Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã nói như vậy trong cuộc trao đổi với báo giới sáng qua 20/7. Bộ trưởng Tuyển cho biết:
|
Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển |
- Năm 2005 tình hình sẽ rất khó khăn, anh không xuất được mà tôi cứ đưa hạn ngạch cho anh thì lao động của anh vẫn mất việc làm.
Vì thế, tôi muốn tạo việc làm cho anh bằng cách gợi ý anh nên liên kết với nhau thành một chuỗi, thay vì đứng một mình. Cơ chế này là để bảo vệ doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ chứ không phải triệt DN vừa và nhỏ.
Trước đây Trung Quốc còn hạn ngạch, hàng của họ dù có rẻ hơn của ta, các nhà nhập khẩu cũng không mua được.
Nay Trung Quốc bỏ hạn ngạch, khả năng các nhà nhập khẩu lớn tìm đến ta sẽ bị ảnh hưởng bởi sức cạnh tranh của ta còn hạn chế (ở cả khả năng cung ứng hàng với số lượng lớn, đáp ứng đơn hàng nhanh lẫn giá cả).
Do đó tôi vẫn muốn các DN nghiên cứu, suy nghĩ thật kỹ về phương án 2 và ở đây không có chuyện “ông Tuyển áp đặt”.
- Tháng bảy đã sắp hết mà bộ vẫn chưa cho ra được qui chế phân bổ hạn ngạch...
- Đúng vậy. Bây giờ tranh luận tiếp sẽ mất thời giờ. Hiện tôi đang suy nghĩ có khả năng sẽ tiến hành theo hướng cho DN tùy chọn một trong hai phương án.
Nhưng nếu chọn phương án 2, DN sẽ được hưởng một số chính sách ưu tiên. Dự kiến sẽ tăng thêm 10% hạn ngạch cho DN chọn phương án 2 nhằm thúc đẩy quá trình liên kết.
Tất nhiên, anh không thể chỉ hô lên “tôi có chuỗi” là được, mà phải đăng ký qui chế vận hành của chuỗi. Chuỗi này phải đáp ứng được mấy yêu cầu: hợp tác nhập khẩu nguyên liệu; sản xuất và xuất khẩu.
Số lượng các thành viên trong chuỗi và số lượng chuỗi không hạn chế. Chẳng hạn khách hàng đặt cho anh nhiều đơn hàng nhưng do bản thân không làm hết được nên anh đưa cho thành viên khác trong chuỗi làm - dù thành viên này không có hạn ngạch. Như vậy sẽ không phải buôn bán (hạn ngạch) gì cả.
Chuỗi sử dụng hạn ngạch chung, đáp ứng các đơn hàng chung. Đó là cách làm có lợi. Tôi xin nhấn mạnh lại: tôi không áp đặt. Câu trả lời một hay hai phương án hoặc nếu một thì phương án nào... vẫn tùy thuộc ý kiến DN. Đến một lúc nào đấy đa số DN tham gia phương án 2 thì phương án 1 sẽ dần mất đi và ngược lại.
(Theo Tuổi Trẻ) |