“Trái cây VN đang thua trên sân nhà” - điều này được nhiều chuyên gia nông nghiệp và các nhà vườn nói đến tại nhiều hội nghị về trái cây VN thời gian gần đây.
|
TS Nguyễn Minh Châu. |
Vì sao? Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Minh Châu - viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, người có nhiều năm nghiên cứu và am hiểu về trái cây VN.
Nhiều ý kiến cho rằng sự xuất hiện tràn lan của các loại trái cây ngoại, nhất là trái cây Thái Lan, là thủ phạm khiến trái cây VN rớt giá mạnh?
- Đã là thị trường thì giá cả phải theo qui luật cung cầu, cung nhiều mà cầu ít thì giá cả giảm là đương nhiên. Tôi cho rằng giá trái cây VN hiện nay vẫn còn quá cao. Chẳng hạn xoài cát Hòa Lộc có giá lên tới 60.000đ/kg, sầu riêng Chín Hóa 30.000đ/kg, nhãn xuồng cơm vàng 30.000đ/kg... Trong khi đó trái cây cùng chủng loại của Thái Lan giá thấp hơn. Do đó trái cây VN không thể cạnh tranh được với trái cây Thái Lan, chưa kể trái cây của nhiều nước khác, là điều không thể tránh khỏi.
Theo số liệu của Hiệp hội Trái cây VN, kim ngạch xuất khẩu trái cây VN đã giảm mạnh trong vòng bốn năm qua, từ gần 330 triệu USD vào năm 2001 xuống còn hơn 178 triệu USD vào năm 2004 và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong năm nay.
Một số hạn chế của trái cây VN, theo hiệp hội, đó là giá thành không có tính cạnh tranh, không đủ khối lượng cung ứng theo nhu cầu, không có thương hiệu, chất lượng không cao và không đồng đều. |
Nhưng tại sao giá trái cây VN lại cao, thưa ông?
- Trước hết, tôi khẳng định rằng các loại trái cây như xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Chín Hóa, bưởi da xanh, bưởi năm roi, nhãn xuồng cơm vàng... đều là những loại trái cây đặc sản nổi tiếng của VN, có chất lượng thơm ngon và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Đây là một lợi thế cạnh tranh rất lớn. Thế nhưng khả năng cung cấp cho thị trường của những loại trái cây này rất hạn chế, không đủ đáp ứng nhu cầu.
Khi cung thấp mà cầu cao, người bán muốn “hét” giá bao nhiêu cũng được và đây chỉ là mức giá ảo, rất bấp bênh. Như vậy gốc của vấn đề chính là diện tích và sản lượng của các loại trái cây ngon VN hiện nay quá nhỏ bé, quá manh mún. Tôi lấy ví dụ, hầu hết các loại cây trái đặc sản nêu trên đều có diện tích chưa tới 1.000ha mỗi loại, quá ít.
Muốn đưa giá cả các loại trái cây ngon về với giá thực để có thể cạnh tranh và đánh bật trái cây ngoại chỉ có một giải pháp là mở rộng diện tích, xây dựng các vùng chuyên canh, từ đó tăng sản lượng cung cấp cho thị trường. Tôi khẳng định nếu diện tích trồng sầu riêng Chín Hóa - có chất lượng rất ngon - được mở rộng lên 20.000ha thì sầu riêng Mon Thong của Thái Lan sẽ không thể xâm nhập thị trường VN được.
Vậy do đâu có tình trạng phát triển manh mún?
|
Trái cây ở chợ Bến Thành. |
- Là do các địa phương làm chưa tới nơi tới chốn. Mặc dù địa phương nào cũng xác định phát triển cây ăn trái là một trong những chương trình trọng điểm của tỉnh nhưng cứ nói chung chung, còn trồng cây gì, diện tích bao nhiêu, phát triển ở đâu, thời gian xúc tiến dự án... đều không có gì cụ thể. Một số địa phương cũng đã có qui hoạch phát triển cây ăn trái nhưng tổ chức thực hiện lại không làm đến nơi đến chốn, mạnh ai nấy làm, nông dân thích giống cây trái nào thì cứ làm rồi tự xoay xở mà tiêu thụ.
Tôi cho rằng đã đến lúc các địa phương phải thay đổi cách làm để phát huy thế mạnh trái cây đặc sản của từng địa phương. Chẳng hạn, phó chủ tịch tỉnh phụ trách kinh tế phải đứng ra đảm trách vai trò “tổng tư lệnh” phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái, với chương trình hành động cụ thể, thay vì giao cho giám đốc sở nông nghiệp. Vị “tổng tư lệnh” này sẽ đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện qui hoạch một cách hiệu quả, chọn loại cây nào, chính sách hỗ trợ ra sao, người nông dân trong vùng chuyên canh phải chấp hành trồng loại cây trái chủ lực...
Nếu mở rộng diện tích trồng cây ăn trái ào ạt thì lại ứ hàng và rớt giá?
- Đâu phải cứ qui hoạch rồi trồng ào ạt mà phải phát triển theo từng giai đoạn, căn cứ theo nhu cầu thị trường chứ. Tôi lấy ví dụ như sầu riêng Chín Hóa hiện nay chỉ có vài trăm hecta, chúng ta cho mở rộng diện tích lên 2.000-3.000ha, sau đó có thể nâng lên 10.000ha, thậm chí 20.000ha. Điều quan trọng là việc phát triển cây ăn trái cũng như nhiều ngành khác đòi hỏi phải tổ chức tiếp thị, tìm kiếm thị trường.
Ngay cả Thái Lan, ngành trái cây phát triển mạnh như vậy mà công tác tiếp thị và tìm kiếm thị trường cũng được tổ chức thường xuyên và bài bản. Một yếu tố rất quan trọng đối với sự phát triển của các loại trái cây là sự tham gia của doanh nghiệp kinh doanh trái cây. Sự thành công của nhiều loại trái cây hiện nay như thanh long, bưởi năm roi, sơri Gò Công... là nhờ có sự tham gia của các doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn ông.
Rộ chợ, nhiều loại trái cây rớt giá
Nhiều loại trái cây đang vào mùa, đổ về các chợ đầu mối số lượng lớn, chuẩn bị cho dịp Tết Đoan ngọ (mồng 5 tháng 5) vào cuối tuần này. Lượng trái cây về chợ đầu mối nông sản Hóc Môn tăng gấp đôi, ở mức 320 tấn/đêm. Trong đó trái vải từ miền Bắc chiếm nhiều nhất, 100 tấn/đêm, gấp đôi cuối tuần trước.
Trái vải về nhiều kéo giá bán sỉ rớt 1.000-1.500 đồng/kg, còn khoảng 8.000-8.500 đồng/kg vải nếp. Vải thiều lai nếp (hạt lớn hơn hạt vải thiều, vỏ sần sùi không gai) đã bắt đầu về chợ, 9.000-10.000 đồng/kg.
Vải thiều chính gốc hạt nhỏ rất ít, giá cao: 14.000-15.000 đồng/kg. Có cả vải Thái Lan, vỏ màu đỏ bầm, vị chua, 17.000-18.000 đồng/kg nhưng số lượng ít. Chôm chôm tróc Long Khánh về nhiều, giá còn 2.000 đồng/kg, giảm 800-1.000 đồng/kg. Măng cụt Lái Thiêu cũng đã rộ chợ, giá sỉ 5.000 đồng/kg, rẻ chỉ bằng 1/3 so với măng cụt Thái Lan.
Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức có 1.200 tấn trái cây về mỗi đêm. Riêng trái vải đến 400 tấn/đêm, cũng tăng gấp đôi cuối tuần trước, giá sỉ vẫn đứng ở mức 9.000-10.000 đồng/kg. Theo giải thích của thương lái, do trái vải xuất khẩu đi nhiều nên vẫn đứng giá. Theo giới kinh doanh trái cây, những loại trái cây đang vào mùa như vải, mận Hà Nội, chôm chôm, nhãn, măng cụt... sẽ tiếp tục về nhiều trước Tết Đoan ngọ. |
(Theo Tuổi Trẻ) |