(VietNamNet) - Ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã đặt vấn đề: nên chăng biến TP. HCM trở thành “cường quốc cá sấu’” tại buổi Hội thảo “Mục tiêu phát triển nghề nuôi cá sấu ở TP.HCM đến năm 2010” trong sáng ngày 25/01/05.
Đây là dự án hấp dẫn nhưng phải tổ chức triển khai làng nghề cá sấu ra sao, mô hình tổ chức thế nào để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người chăn nuôi vẫn đang là câu hỏi lớn.
|
May túi xách từ da cá sấu. |
Nuôi cá sấu: lãi gấp 3 lần tôm!
Nghề nuôi cá sấu có tại VN từ 1987 nhưng đến năm 1995 mới bắt đầu thịnh hành, đến nay TP.HCM đã có gần 20 trại nuôi cá sấu lớn nhỏ nằm chủ yếu ở các quận, huyện ngoại thành như trại Hoa Cà (Q.12), Suối Tiên (Q.9), Tồn Phát (Củ Chi)… Và chỉ trong vòng 5 năm qua, lượng cá sấu tại TP.HCM đã tăng gấp 5 lần: trên dưới 50.000 con.
Sở dĩ nghề nuôi cá sấu lại phát triển khá nhanh như vậy vì các chủ trang trại chăn nuôi đánh giá rằng đây là nghề mang lại hiệu quả kinh tế và lợi nhuận khá cao.
Theo các trang trại cá sấu tại TP.HCM, với 13 hecta đất nuôi cá sấu trên điạ bàn trong năm 2004 các trang trại đã thu lãi từ việc xuất khẩu hơn 6 tỷ đồng, tính ra mỗi hecta đất thu lợi được 500 triệu đồng/năm: lãi gấp 3 lần nuôi tôm! Ngoài ra, cá sấu dễ nuôi, ít đau ốm bệnh tật và thời gian thu hoạch không gò bó như những con vật nuôi khác.
Ưu điểm lớn nhất của cá sấu là tất cả các bộ phận đều được tận dụng và đều là hàng có giá trị. Thịt cá sấu dùng để chế biến nhiều món ăn ngon, lạ như chả giò, cà ri, cháo… (thịt cá sấu được bán với giá 130 ngàn đồng/kg). Da cá sấu quý và có giá trị kinh tế cao trong công nghiệp thuộc da làm đồ trang sức: ví, bóp, giày… Mật, tim, gan chế biến làm thực phẩm dinh dưỡng, còn xương được nấu cao… Ngoài những lợi ích từ sản phẩm trực tiếp cá sấu còn mang lại nhiều giá trị vô hình khác khi nuôi cá sấu kết hợp với du lịch, giải trí…
Sau khi tham quan, khảo sát Làng nghề cá sấu Hoa Cà, trang trại tiên phong thực hiện mô hình làng nghề cá sấu, ông Nguyễn Thiện Nhân - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định: Nếu người chăn nuôi chuyên nghiệp hơn, biết tối ưu hóa quá trình nuôi cá sấu và làm công tác xúc tiến thương mại tốt thì nuôi con gì có lợi cho bằng cá sấu!
Đổ xô nuôi sấu rồi cùng “bí” đầu ra
|
Thực phẩm cá sấu đông lạnh của Trang trại Hoa Cà. |
Tuy nuôi cá sấu là nghề tiềm năng nhưng trong những năm qua không ít hộ chăn nuôi cá sấu đã gặp phải tình trạng bí đầu ra. Kỹ sư Tôn Thất Hưng, Giám đốc dự án Làng nghề cá sấu Hoa Cà cho biết, thị trường tiêu thụ cá sấu hiện đa số vẫn là nội địa, nghề nuôi cá sấu thành phố đang đứng trước thử thách lớn là dư thừa cá sấu do gắn kết với thị trường kém.
Vướng mắc lớn cho ngành cá sấu hiện vẫn là công nghệ thuộc da, do chúng ta chưa có công nghệ thuộc da đạt chuẩn nên sản phẩm làm ra chưa đẹp, chưa đủ đáp ứng được nhiều thị hiếu của người tiêu dùng.
Cá sấu là loài gây ấn tượng mạnh trong giải trí, du lịch nhưng thời gian qua chưa DN nào biết kết hợp nuôi cá sấu và khai thác du lịch, ngoại trừ khu du lịch Đầm Sen và Suối Tiên (nhưng cũng chỉ mới khai thác trong năm nay). Bên cạnh đó, có 2 DN biết chế biến và quảng bá thực phẩm từ thịt cá sấu là Hoa Cà, Forimex còn lại các DN khác chỉ nuôi, mua, bán cá sấu xoay vòng kiếm lời. Chính cách làm manh mún, nhỏ lẻ này đã khiến cho thị trường cá sấu cung chưa gặp cầu.
Trên thực tế, nhiều trang trại nuôi cá sấu không tìm được đầu ra không phải do sản lượng cá sấu thật sự dư thừa (đã có mấy người dân tại TP.HCM thưởng thức thịt cá sấu hay có được một sản phẩm trang sức từ da cá sấu?) mà do người chăn nuôi chỉ biết nuôi cá sấu theo phong trào, chưa biết cách đưa sản phẩm ra thị trường.
Tiếp thị cá sấu: tốn kém cũng phải làm
|
Ông Nguyễn Thiện Nhân tham quan nơi sản xuất đồ trang sức từ da cá sấu. |
Không chỉ riêng nghề cá sấu, ở nhiều lĩnh vực nông nghiệp khác cũng vậy, đa phần người nông dân VN chỉ biết cặm cụi làm ra sản phẩm, còn đến khâu tiêu thụ thì phải giao cho người khác. Do vậy, bắt nông dân phải “ra chợ” không phải là việc dễ dàng.
Trong cuộc họp lần này, ông Nhân đã đề nghị các cơ quan ban ngành khác như Sở Thương mại, Sở Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM… phải cùng "xắn tay" chia sẻ trách nhiệm phát triển mô hình làng nghề cá sấu tại TP.HCM.
Theo ông Nhân, việc xây dựng thương hiệu cho cá sấu TP.HCM là điều cần thiết, dù tốn kém cũng phải làm. Đẩy mạnh quảng bá cá sấu cả trong và ngoài nước, ví dụ như đề nghị UBND TP.HCM đặt mua một số sản phẩm làm từ da cá sấu, mỗi khi có khách mời từ các nước đến đều tặng một sản phẩm, như vậy sẽ hình thành cho họ tâm lý cá sấu là một sản phẩm đặc trưng của vùng đất này. Nên quảng bá các sản phẩm cá sấu trên các tạp chí được phát trên máy bay và phải đưa hàng tham gia các hội chợ triển lãm ở nước ngoài, đưa khách nước ngoài đến tham quan làng cá sấu TP.HCM…
Đối với thị trường tại chỗ, nên phổ biến thực phẩm từ cá sấu đến mọi người. Không chỉ nhân rộng mô hình phục vụ cá sấu chế biến tại chỗ ở các nhà hàng, khu du lịch… mà còn bán thực phẩm cá sấu đông lạnh như các loại thực phẩm khác.
Theo TS.PGS Bùi Văn Miên, khoa Công nghệ Thực phẩm Trường ĐH Nông Lâm, hiện chưa thu được hiệu quả kinh tế của cá sấu từ các khu vui chơi giải trí và đây là sự bỏ sót rất lớn. Chúng ta có thể tổ chức các trò chơi ấn tượng mạnh cho khách như câu cá sấu tại các khu du lịch, bày bán sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm dinh dưỡng từ cá sấu tại các khu du lịch…
Theo tính toán, để dự án xúc tiến thương mại cá sấu này trở thành hiện thực, các trang trại cá sấu tại TP.HCM phải đầu tư ít nhất là từ 3-5 tỷ đồng. Ông Nhân cho rằng: việc đầu tư này là cần thiết vì mục tiêu xây dựng thương hiệu cá sấu TP.HCM là lâu dài.
|