(VietNamNet) - Ngay từ đầu kỳ họp Quốc hội (QH) lần này, ông Phạm Quang Dự - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng công ty Dầu khí VN (Petro VN) - là người được các nhà báo săn tìm để hỏi về những vấn đề liên quan đến dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất mà QH sẽ đưa ra mổ xẻ trong những ngày tới, nhưng ông luôn khất hẹn.
Hôm qua, ông Phạm Quang Dự đã lên tiếng:
|
Ông Phạm Quang Dự. |
- Sau khi ký được gói thầu chính 1 + 4 (chiếm tới 60% tổng mức đầu tư - 1,5 tỉ/ 2,5 tỉ USD), có thể nói đây là một bước chuyển động rất lớn đối với dự án. Nếu gói thầu này được triển khai thực hiện sớm sẽ kéo theo các gói thầu khác phải khẩn trương thực hiện theo.
Theo hợp đồng, sau 36 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực (từ 25-6-2005), việc xây lắp sẽ hoàn tất. Sau đó phải mất thêm tám tháng thử nghiệm (chạy thử), tổng cộng 44 tháng, nhà máy đi vào vận hành chính thức (khoảng tháng 2-2009). Lúc đó chắc chắn sẽ có sản phẩm xăng dầu đầu tiên mà bấy lâu nay chúng ta mong đợi.
- Nhưng để có được những sản phẩm xăng dầu đầu tiên như ông nói thì chúng ta đã phải mất đến 7 - 8 năm chờ đợi!
- Có thể nói rằng mặc dù công trình đã chậm mất 7 - 8 năm theo như nghị quyết 07 năm 1997 của QH khóa X nhưng đó là do nhiều lý do khách quan khác nhau. Đặc biệt xin nhấn mạnh lý do chúng ta chuyển đổi chủ trương đầu tư. Ban đầu chủ trương là liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài để giải quyết vấn đề vốn - vốn rất lớn ngay từ đầu đã dự kiến cả 1,5 tỉ USD.
Từ chủ trương ban đầu phải liên doanh, đến không có đối tác liên doanh, phải tự đầu tư rồi lại liên doanh, cuối cùng lại tự đầu tư... làm chúng ta bị động, bởi cứ một lần thay đổi chủ trương thì kéo theo nhiều thay đổi không chỉ về hình thức đầu tư mà còn vốn liếng, công nghệ... do đó mất nhiều thời gian.
* Đến năm 2009 chúng ta mới có nhà máy lọc dầu đầu tiên. Chúng ta sẽ giải quyết như thế nào đối với đội ngũ nhân lực đã được đào tạo cùng với các cơ sở hạ tầng hiện đang mong mỏi từng ngày như loạt bài phản ánh trên Tuổi Trẻ?
- Tôi có đọc hai bài báo trên Tuổi Trẻ. Quá trình thực hiện dự án chúng ta đã có chuẩn bị về nhân lực nhất định. Tới đây nhà thầu không những chịu trách nhiệm xây lắp mà còn chịu trách nhiệm huấn luyện cụ thể để sẽ có thêm đội ngũ nhân lực đi vào vận hành cụ thể, chứ còn bây giờ mới đào tạo nền tảng chung. Mặt khác có thể đào tạo tại các nhà máy lọc dầu tương tự ở các nước, khi về mới có thể vận hành tốt nhà máy được. Không thể với đội ngũ vừa đào tạo hiện nay mà đáp ứng được yêu cầu. Dự kiến phải có khoảng 1.000 cán bộ, kỹ sư kỹ thuật làm việc tại nhà máy trong thời gian tới. |
- Thưa ông, có ý kiến cho rằng không chỉ mất nhiều thời gian mà với tổng mức đầu tư lần này tăng lên gần gấp đôi thì sự lãng phí, thất thoát trong thời gian qua là rất lớn?
- Phải hiểu rằng tổng mức đầu tư năm 1997 mà chúng ta tạm tính, lúc đó giá dầu ở mức dưới 20 USD, nhưng hiện nay giá dầu đang ở mức 40-50 USD, hơn gấp đôi nên đương nhiên kéo theo mặt bằng giá khác... Gần đây, ở Mỹ một số nhà máy lọc dầu bị cháy nên họ tập trung đầu tư một số nhà máy khác; Trung Quốc cũng đang xây dựng nhà máy lọc dầu mới, trong khi đó 10 năm gần đây thế giới hầu như không có đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu mới, làm cho giá xây dựng nhà máy lọc dầu tương đối cao.
- Một số đại biểu QH cho rằng chúng ta đã chọn sai vị trí ngay từ đầu khi quyết định xây dựng Nhà máy lọc dầu ở Dung Quất. Ông nghĩ sao?
- Việc chọn vị trí, địa điểm ban đầu có một sự cân nhắc rất lớn. Đã có hẳn một bộ phận được Chính phủ giao nghiên cứu về các địa điểm từ Bắc đến Nam và sau khi báo cáo cho Chính phủ về kết quả của việc đi nghiên cứu, xem xét thì địa điểm phía Nam là địa điểm có lợi thế nhất về kinh tế, vì gần nguồn nguyên liệu, gần vùng tiêu thụ sản phẩm dầu nhiều nhất (tiêu thụ 60-70%). Do đó nếu nói địa điểm và lợi thế thì đương nhiên là phía Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đều quan tâm tới địa điểm ở phía Nam.
Nhưng khi Chính phủ xem xét ở cấp vĩ mô lại chọn địa điểm ở miền Trung với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội miền Trung. Tại thời điểm đó các dự án đầu tư trong nước, ngoài nước ở phía Nam quá nhiều. Phía Bắc cũng đã có nhưng miền Trung chưa có dự án đầu tư nào, cho nên muốn dùng dự án đầu tư này để làm động lực thu hút các nhà đầu tư, cũng như động lực phát triển kinh tế - xã hội miền Trung.
Đây là quyết định ở tầm vĩ mô không nhìn thuần túy về mặt kinh tế mà nhìn ở mặt phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực. Quyết định này nếu nhìn ở góc độ thuần túy kinh tế thì cũng có người băn khoăn, nhưng nếu nhìn tổng thể nền kinh tế - xã hội ở tầm nhìn chiến lược thì khác.
- Xin cảm ơn ông.
Võ Hồng Quỳnh (Tuổi Trẻ) |