(VietNamNet) - Theo Bộ Thuỷ sản, xuất khẩu vào thị trường Mỹ gặp khó khiến các DN thuỷ sản Việt Nam phải tìm cách chuyển hướng sang các thị trường khác là EU và Trung Quốc.
|
Anh và Bỉ hiện là hai thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất Việt Nam tại EU. Ảnh Hà Yên. |
Bộ Thuỷ sản cho biết, ngay sau khi Chính phủ Mỹ ra quyết định yêu cầu các nhà nhập khẩu phải nộp một khoản tiền bảo lãnh thanh toán trước khi nhập khẩu hàng thủy sản từ các quốc gia bị kiện phá giá, tình hình giao dịch tôm trên thị trường Mỹ đã lắng xuống.
Bên cạnh đó, mặc dù Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản, nhưng giá tôm sú xuất sang thị trường này đang giảm mạnh.
Do vậy, các DN xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đã chuyển hướng sang thị trường EU, Trung Quốc. Các DN nhận xét, nhập khẩu thuỷ sản từ Trung Quốc có khả năng sẽ tăng 10-15% do nhu cầu nội địa tăng và tàu thuyền đánh bắt hải sản hiện trong thời kỳ cấm khai thác để bảo vệ các loài hải sản đang sinh sản. Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), từ 19 đến 25/5, đoàn công tác Cục Kiểm tra chất lượng, dịch bệnh thực phẩm XNK Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã sang làm việc với các cơ quan của Bộ Thuỷ sản và muốn đẩy mạnh việc nhập khẩu thuỷ sản từ Việt Nam.
Trong năm 2004, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt 47.720 tấn, trị giá trên 131 triệu USD, tăng 11,2% cả về khối lượng và giá trị so với năm 2003.
Ngoài ra, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường EU cũng đang tăng mạnh, trong đó các sản phẩm chủ lực gồm cá tra, basa và cá ngừ. Các DN chế biến thuỷ sản Việt Nam đang hướng tới các thị trường mới trong liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là các thị trường Anh, Đức, Pháp, Bỉ và Italia. Hiện Anh và Bỉ là hai thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam tại EU, chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU. Việc mở rộng EU về phía Đông không chỉ đơn thuần gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mà còn tạo ra thị trường mới cho hàng thuỷ sản giá thấp. Thị trường này cũng được đánh giá là nơi tiêu thụ cá nước ngọt tiềm năng. Tuy nhiên, hạn chế của thị trường mới là mức giá nhập khẩu thấp.
Thị trường nội địa tuy diễn ra sôi động hơn những năm trước, nhưng vẫn còn bỏ ngỏ do các DN chế biến chưa có sự quan tâm đúng mức. Số DN chuyên chế biến hàng thuỷ sản phục vụ tiêu dùng nội địa chưa nhiều, hệ thống phân phối lưu thông, bảo quản hàng thuỷ sản còn hạn chế, người dân còn có thói quen dùng hàng thủy sản tươi sống nên các mặt hàng tiêu thụ trong nước chủ yếu là thuỷ sản nước ngọt. Trong khi đó, việc quảng cáo, sản xuất các mặt hàng thuỷ sản đông lạnh phù hợp với người tiêu dùng trong nước còn kém.
Ước giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tháng 5 của cả nước đạt 170 triệu USD, nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản 5 tháng lên 842 triệu USD, bằng 32,38 % kế hoạch và tăng 4,37 % so với cùng kỳ.
|