(VietNamNet) - Khi thế giới đã hình thành một thị trường giao dịch cà phê kỳ hạn, thì lâu nay, DN Việt Nam vẫn loanh quanh mua bán ở bên ngoài. Đó là lý do mà ông Vân Thành Huy, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), cho rằng, khi tham gia thị trường này, chúng ta thực sự đã đột phá vào “chợ” cà phê quốc tế.
|
Đến nay Việt Nam đã có 8 DN cà phê tham gia thị trường giao dịch kỳ hạn. |
Sau những cuộc hội thảo, hội nghị bàn về việc các DN xuất khẩu cà phê Việt Nam có nên tham gia trên thị trường cà phê kỳ hạn (coffee futures market) hay không, đến 26/11/2004, lệnh mua bán hàng hóa mặt hàng cà phê trên thị trường này chính thức khởi động, với sự hỗ trợ của nhà trung gian môi giới REFCO - Singapore và Ngân hàng Techcombank. INEXIM DAKLAK là đơn vị Việt Nam đầu tiên tham gia ở thị trường LIFFE. Tiếp đến là Công ty Thái Hòa ở thị trường NYBOT. Đến nay, chúng ta đã có 8 đơn vị tham gia thị trường này. Bước đi đầu tiên
Ông Vân Thành Huy cho biết, tham gia thị trường kỳ hạn, mặc dù bước đầu mới hoạt động ở chốt giá bảo vệ (hedging), nhưng đã giúp các DN cà phê Việt Nam hạn chế được rủi ro do biến động giá; bảo vệ lợi nhuận; tạo khả năng linh hoạt trong đặt giá; kiểm soát giá cả trong tương lai; gắn hoạt động kinh doanh gần hơn với thị trường quốc tế; phòng ngừa rủi ro cho hàng tồn kho và hàng đã chốt giá (fixed). Không những thế, việc này còn giúp DN có khả năng kiếm lời.
Còn ông Lê Đức Thuý - Thống đốc NHNN, đánh giá, việc sử dụng giao dịch hợp đồng tương lai chính là góp phần tạo sự bình đẳng cho các DN xuất khẩu nông sản của VN tham gia cạnh tranh gay gắt với các DN nước ngoài, trong một thị trường luôn biến động về tỷ giá lãi suất và giá cả hàng hoá.
Theo VICOFA, nếu tính từ 1994 về trước, sau khi ký hợp đồng mua bán với khách hàng nước ngoài, các DN xuất khẩu cà phê sẽ định ra mức giá mua cà phê của nông dân. Chính vì vậy, tuy sản lượng cà phê xuất khẩu không ngừng tăng lên và Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn thứ hai thế giới, song phương thức giao dịch lại hạn chế, chưa nói là lạc hậu, luôn bán với giá thấp hơn các nước khác, nhất là Brazil, Colombia, các quốc gia xuất khẩu đứng đầu trên thị trường giao dịch quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch UBND tỉnh ĐăkLăk nói rằng, từ năm 1995, các DN xuất khẩu cà phê mở hướng đột phá, tiếp cận dần thị trường khi mua thông tin qua mạng của hãng Reuters. Hàng ngày, các DN nhận tin giá cà phê từ thị trường NewYork và London, sau đó quy ra tiền đồng Việt Nam theo tỷ giá của Ngân hàng Ngoại thương và cuối cùng là chốt giá tại ĐăkLăk để người mua (DN) và người trồng cà phê nắm được thông tin hàng ngày. Thời điểm đó, phương thức này là bước trưởng thành của DN trong việc tiếp cận với việc giao dịch thị trường cà phê thế giới. Nhờ vậy, những hạn chế được khắc phục từng bước. Người trồng cà phê không còn bị ép giá, do mù mờ về thông tin. Tuy nhiên, các DN vẫn bị thua thiệt, bởi cũng chỉ là hình thức Hợp đồng trừ lùi (Price to be Fixed).
Với cách làm thử nghiệm mới, DN có nhiều quyền chọn hơn trong giao dịch và phòng ngừa rủi ro. Người trồng cà phê cũng có thể hợp đồng kỳ hạn trước, như bán cà phê hàng hóa với giá thuận lợi trước khi thu hoạch. Từ thông tin nắm được, người trồng cà phê, kể cả DN có thể bán trước hàng hóa của mình, nếu lo ngại giá cà phê sau đó sẽ bị giảm xuống. DN có thể bán hoặc mua lại cà phê trên thị trường tùy thuộc vào khả năng tài chính và sự nhạy bén trong phán đoán.
Ví dụ, DN ký hợp đồng bán 500 tấn cà phê với mức giá 850 USD/tấn giao trong tháng 06/2005. Khi có tin giá sẽ biến động theo chiều hướng tăng, DN sẽ quyết định đặt mua trên thị trường kỳ hạn 100 Lots (500 tấn) với cùng mức giá 850 USD/tấn. Đến thời điểm giao hàng giá tăng lên 900 USD/tấn. Như vậy, rõ ràng là DN đã tránh được rủi ro và có lời.
Physical (hàng thực) |
Futures (kỳ hạn) |
Bán: USD 850 |
Mua: USD 850 |
Mua: USD 900 |
Bán: USD 900 |
- USD 50 |
+ USD 50 |
Lỗ: - 50 x 100 x 5
= - USD 25.000 |
Lãi: 50 x 100 x 5
= + USD 25.000 |
Chênh lệch: USD 0 |
"Một ăn, một thua"
Ông Vân Thành Huy - Chủ tịch VICOFA, cho rằng, đây là cách tiếp cận thị trường quốc tế để nâng cao chất lượng và giao dịch của các DN, sau một thời gian khá dài chỉ chú trọng đến số lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bước đầu trong phương thức kinh doanh, giao dịch mới. Làm tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi phải có nghiệp vụ và khả năng tài chính. Bởi nếu không phán đoán được giá cả khi đặt lệnh, rất có thể DN sẽ rơi vào tình trạng "được ăn cả, ngã về không". Thêm vào đó, muốn tham gia thị trường kỳ hạn quốc tế, nhà xuất khẩu Việt Nam phải có khả năng tài chính để ký quỹ.
"Tham gia thị trường này DN phải biết tự vươn lên, làm quen dần với tập quán buôn bán quốc tế", ông Nguyễn Văn An, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thái Hòa (Hà Nội) nói. Ông An nhấn mạnh, điều quan trọng là DN phải nắm được thời điểm giá thấp để mua vào, cao thì bán ra và lựa chọn thời điểm thích hợp để “fixed”.
Bên cạnh đó, DN phải cần lượng vốn nhất định, vì ngân hàng không hề muốn cho DN vay tiền khi giá biến động lớn. “Một ăn, một thua” là cách ví von của ông An về việc DN tham gia giao dịch trên thị trường kỳ hạn.
Không những thế, vấn đề khó khăn nhất hiện nay, theo ông Huy, đó là hành lang pháp lý để thực hiện chưa có đầy đủ. Điều các DN cà phê Việt Nam quan tâm là, khi thực hiện tham gia thị trường giao dịch cà phê, ngoài Ngân hàng Nhà nước cho phép, còn phải xin phép cơ quan nào khác không? Quan điểm của VICOFA cho rằng, đây là vấn đề mà Nhà nước không cấm. Tuy nhiên, Nhà nước cần sớm hoàn thiện môi trường pháp lý cho phù hợp với thông lệ quốc tế để các DN mạnh dạn hội nhập hơn.
Hội nghị Thương mại toàn quốc năm 2005 tổ chức hồi đầu tháng 3 tại Hà Nội, đã kết luận, để tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2005 đạt 31,5 tỷ USD, trong đó mặt hàng cà phê phấn đấu đạt 650 triệu USD, thì Bộ Thương mại yêu cầu các DN cần theo dõi sát thị trường đồng thời tích cực tham gia thị trường kỳ hạn. Đây là định hướng đúng và lâu dài để phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, hội nhập kinh tế quốc tế. Việc giao hàng thật sẽ diễn ra trong tương lai, nên chất lượng cà phê xuất khẩu Việt Nam phải được cải tiến nâng cao để tạo giá trị gia tăng, đạt tiêu chuẩn cà phê trên sàn giao dịch, phản ánh đúng thương hiệu - chất lượng và giá cả.
|