(VietNamNet) - Cuộc đua của các Hãng hàng không giá rẻ trên thế giới đang đến hồi quyết liệt, nhất là Châu Á và khu vực Đông Nam Á. Tại VN, Pacific Airlines đang định...thử sức.
Vào một ngày cuối tuần, bạn muốn ra Vũng Tàu tắm biển và đi bằng máy bay, đó quả là điều thú vị. Liệu ước mơ đó của bạn, một công nhân có mức thu nhập trung bình, bao giờ được đáp ứng? Việt Nam có thể hình thành hãng hàng không giá rẻ?
Hàng không giá rẻ- chi phí thấp
Hàng không giá rẻ hay chuyến bay chi phí thấp xuất hiện từ nhiều thập niên qua ở Bắc Mỹ, Châu Âu. Trong một hai năm gần đây đã bắt đầu "rộ" lên ở khu vực Châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. Đứng trước những biến động khó kiểm soát của giá xăng dầu thế giới khi luôn đạt ở mức kỷ lục, các hãng hàng không thường có khuynh hướng tăng giá vé các chuyến bay quốc tế và cả quốc nội nhằm giảm lỗ và tự cứu mình. Vì vậy, có vẻ như nghịch lý khi các hãng hàng không lại đưa ra giá cực rẻ để thu hút khách trong tình hình mọi chí phí đều tăng.
Các hãng hàng không giá rẻ đều áp dụng chính sách giá chỉ bằng một nửa hoặc hai phần ba giá vé của những hãng bay truyền thống có cùng đường bay. Người ta nói rằng tiền nào của ấy. Đúng như vậy, để tận hưởng giá rẻ, hành khách phải chịu một dịch vụ khá... yếu và thiếu: Những chuyến bay giá rẻ thường sử dụng máy bay cũ (nhưng vẫn đảm bảo độ an toàn cho hành khách), ghế ngồi đồng hạng và không có dịch vụ gì trên đó (tất nhiên cả chuyện ăn uống). Chuyến bay giá rẻ - một loại "xe đò", tàu chợ, chỉ thực hiện trên những đường bay ngắn và thường khởi hành vào những giờ "không giống ai" như giữa đêm hoặc giữa trưa. Hành khách sử dụng những chuyến bay phải đặt vé trước, có khi cả tháng.
Không phải chỉ đưa ra mức giá làm các Hãng hàng không truyền thống lao đao, thỉnh thoảng hàng không giá rẻ lại còn "ra chiêu" khuyến mãi cực kỳ ấn tượng. Chẳng hạn như "tuyệt chiêu" của Air Asia (Malaysia) và Tiger Airways (Singapore) mới đây: chỉ với 1 USD, thậm chí 49 cent, hành khách ở Singapore có thể đáp chuyến bay đến Bangkok,Thái Lan. Đây được xem là những chuyến bay có giá rẻ nhất thế giới từ trước đến nay. Thưởng thức cuộc hành trình xuyên đại dương với giá 1USD, có lẽ cũng thú vị chẳng kém gì được thử cảm giác mạnh trên những tàu lượn siêu tốc ở những khu vui chơi giải trí Disneyland mà chỉ riêng tiền vé thôi đã mất vài chục đô la.
Hãng hàng không giá rẻ đã chứng tỏ sức cạnh tranh của mình nhờ cắt giảm tối đa các chi phí, không chỉ dịch vụ trên chuyến bay bị cắt giảm mà cả dịch vụ dưới mặt đất phục vụ cho những chuyến bay giá rẻ (như phòng bán vé) cũng không có. Sức cạnh tranh của những hãng hàng không hoặc những chuyến ban này đủ đánh bật những hãng hàng không lớn, hoặc buộc các "đại gia" phải tìm cách đối phó.
US Airways vừa qua đã bị lỗ, phải xin phá sản, do không cạnh tranh nổi với những hãng hàng không giá rẻ và những chuyến bay giá thấp của đối thủ cạnh tranh. Hay hãng Qantas- hãng hàng không lớn của Úc đã phải liên doanh với Singapore Airlines để thành lập hãng hàng không giá rẻ, coi đó như một giải pháp đối phó với những hãng nhỏ mà cực kỳ "nguy hiểm" của Châu Á.
|
Hãng hàng không Singapore Airlines liên kết với Qatas để hình thành hãng hàng không giá rẻ ở Châu Á. |
Tuy nhiên ông Maurice Berja, Giám đốc khu vực của Air France (một Hãng hàng không truyền thống) tại Việt Nam, cho rằng việc ra đời của những hãng hành không giá rẻ sẽ chỉ phục vụ cho một số đối tượng nào đó vì chất lượng phục vụ đã giảm xuống dưới mức thấp nhất.
3 năm nữa Pacific Airlines sẽ là Hãng hàng không giá rẻ?
Vừa qua, hãng Pacific Airlines đã đưa ra chính sách giá mới đối với một số chuyến bay nội địa của hãng này, mà theo đó giá vé giảm được 10-15%. Liệu đây có thể gọi là những chuyến bay giá rẻ? Chắc chắn không, bởi đó mới chỉ là những chương trình giảm giá hay khuyến mại nhằm thực hiện kế hoạch tăng các chuyến bay của hãng trong thời gian tới.
Có lẽ các chuyến bay của các hãng hàng không trong nước không có gì đáng chú ý, bởi hầu hết không phải chịu áp lực để phải cạnh tranh và giảm giá. Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia cung cấp chủ yếu các chuyến bay ở Việt Nam. Pacific Airlines là công ty cổ phần, nhưng lại có phần vốn góp lớn của Vietnam Airlines, nên dù là "đối thủ cạnh tranh" thì Pacific Airlines vẫn được Vietnam Airlines "chia sẻ" cho "một chút" thị trường để khai thác. Ngoài Vietnam Airlines và Pacific Airlines, ở Việt Nam cũng có một hãng hàng không khác, đó là VASCO. Gọi là hãng hàng không, chứ thực ra đây là một công ty dịch vụ bay của Vietnam Airlines; và hồi tháng 7 qua, VASCO được "mẹ" Vietnam Airlines cho phép mở đường bay thường xuyên đến Côn Đảo.
Hàng không giá rẻ được thiết lập trên cơ sở cạnh tranh, một sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt, nhưng ở Việt Nam dường như không có sự cạnh tranh trong dịch vụ của ngành hàng không. Hàng không thuộc độc quyền nhà nước và các hãng hàng không đều thuộc nhà nước, vì vậy không có động lực hay "xung đột" nào giữa họ và buộc các hãng phải cạnh tranh (!?).
Tuy nhiên, trong chiến lược phát triển ngành hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines được định hướng thành hãng hàng không quốc tế có khả năng cạnh tranh cao để đối phó với hãng hàng không quốc tế khác. Trong khi đó, Pacific Airlines được hướng phát triển vào thị trường hàng không giá rẻ. Định hướng này cũng để chuẩn bị cạnh tranh với hãng hàng không nước ngoài, khi Việt Nam "mở cửa" bầu trời cũng như sân bay nội địa.
Ông Lương Hoài Nam, Giám đốc Pacific Airlines cho biết, hãng hàng không giá rẻ cũng như cung cấp những chuyến bay giá thấp là mục tiêu phát triển của Pacific Airlines, và sẽ được thực hiện sau 3 năm nữa. Theo ông Nam, để hình thành hãng hàng không giá rẻ với những chuyến bay giá thấp, không đơn thuần là giảm giá vé, mà kèm theo đó là cả một bài toán chi phí cần phải giải quyết. Trước tiên, hãng sẽ phải điều chỉnh lại cấu trúc hoạt động theo mô hình của một hãng hàng không giá rẻ, từ qui trình kinh doanh, đến sắp xếp nhân viên, bán vé..., theo hướng tiết kiệm hơn.
"Mục tiêu này tưởng như là dễ nhưng rất khó và "mệt" hơn đối với hãng hàng không thông thường. Hàng không giá rẻ đối với chúng tôi không chỉ tạo ra giá thấp mà còn lại tạo thêm kênh di chuyển hiện đại với giá thấp cho người dân", ông Nam phát biểu.
Đường hàng không là phương thức di chuyển chủ yếu ở các nước, bên cạnh đường bộ với xe ôtô cá nhân. Trái lại ở Việt Nam, bên cạnh xe máy là xe đò để người dân di chuyển giữa các vùng. Sử dụng phương tiện hàng không giữa các vùng là nhu cầu của người dân và cũng là mục tiêu mà chính phủ Việt Nam hướng đến trong tương lai. Để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện hàng không, không gì thích hợp hơn việc phát triển hãng hàng không giá rẻ. Ông Nam cho biết, Pacific Airlines khi phát triển thành hãng hàng không giá rẻ là hướng đến việc đưa ra giá vé máy bay thấp hơn phương tiện đi lại công cộng khác. "Nếu như chuyến bay giá rẻ mà cao hơn giá vé tàu nằm thì chẳng ai đi máy bay làm gì, và chi phí của chúng tôi phải thấp hơn 30% chi phí truyền thống thì mới đạt được mục tiêu của hãng hàng không giá rẻ", ông Nam nói.
|