Dự án Giấy Thanh Hóa:
Vốn vay hàng trăm tỷ bị từ chối
14:46' 10/06/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Mới đây, các Ngân hàng Ngoại thương, Công thương và Đầu tư phát triển đã từ chối cho dự án Nhà máy bột và giấy Thanh Hóa vay vốn, với lý do khả năng trả nợ thấp.

Đầu tư các dự án sản xuất giấy phải bắt đầu bằng trồng rừng, nên chu kỳ dài, vốn lớn.

Dự án Nhà máy bột và giấy Thanh Hoá có công suất thiết kế 150.000 tấn giấy bao gói/năm, tổng vốn đầu tư là 1.582 tỷ đồng (tương đương khoảng 100 triệu USD). Sau gần hai năm kể từ khi có quyết định đầu tư, đến nay, vẫn chưa thu xếp được nguồn vốn.

Đây là dự án hết sức đặc biệt, bởi được quyết định đầu tư hoàn toàn bằng vốn vay, không có vốn tự có của chủ đầu tư là Tổng Công ty Giấy. Trong số đó, có 538 tỷ đồng (tương đương 34 triệu USD) dự định vay các ngân hàng thương mại, nhưng 3 ngân hàng nói trên đã từ chối, chỉ duy nhất Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đồng ý cho vay 10 triệu USD. Số còn lại vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển 737 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp 123 tỷ đồng , vốn dự phòng 125 tỷ đồng và vốn lưu động 50 tỷ đồng. Nhưng đến nay, Tổng Công ty Giấy  cũng chưa ký được hợp đồng tín dụng với Quỹ Hỗ trợ phát triển, vì chưa thu xếp được nguồn vốn và phải chờ cam kết cho vay của các ngân hàng  đủ 538 tỷ đồng.

Theo Viện Công nghệ giấy xenluylô, cơ quan lập dự án này, thì đây là nhà máy sản xuất bột và giấy bao gói - mặt hàng nước ta vẫn phải nhập khẩu nhiều. Hiện nay giấy bao gói sản xuất trong nước chỉ đạt khoảng 200.000 tấn/năm, còn khoảng 300.000 tấn nhập khẩu. Nhà máy bột và giấy Thanh Hoá ra đời sẽ cung cấp 150.000 tấn sản phẩm/năm, thay thế hàng nhập khẩu. Giá sản phẩm theo tính toán thì ở mức 7,5-8 triệu đồng/tấn, trong khi giấy nhập khẩu từ 7,5-10,5 triệu đồng/tấn, hoàn toàn cạnh tranh được và đủ khả năng trả nợ vay, bắt đầu có lãi vào năm sản xuất thứ 7.

Nhưng các ngân hàng không nghĩ như vậy, họ cho rằng do phải đầu tư hoàn toàn bằng nguồn vốn vay, nên trong những năm đầu đi vào sản xuất, áp lực trả nợ gốc và lãi vay lớn, khiến khả năng trả nợ của  dự án rất thấp.

Một dự án nhà máy bột  và giấy, thông thường phải sau 20 năm hoạt động mới có thể thu hồi vốn, trong khi lượng vốn đầu tư lại không nhỏ.

Ông Phạm Văn Cường - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Giấy kiêm Trưởng ban Quản lý Dự án Nhà máy bột và giấy Thanh Hoá cho biết, dự án này đã tiến hành động thổ vào ngày 9/2/2003, mặt bằng cũng đã được giải phóng, nhưng đến nay Quỹ Hỗ trợ phát triển mới chỉ tạm ứng 4,5 tỷ đồng  để trả tiền cho tư vấn nước ngoài. Theo dự kiến vào năm 2006 dự án này sẽ hoàn thành giai đoạn I và đi vào sản xuất 60.000 tấn bột, 50.000 tấn giấy bao gói, nhưng đến nay sau gần 2 năm vẫn chưa tìm đủ nguồn vốn đầu tư, tất cả còn im lìm trên giấy.

Theo ông Cường, sau khi dự án bị 3 ngân hàng từ chối cho vay, có một giải pháp được đề xuất là chuyển sang vay toàn bộ từ Quỹ Hỗ trợ phát triển. Nhưng theo qui định thì Quỹ cũng chỉ cho vay tối đa không quá 70% tổng vốn đầu tư, vì vậy cho dù có được đồng ý cũng vẫn còn thiếu. Số vốn thiếu này chưa biết sẽ huy động bằng nguồn nào. Nếu càng để lâu, dự án sẽ càng gặp nhiều khó khăn.

  • Trần Thuỷ
     
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Dự án du lịch ì ạch vì khách quốc tế giảm mạnh (10/06/2004)
Máy thêu vi tính Trung Quốc "ăn khách" tại Việt Nam (10/06/2004)
DN phần mềm đăng ký sản phẩm chủ lực (09/06/2004)
Cáp viễn thông Việt Nam hướng tới xuất khẩu (08/06/2004)
Thêm 2 dự án đầu tư trong nước vào KCN Dung Quất (05/06/2004)
Đầu tư 100 triệu USD cho nhà máy kính nổi thứ ba (04/06/2004)
Quảng Nam: Khách du lịch quốc tế tăng gấp ba lần (03/06/2004)
FPT đền bù sự cố sập mạng: Có như không? (02/06/2004)
VinaPhone mua tổng đài mới dung lượng 300.000 thuê bao (01/06/2004)
Nhiều DN sẽ có cơ hội đầu tư sản xuất ôtô? (31/05/2004)
VinaPhone và MobiFone mở dịch vụ gói cước tiết kiệm (31/05/2004)
4.400.000 người sử dụng internet (30/05/2004)
Sản xuất công nghiệp tăng 14,4% trong tháng 5/2004 (26/05/2004)
VinaPhone đấu thầu thiết bị ứng cứu mạng (26/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang