. Dự án đầu tư công ty phụ tùng I với tổng vốn 240 tỷ đồng để sản xuất bánh răng, trục của hộp số và phụ tùng ôtô. Dự án đầu tư đổi mới cơ khí Trần Hưng Đạo 320 tỷ đồng sản xuất động cơ ôtô dưới 100 mã lực.
Theo đánh giá của ông Thắng, hiện nay xe khách do các công ty trong nước lắp ráp đã sử dụng tới 20% là các linh kiện, chi tiết do DN trong nước sản xuất (đạt tỷ lệ nội địa hóa 20%), chưa kể những chi tiết động cơ. Các dự án đầu tư kể trên khi hoàn thành, kết hợp với tự đầu tư của VEAM thì việc đạt được tỷ lệ nội địa hóa 60% vào 2010 không phải là mục tiêu quá khó. Với tỷ lệ này, về cơ bản có thể nói là đã sản xuất được ôtô
-
Trần Thủy