"Mỗi làng một nghề" liệu có dẫn đến loạn nghề?
01:54' 08/06/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Mỗi làng có một nghề, mỗi xã sẽ có một làng nghề, là đề án được Bộ NN-PTNN xây dựng với mục đích phát triển ngành nghề nông thôn. Đề án này đang trong giai đoạn lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương trước khi trình Chính phủ phê duyệt. VietNamNet đã trao đổi với ông Bạch Quốc Khang, Cục trưởng Cục Nông lâm nghiệp và nghề muối (Bộ NN-PTNT), xung quanh đề án nhiều tham vọng này.

Sẽ có hàng trăm làng nghề sản xuất lụa như ở Vạn Phúc (Hà Đông)?

Ông có thể cho biết ý tưởng thành lập đề án "Mỗi làng một nghề"?

- Từ trước đến nay, các ngành nghề thủ công ở nước ta phát triển chưa có định hướng, chưa có chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Khắc phục được những tồn tại cơ bản về mẫu mã sản phẩm, chất lượng, giá thành sản phẩm, ô nhiễm môi trường, mặt bằng sản xuất, vốn, tiêu thụ, gắn làng nghề với du lịch... thì ngành nghề nông thôn mới phát triển ở mức độ cao hơn. Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là tại Nhật Bản, chương trình "Mỗi làng một sản phẩm" đã làm rất thành công. Sau đó, họ giúp Thái Lan và một số nước khác trong khu vực, đem lại 3,66 tỷ Baht (84,2 triệu USD) lợi nhuận cho nông dân Thái. Năm 2003, doanh số bán hàng của các làng tham gia chương trình đạt 30,8 tỷ Baht và năm 2004 khoảng 40 tỷ Baht.

Tôi nghĩ ở Việt Nam cũng nên có chương trình tương tự để định hướng, hỗ trợ cho các làng nghề và cơ sở ngành nghề nông thôn.

Do vậy, cách đây khoảng một năm, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo thiết kế một đề án để phát động phong trào. Nếu tên đề tài giống như Nhật Bản thì không phù hợp, vì ngành nghề nông thôn ở Việt Nam rất đa dạng, lâu đời, đặt tên như vậy hơi hẹp. Do vậy, chúng tôi quyết định chọn tên là "Mỗi làng một nghề", tức là mỗi làng sẽ có một nghề chính thức và phát triển nghề đó, ngoài ra có các nghề khác. Trong các nghề lại chọn ra một sản phẩm tiêu biểu.

Sau khi nhận được nhiều ý kiến góp ý từ các chuyên gia, chúng tôi đã gửi đề cương tới tất cả lãnh đạo 64 tỉnh, thành. 25 tỉnh đã có ý kiến phản hồi chính thức. Khi đoàn khảo sát của Cục đi tìm hiểu, 100% các tỉnh đồng ý và hoan nghênh, nhất là các hiệp hội.

Quan trọng nhất là chương trình xây dựng nội dung: những làng đã có nghề, làng đã có nghề phi nông nghiệp và làng chưa có nghề sẽ làm gì, cần tập trung giải quyết vướng mắc nào? Hiện chúng tôi đang xây dựng hệ thống chính sách để các làng lập dự án. Tất cả các làng, xã trong nước đều được bình đẳng tham gia. Dự kiến ban đầu một làng chưa có nghề sẽ được vay khoảng 200 triệu đồng, nếu trình được dự án khả thi.

Theo đề án, ban đầu sẽ chọn ra 100 làng trọng điểm để làm thí điểm. Việc thí điểm được thực hiện từ bao giờ và tiêu chí nào để lựa chọn làng trọng điểm?

- Chúng tôi hiện đang xin ý kiến các Bộ về đề án này. Nếu các Bộ đồng ý, chúng tôi sẽ thành lập một Ban chỉ đạo TW mà đại diện lãnh đạo Bộ NN-PTNT là trưởng ban, ở cấp tỉnh có Ban chỉ đạo cấp tỉnh và UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo ban này. Sau khi phát động các làng làm dự án, chúng tôi sẽ chọn mỗi tỉnh 2-4 dự án tốt để làm thí điểm, chỉ đạo trực tiếp. Trong số đó, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục xem xét để chọn ra mỗi tỉnh có 1 hoặc 2 dự án điển hình làm làng trọng điểm. Dự kiến sẽ chọn Hà Tây, Ninh Bình, Điện Biên (miền Bắc); Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế (miền Trung); ĐăkLăk (Tây Nguyên); Đồng Nai, An Giang (miền Nam) làm các tỉnh thí điểm.

Các làng khác cũng làm dự án trình lên tỉnh phê duyệt, nếu không được chọn làm mô hình điểm thì họ cũng được phép tận dụng chính sách chung về mặt bằng, vốn, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo... của Nhà nước.

Đề án có hai gian đoạn, từ nay đến 2010 và 2015. Năm nay là khởi động. Chúng tôi dự kiến tháng 6/2005 sẽ trình Chính phủ, nếu Chính phủ có ý kiến thì tháng 7 thành lập các Ban chỉ đạo. Quan trọng nhất là tuyên truyền để người dân tiếp tục đóng góp ý kiến hoàn chỉnh đề án. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ gom tất cả các làng đăng ký xây dựng dự án trong giai đoạn đầu để tiến hành tập huấn cho các cán bộ chủ chốt. Ban chỉ đạo TW và cấp tỉnh sẽ tiến hành phê duyệt và lựa chọn các dự án trọng điểm trước khi cho triển khai.

Vấn đề quan trọng đặt ra là giải quyết được khâu tiêu thụ, bởi hàng loạt sản phẩm sẽ ra đời và được sản xuất ở nhiều nơi. Ông nghĩ như thế nào về việc này?

- Chúng ta hiện có các dòng sản phẩm: Sản phẩm đang có thị trường xuất khẩu mà Việt Nam không có đủ hàng, ví như mây tre đan, cói, đồ gỗ gia dụng. Vấn đề là làm thế nào để tăng năng lực sản xuất, tăng chất lượng, mẫu mã sản phẩm, hạ giá thành để nâng cao sức cạnh tranh, tiếp tục chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu. Đối với mặt hàng này, đã có nhiều DN tham gia sản xuất và hiện không đủ để xuất khẩu. Thứ nữa là các mặt hàng tiềm năng. Các sản phẩm này có thị trường trong nước, thông qua dự án này, sẽ nâng cao chất lượng, quảng bá thương hiệu để khuyến khích tiêu thụ. Nhưng không phải làng nghề nào cũng sản xuất, mà có làng nghề sẽ làm dịch vụ hoặc cấy nghề vào bằng cách gia công vệ tinh cho hàng công nghiệp.

Cuối cùng, đối với những làng muốn khôi phục lại nghề truyền thống thì trước tiên phải tìm được đầu ra cho sản phẩm. Sau đó, các nghệ nhân trong làng sẽ truyền lại nghề cho bà con.

Như vậy thì các làng nghề truyền thống, nổi tiếng, có từ lâu đời, ví như Bát Tràng (Hà Nội), Chuyên Mỹ (Hà Tây), Nga Sơn (Thanh Hoá), Kim Sơn (Ninh Bình), Vạn Phúc (Hà Tây)... liệu có bị cạnh tranh không, và làm sao đảm bảo được thương hiệu sản phẩm, thưa ông?

Ông Bạch Quốc Khang. Ảnh Hà Yên.

- Theo tôi, trong bối cảnh nhiều làng xã trong nước cùng sản xuất một sản phẩm thì giá trị hàng hoá tăng lên, do vậy, vấn đề tiêu thụ là quan trọng số một. Tất cả các làng nghề đó đều không thể đứng ngoài cuộc, mà họ có thể tham gia chương trình thông qua các dự án giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hoặc các dự án về quảng bá thương hiệu cho sản phẩm, hoặc dự án mở rộng sản xuất ra các làng nghề khác.

Thông thường các làng nghề bao giờ cũng có những ưu thế nhất định về tài nguyên như đất đai, cây trồng hay con người... Đối với những làng xã không có những ưu thế này thì có khó khăn không trong việc lập dự án để phát triển ngành nghề?

- Vấn đề này liên quan đến tính khả thi của các dự án. Đối với những làng chưa có nghề hoặc không có ưu thế gì để phát triển ngành nghề thì khó nhất là cấy được nghề vào. Bây giờ sau khi phát động, bản thân chính quyền xã, ngoài việc có hướng dẫn từ cấp tỉnh, huyện, cần phải tìm hiểu xem các làng có điều kiện tương tự họ đã làm như thế nào, sản xuất gì, có hiệu quả không? Các tỉnh phải căn cứ vào quy hoạch để giúp cho các làng có hướng hoạt động. Theo tôi, những làng mới mà cấy nghề vào nên tham khảo các làng có điều kiện tương tự mình trước.

Theo ông, quá nhiều làng nghề với nhiều sản phẩm giống nhau liệu có dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các làng, đặc biệt là trong việc tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu?

- Một trong những nội dung của chương trình là tạo sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Những làng mà cùng sản xuất một nghề sẽ thành lập hiệp hội chung, như hiệp hội sơn mài, hiệp hội mây tre đan... để từ đó, có sự phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau, lôi cuốn các DN đầu tư và tiêu thụ. Theo tiêu chí mỗi làng có trên 20% hộ làm nghề, cả nước hiện có 2.017 làng nghề, với các loại nghề khác nhau. Theo tôi, việc nhiều làng cùng phát triển một nghề sẽ không dẫn đến đến tranh chấp lẫn nhau, vì mỗi làng sẽ có thương hiệu sản phẩm riêng. Song, vấn đề chị hỏi cũng đúng. Làm thế nào để tiêu thụ sản phẩm mà không có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, nhất là khi xuất khẩu, là vấn đề khó hiện nay.

Hiện có rất nhiều làng nghề đang bí đầu ra cho sản phẩm của mình, như gốm Bầu Trúc (Ninh Thuận) chẳng hạn. Việc tiêu thụ ở đây hoàn toàn tự phát, mặc dù làng gốm chỉ nằm cách thị xã Phan Rang có 10 km, nhưng cũng chẳng có khách du lịch đặt chân đến.

Hiện có tới 80% số làng nghề đang đói vốn, vậy đề án hoạt động dựa trên nguồn kinh phí nào?

- Các làng nghề lập dự án sẽ được đứng ra vay vốn. Ngoài ra, dự án cũng được vay vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ Việc làm của Bộ LĐ-TBXH, hay được hỗ trợ khi đổi mới thiết bị. Sở dĩ các làng, xã đói vốn là vì họ có đầu ra, muốn mở rộng sản xuất thì cần vốn phát triển, nhất là đối với các dự án vay trên dưới 1 tỷ đồng. Thế chấp nhà cửa, họ cũng chỉ vay được số tiền hạn chế, trong khi nhu cầu lại cao gấp 2-3 lần. Do vậy, họ đành vay nóng với lãi súât cao. Đề án chỉ cần tháo gỡ nguồn vốn đã giúp đỡ cho các làng nghề rất nhiều.

Kinh phí hỗ trợ các dự án “Mỗi làng một nghề” trọng điểm cấp quốc gia trung bình là 200 triệu đồng/dự án. Như vậy, tổng kinh phí dự kiến là 20 tỷ đồng/năm, và có thể được nâng lên khoảng 100 tỷ đồng/năm. Nguồn vốn NSNN hỗ trợ hàng năm cho chương trình được trích từ các nguồn: vốn khuyến nông; vốn của chương trình xoá đói giảm nghèo; vốn “Khuyến công”; vốn sự nghiệp khoa học; vốn xúc tiến thương mại.

- Cảm ơn ông.

  • Hà Yên (thực hiện)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tìm hướng đi cho... xuất khẩu phụ tùng ôtô VN (07/06/2005)
Sẽ đầu tư sản xuất lắp ráp ôtô tại Hà Tây (07/06/2005)
Thiếu tre nguyên liệu để làm hàng xuất khẩu (07/06/2005)
Sa Pa trồng hoa công nghiệp (02/06/2005)
Ưu đãi cho nuôi thủy sản trên biển và hải đảo (02/06/2005)
Không được xuất khẩu quá 3,8 triệu tấn gạo (02/06/2005)
80% cơ sở ngành nghề nông thôn đói vốn (01/06/2005)
Kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng mạnh (31/05/2005)
Đầu tư 400 triệu USD XD nhà máy phân đạm Ninh Bình (30/05/2005)
Tìm cơ chế đẩy mạnh XK tôm vào Mỹ (26/05/2005)
Thuỷ sản xuất khẩu hướng sang EU, Trung Quốc (26/05/2005)
Đấu giá xong 23,5 tấn thịt gà của Mỹ (25/05/2005)
Bấp bênh cung - cầu cá tra, basa (25/05/2005)
Gần 60% các HTX thuỷ sản hoạt động yếu kém (24/05/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang