(VietNamNet) - Với tỷ lệ phiếu 5/1 nghiêng về phía ủng hộ việc xem xét lại các mức thuế, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) hôm 25/4 đã quyết định xem xét lại mức thuế chống bán phá giá đối với tôm nhập khẩu từ Thái Lan và Ấn Độ.
|
Nuôi tôm tại Phú Yên. Ảnh HÀ YÊN. |
Việc USITC tiến hành cuộc điều tra mới đồng nghĩa với việc họ có thể đưa ra quyết định rằng khối lượng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ và Thái Lan đã bị hạn chế rất nhiều do ảnh hưởng của trận sóng thần ngày 26/12/2004 nên không tạo ra mối đe doạ cho ngành tôm Mỹ nữa. Hoặc cũng có thể sau khi xem xét lại, USITC vẫn quyết định giữ nguyên quyết định ban đầu.
Thông tin trên mạng Seafood cho thấy, các ngư dân tôm Mỹ bày tỏ lạc quan rằng họ sẽ lại giành thắng lợi một lần nữa trong vụ kiện này trước USITC. Chủ tịch Liên minh Tôm miền Nam (SSA), ông Joey Rodriguez, nói sẽ tiếp tục chứng minh tôm nhập khẩu từ Thái Lan và Ấn Độ vẫn đang gây thiệt hại cho ngư dân tôm nội địa.
Trong khi đó, Hiệp hội Xuất khẩu Thuỷ sản Ấn Độ (SEAI) cũng tỏ ra hoan nghênh quyết định xem xét lại thuế chống bán phá giá của USITC. SEAI cho rằng, đó là sự thừa nhận đúng đắn những thiệt hại mà thảm họa sóng thần đã gây ra cho một số nước châu Á. "Phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi lại những mất mát về người và của mà trận sóng thần khủng khiếp hôm 26/12 đã gây ra cho Ấn Độ. Việc xoá bỏ thuế chống bán phá giá sẽ là sự hỗ trợ thiết thực nhất đối với ngành tôm Ấn Độ trong nỗ lực khắc phục hậu quả của sóng thần mà không gây ra sự đe dọa đối với ngành tôm nội địa Mỹ", ông này nói.
Mức thuế chống bán phá giá hiện tại đối với tôm Ấn Độ xuất khẩu vào Mỹ là 4,94-15,6%.
Theo Thứ trưởng Thương mại Ấn Độ, ông S.N Menon, ngoài những thiệt hại về sản lượng tôm, khoảng 88.000 tàu cá và hơn 200.000 ngư lưới cụ của nước này đã bị phá huỷ trong trận sóng thần. Có 3 bang bị ảnh hưởng nặng nhất, gồm Tamil Nadu, Andhra Pradesh, Kerala đóng góp tới 75% tổng khối lượng tôm xuất khẩu của Ấn Độ và 85% trong số đó được xuất sang thị trường Mỹ.
Trước đó, trả lời phỏng vấn báo NLĐ, ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch Ủy ban Tôm VASEP, Giám đốc Công ty Cafatex Cần Thơ cho biết, nếu USITC cho rằng, ngành công nghiệp tôm Thái Lan và Ấn Độ bị thiệt hại do ảnh hưởng hiểm họa sóng thần, mức thuế sẽ giảm, cũng có thể được bãi bỏ, khi đó các nhà nhập khẩu tôm Mỹ sẽ quay sang mua hàng của DN hai nước này. Khi đó, cùng với khoản thuế đặt cọc khổng lồ, các DN xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.
|