(VietNamNet) - Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) Bạch Quốc Khang khẳng định, vụ mía đường 2004-2005, tuy chỉ chạy hết 70% công suất nhưng hầu hết các nhà máy sản xuất đường đều có lãi.
|
Dây chuyền đóng bao đường tại công ty đường Hiệp Hòa. |
Tiêu biểu phải kể đến Nhà máy mía đường Lam Sơn và Công ty Đường Trà Vinh - hai đơn vị có báo cáo sớm nhất. Mía đường Lam Sơn chia lãi cổ tức 20%, lợi nhuận sau thuế là 58 tỷ đồng, mức lương bình quân của công nhân đạt 2,6 triệu đồng/tháng, nộp ngân sách 38 tỷ đồng. Công ty Đường Trà Vinh, chỉ riêng trong quý I/2005 đã lãi trên 4 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, cả nước đã có 33/38 nhà máy đường kết thúc vụ sản xuất 2004-2005. Ước tính, 38 nhà máy đường ép được trên 9,31 triệu tấn mía, thu 916.320 tấn đường. Cộng với lượng đường sản xuất thủ công, khoảng 180.000 tấn, thì cả nước đã có khoảng 1,096 triệu tấn, giảm 125.000 tấn so với niên vụ 2003-2004.
Tuy sản lượng đường giảm so với niên vụ trước, nhưng tình hình tiêu thụ lại rất khả quan, do vậy đã làm mất cân bằng cung cầu thị trường. Kể từ đầu năm, giá đường đã tăng từ 20-25% (tương đương với mặt bằng giá của thế giới và khu vực), giá mía tính bình quân chung cả nước đã tăng trên 50% so với vụ trước. Cụ thể, giá đường tinh luyện (RE) đang ở mức 7.400-7.700 đồng/kg, tăng 900 đồng/kg; đường vàng (RS) 7.200-7.500 đồng/kg, tăng 600 đồng/kg so với cuối năm 2004. Giá đường trong nước tăng liên tục ở nhiều nơi, thậm chí đã lên đến mức đỉnh điểm 8.000-8.500 đồng/kg, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây (năm 2003: 3.500-4.000 đồng/kg, năm 2004: 5.000-6.000 đồng/kg.
Sự tăng giá này là hợp lý, không cao so với mặt bằng giá chung, đảm bảo cho nhà máy không bị lỗ, tạo điều kiện cho nhà máy mua mía nguyên liệu của nông dân với giá cao hơn. Thời gian qua, các nhà máy ở phía Bắc đã mua đến 300.000-320.000 đồng/tấn mía nguyên liệu, thậm chí giá mía nguyên liệu đã lên đến mức đỉnh điểm 470.000 đồng/tấn, tăng từ 60.000-90.000 đồng/tấn so với đầu vụ và tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng đường trong nước cho đến thời điểm này hoàn toàn đảm bảo cho các nhà sản xuất lớn và ổn định tiêu dùng của dân cư. Hiện lượng đường tồn kho tại các nhà máy khoảng 290.000 tấn và tồn kho ở khâu lưu thông khoảng 115.000 tấn. Số lượng này có thể cung cấp đủ cho thị trường đến hết tháng 9/2005 (bình quân 90.000 tấn/tháng). Sau tháng 9, đường cung cấp cho thị trường sẽ càng dồi dào do các nhà máy bắt đầu bước vào vụ ép mới (tháng 10/2006). Vì vậy sẽ không cần nhập khẩu đường.
|