|
Hội Lương thực VN vừa kết nạp thêm 10 thành viên trong sáng 12/01/05. Ảnh: Nguyễn Sa |
(VietNamNet) - Kết quả xuất khẩu gạo trong nước năm 2004 vượt chỉ tiêu (trên 4 triệu tấn thay vì 3,5 triệu tấn) nhưng theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ đây chưa phải là kết quả mỹ mãn.
Làm việc với Hiệp hội Lương thực VN (VinaFood) trong sáng 12/01/05 Thứ trưởng cho rằng, với tỷ lệ xuất khẩu 100% gạo trắng, trong đó hết hơn 60% là sản phẩm gạo cấp thấp (25% tấm) còn lại là loại gạo 5%, 10% tấm là vấn đề DN xuất khẩu gạo cần phải xem xét lại.
Trong năm 2004 kim ngạch xuất khẩu gạo VN đạt trên 850 triệu USD, tăng gần 24% về trị giá so với năm 2003, mức tăng này chủ yếu do giá gạo thế giới tăng, không phải do trị giá sản phẩm tăng. Hiện khoảng cách giá trị xuất khẩu bình quân của gạo Thái Lan và VN còn rất xa: trên 56 USD/tấn do Thái Lan xuất khẩu chủ yếu là gạo cao cấp, gạo thơm… còn gạo trắng chỉ chiếm 55% và trong 55% này phần lớn là gạo cao cấp (100% B và 5% tấm).
Đại diện Vina Foods cho hay, khi đối tác nước ngoài ký hợp đồng mua gạo cao cấp thì họ chọn Thái Lan, mua cấp thấp thì họ chọn VN là do chất lượng gạo của chúng ta chưa tốt. Chưa tốt từ khâu chọn giống, canh tác đến khâu chế biến, bảo quản. Vấn đề DN xuất khẩu gạo cần tính toán, cân nhắc là phải cơ cấu mùa vụ như thế nào để gạo đạt chất lượng (2 vụ/năm hay 3 vụ/năm như hiện nay), qui trình sản xuất và đóng gói phải có tính chuyên nghiệp và hiệu quả ( chẳng hạn, chú trọng phương pháp tẩm mùi thơm cho gạo, làm bao bì mẫu mã đẹp…). Ngoài ra, DN cũng cần chú ý cả khâu bảo quản, vận chuyển để ổn định chất lượng gạo.
Từ những hạn chế trên, Thứ trưởng Phan Thế Ruệ cho rằng, vướng mắc lớn của gạo VN là chất lượng chưa được đầu tư đúng mực và chỉ đạo DN phải tập trung nâng cao chất lượng gạo.
Theo ông Ruệ, đây là cách duy nhất để tăng kim ngạch xuất khẩu gạo, đưa gạo vào danh sách mặt hàng xuất khẩu 1 tỷ USD/năm. Lượng gạo xuất khẩu dự kiến trong năm 2005 không tăng so với năm 2004, chỉ từ 3,8 - 4 triệu tấn và căn cứ vào số hợp đồng đã ký trong 6 tháng đầu năm 2005 lượng gạo cấp thấp lại chiếm phần lớn trong hợp đồng, do vậy ông Ruệ đã đề nghị DN hạn chế xuất gạo cấp thấp và tấm, tăng cường giao dịch để ký hợp đồng cung cấp gạo cao cấp.
Cũng theo ông Ruệ, để tránh rủi ro bất ngờ, DN không nên xuất khẩu tập trung vào một thị trường mà phải tăng cường phát triển thị trường từ những nơi tiềm năng như Dubai (cửa ngõ vào Trung Đông), Trung Quốc… và các DN nên phối hợp với nhau để tránh tình trạnh xuất khẩu ồ ạt với số lượng lớn vào cùng một thời điểm.
Còn theo đại diện DN, ngoài các yếu tố trên thì cơ chế điều hành của Chính phủ cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu. Thí dụ như trong năm 2004 vừa qua, Bộ Thương mại đã có những điều chỉnh như giãn tốc độ xuất khẩu trong quý II & III, thậm chí tháng 7/04 còn cho ngừng việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu và nhiều DN đã gặp khó khăn lớn trong giai đoạn này. DN mong Chính phủ có biện pháp điều tiết thị trường ổn định hơn. Ngoài ra, nhiều DN đề nghị Bộ Thương mại và Bộ Tài chính nên có chính sách thưởng vượt kim ngạch đối với mặt hàng gạo cao cấp, gạo thơm và nếp để khuyến khích DN tập trung xuất khẩu gạo cao cấp.
|