Làm sao để không thiếu urê?
08:40' 15/06/2005 (GMT+7)

Giá urê trong nước của Phú Mỹ đang bán ở mức 4.670 đồng/kg, đạm Hà Bắc là 4.725 đồng/kg, trong khi giá nhập khẩu trung bình mặt hàng này xấp xỉ 4.950 đồng/kg. Tỉ lệ chênh lệch giữa 2 mức giá trên từ 225 đồng - 228 đồng/kg, giảm đáng kể so với mấy tháng trước (500đồng/kg).

Nhưng sự dịch chuyển này không phải xuất phát từ nỗ lực điều hành trong nước mà chủ yếu do giá phân bón thế giới đang xuống. Một câu hỏi đang được đặt ra: Làm sao để việc cân đối cung - cầu và giá bán urê tại Việt Nam không phải trông đợi vào sự thất thường từ bên ngoài?

Soạn: AM 139577 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Làm sao để không thiếu phân urê.

Theo số liệu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nhu cầu urê ở nước ta mỗi năm khoảng 2 triệu tấn. Lượng urê từ nhà máy phân đạm Hà Bắc khoảng 150.000 tấn/năm, nhà máy Phú Mỹ khoảng 600.000 tấn/năm (công suất thiết kế khoảng 750.000 tấn/năm). Trong điều kiện máy móc hoạt động bình thường, tổng cộng nguồn cung trong nước khoảng 750.000 tấn/năm, chiếm 30%. Để cung ứng đủ cho thị trường, phải nhập khẩu khoảng 1 triệu 250 nghìn tấn.

Vụ mùa vẫn lơ lửng... thiếu urê.

Trước kia, khi nhà máy Phú Mỹ chưa ra đời, các nhà nhập khẩu luôn căn cứ vào nhu cầu hàng năm để nhập một lượng hàng nhất định. Nhưng từ khi Phú Mỹ đi vào hoạt động, với công suất tương đối lớn, lại được trừ 50% chi phí năng lượng đầu vào, nhà máy này đã ấn định mức giá dựa trên việc lấy giá nhập khẩu làm "mốc" và trừ đi 5%.

Mức giá này đã gây nên sự cách biệt rất lớn giữa giá bán urê trong nước và nhập khẩu. Khoảng cách này càng lớn hơn khi các nhà nhập khẩu mua giá cao, với thời gian vận chuyển từ 30 - 45 ngày mới về tới Việt Nam. Vì một lý do nào đó, đúng thời điểm hàng về tới cảng, giá phân bón trên thế giới hạ xuống, giá bán trong nước hạ xuống theo và các nhà nhập khẩu như "cá rô mắc cạn": bán thì lỗ, không bán lại càng lỗ!

Hơn thế, khi ôm một đống hàng trong kho giữa lúc thị trường urê xuống, nhiều nhà nhập khẩu khác sẽ tiếp tục "bơm" hàng vào thị trường và những ai đã trót nhập từ trước thì chỉ có bán đổ bán tháo.

Điều này lý giải rằng từ khi Phú Mỹ đi vào hoạt động, có vẻ như thêm một nguồn cung urê để góp phần bình ổn nhưng sâu xa, nguồn cung này đang làm giãn nở thêm hố sâu ngăn cách giữa cung và cầu; giữa các nhà nhập khẩu và sản xuất trong nước. Và một khi các nhà nhập khẩu không chịu "nhúc nhắc" thì 70% tổng cầu urê luôn trong tình trạng báo động thiếu. Cũng từ đây, giới trung gian ăn theo bắt đầu khuấy đảo thị trường bằng những cơn sốt thiếu, sốt giá. Hậu quả là nông dân phải gánh chịu.

Nên "xã hội hóa" giá urê trong nước

Để giải quyết mắc mớ này, trong năm 2004 và đầu 2005, nhiều cuộc họp giữa các bộ Thương mại, Tài chính, Công nghiệp, Nông nghiệp và Hiệp hội phân bón đã được tổ chức. Nhiều sáng kiến như "trích thưởng" 1% trên doanh số nhập khẩu, "bán đối ứng", hạ thuế VAT... để khuyến khích nhập khẩu nhưng không được thực thi. Vì thế, chưa có một biện pháp hữu hiệu nào để dịch chuyển giá bán trong nước sát với giá nhập khẩu.

Tại sao điều này lại quan trọng đến như vậy? Nếu như giá bán urê trong nước cao hơn hoặc bằng với giá nhập khẩu thì đương nhiên doanh nghiệp sẽ san bằng cung - cầu để săn lùng lợi nhuận. Nói ví von, miếng bánh lợi nhuận sẽ được thị trường chia một cách công bằng và 70% tổng cầu sẽ tự khắc được lấp đầy!

Nhưng để đạt mục đích này, chúng ta không thể làm... hạ giá bán của những trung tâm phân bón trên thế giới ở Trung Quốc, Trung Đông hay ở Nga! Vì thế, phải tác động bằng một biện pháp hết sức tự nhiên để giá bán trong nước sát với giá nhập khẩu.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Vật tư Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng: "Để giá bán và cân đối cung - cầu urê trong nước tuân theo quy luật thị trường, nên tiến hành đấu giá một khối lượng nhất định từ kênh sản xuất trong nước bằng những gói thầu". Có thể hiểu điều này như sau: công suất của Phú Mỹ khoảng 50 nghìn tấn/tháng, nên chia thành 3-4 gói thầu, mỗi gói từ 10 ngàn - 15 ngàn tấn; tương tự, công suất của đạm Hà Bắc khoảng 10 nghìn tấn/tháng, chia thành 3 gói, mỗi gói khoảng trên 3 nghìn tấn.

Sau đó tổ chức đấu thầu. Những doanh nghiệp nào hội tụ đủ điều kiện (chuyên ngành nghề cung ứng phân bón, điều kiện giao hàng theo thời gian và số lượng, điều kiện đặt cọc...), sẽ mời thầu. Sau đấu thầu, ai thắng được mua, nếu không mua sẽ mất tiền đặt cọc. Dĩ nhiên, doanh nghiệp không trúng thầu sẽ được hoàn lại tiền đặt cọc. Như vậy, sẽ chọn được mức giá tốt nhất cho các nhà máy trong nước. Đây cũng là cơ hội để các nhà máy này tham gia thị trường với một tư cách bình đẳng và tự nhiên nhất.

Ông Dũng cho biết thêm: "Từ đấu thầu, các doanh nghiệp sẽ tự cân đối cung - cầu trong nước cũng như giá của thế giới để quyết định đấu thầu ở mức giá nào cho phù hợp và phải nhập khẩu bao nhiêu để cân đối thị trường".

Ông Hồ Bắc, Phó giám đốc Nhà máy Phân bón Hà Bắc tỏ ra lo ngại: "Rất có thể các doanh nghiệp sau khi trúng thầu cùng hè nhau găm hàng lại thì chúng tôi sẽ gay!". Nhưng lo ngại của ông Hồ Bắc có thực sự đáng ngại?

Thứ nhất, tâm lý của người kinh doanh sau khi mua hàng phải tìm cách bán hàng để thu hồi vốn càng nhanh càng tốt.

Thứ hai, do khối lượng hàng bị chia nhỏ khi đấu thầu nên không một ai trong số đó sở hữu phần lớn để tùy ý khống chế hay thao túng thị trường.

Thứ ba, mặt hàng urê thường xuyên lên xuống thất thường như "hoa tươi" do sự biến thiên của giá dầu và yếu tố mùa vụ trên thế giới nên yếu tố này đóng vai trò rào cản, ngăn những doanh nghiệp có ý định "găm" sau khi thắng thầu và nỗi lo này sẽ rất khó trở thành hiện thực.

Như vậy, nhờ đấu thầu, mối quan hệ cạnh tranh sẽ quyết liệt và đa dạng hơn: cạnh tranh giữa các nhà sản xuất trong nước- trong nước; trong nước - nhập khẩu; nhập khẩu - nhập khẩu. Đương nhiên, cạnh tranh càng nhiều thì thị trường càng tối đa hóa mục tiêu cạnh tranh - điều mà bất cứ một nền kinh tế hiện đại nào đều mong muốn.

Do đó, giá phân bón từ nguồn cung trong nước sẽ được xã hội hóa và tự động nhích gần với giá nhập khẩu mà không cần đến sự can thiệp duy ý chí nào. Trong trường hợp giá phân bón thế giới lên cao thì tất cả thị trường phải chia sẻ khó khăn này. Cũng như khi giá phân bón thế giới hạ thì thị trường đều hưởng lợi. Sự chia sẻ đó (lợi nhuận và rủi ro), được san đều cho cả 4 khâu: sản xuất - phân phối - trao đổi - tiêu dùng.

(Theo Thời báo Kinh tế VN)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cá nước ngọt Việt Nam đã có người đỡ đầu (14/06/2005)
Lúa sạch giá cao: mô hình nông nghiệp mới (13/06/2005)
Vải thiều được giá nhưng mất mùa! (13/06/2005)
35 tỷ đồng phát triển thủy sản miền núi phía Bắc (09/06/2005)
Bao giờ nông dân và DN “ngồi cùng thuyền”!? (08/06/2005)
Trái cây VN thua trên sân nhà, vì sao? (08/06/2005)
"Mỗi làng một nghề" liệu có dẫn đến loạn nghề? (08/06/2005)
Tìm hướng đi cho... xuất khẩu phụ tùng ôtô VN (07/06/2005)
Sẽ đầu tư sản xuất lắp ráp ôtô tại Hà Tây (07/06/2005)
Thiếu tre nguyên liệu để làm hàng xuất khẩu (07/06/2005)
Sa Pa trồng hoa công nghiệp (02/06/2005)
Ưu đãi cho nuôi thủy sản trên biển và hải đảo (02/06/2005)
Không được xuất khẩu quá 3,8 triệu tấn gạo (02/06/2005)
80% cơ sở ngành nghề nông thôn đói vốn (01/06/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang