Năm 2004, Việt Nam xuất khẩu được trên 100.000 tấn gạo thơm với giá tăng 30- 40 USD/tấn so với gạo thường. Năm nay, nhu cầu gạo thơm thế giới vẫn rất cao và bán vẫn rất được giá, nhưng...
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (Vietfood) tổng giao dịch gạo thơm đã ký xuất khẩu đến tháng 6/2005 mới chỉ đạt 20.000 tấn (bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái).
|
Gạo xuất khẩu. |
Đặc biệt giá gạo thơm xuất khẩu, trong đó chủ yếu là gạo Jasmine vẫn giữ nguyên ở mức giá 280-285 USD/tấn, như năm 2004, trong khi giá xuất khẩu các loại gạo thường đã tăng 35-40 USD/tấn so với mức giá bình quân năm trước.
Vì sao lại xảy ra cơ sự này?
Sản xuất ồ ạt, xuất khẩu xô bồ
Được kết quả kích thích, tháng 10/2004, ông Trương Thanh Phong - Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam hô hào các địa phương mở rộng diện tích lúa thơm. Đáp lời "hiệu triệu" của ông Tổng giám đốc, nhiều diện tích lúa thơm được mở rộng không chỉ trên đất phù sa ngọt mà cả vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên.
Theo TS Phạm Sĩ Tân, Viện phó Viện lúa ĐBSCL, lúa thơm đặc sản chỉ thích nghi với đất ở các vùng ven biển như Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang, Bạc Liêu, còn trồng ở nơi khác thì không lưu giữ được mùi thơm. Nhiều nông dân ở trong vùng, kể cả các nhà doanh nghiệp xuất khẩu cũng chưa nắm được điểm này nên hò nhau ồ ạt mở rộng diện tích lúa thơm.
Và kết quả là trái khoáy: gạo thơm xuất khẩu không đạt chuẩn, phải cung ứng ngược lại cho thị trường nội địa.
Theo một số nhà khoa học và kinh doanh lúa gạo ở ĐBSCL, nhược điểm của một số gạo thơm Việt Nam dẫn đến không đạt chuẩn xuất khẩu là giữ mùi thơm không lâu, các khâu về giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản sau thu hoạch, tính phù hợp của giống đối với từng giống lúa thơm chưa bảo đảm, quy hoạch vùng chuyên sản xuất chưa thuần nhất do gieo trồng xen các loại giống lúa thường với giống đặc sản nên dễ bị lai tạp.
Ông Phạm Sĩ Tân nhận xét: giống lúa Jasmine vừa thơm, vừa cho năng suất rất cao, nhưng từ 60.000 ha tăng lên 100.000 ha thì chất lượng đã khác, đó là do mở rộng diện tích trên đất không phù hợp.
Từ khâu giống đến sản xuất đã thể hiện cách làm ăn ồ ạt kiểu phong trào, còn khâu xuất khẩu? Hiện nay trên thế giới không nước nào xuất khẩu gạo đặc sản mà lại không có thương hiệu. Ngược lại, gạo thơm Việt Nam vẫn được bán xô như các loại gạo thông thường, chỉ khác ở giá.
Do gạo thơm Việt Nam chưa có thương hiệu nên các nhà buôn quốc tế mua về họ vô tư chế biến (đấu trộn) đóng gói, bao bì đưa vào các siêu thị bán với giá cao. Sự kém cỏi của nhà nông, đặc biệt các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã bị lợi dụng, trở thành lợi nhuận của các nhà buôn gạo thế giới.
Do ăn xổi nên lâu nay nhiều doanh nghiệp lúa gạo ở ĐBSCL chỉ mặn mà với xuất khẩu, ngộ nhận một cách sai lầm rằng gạo ngon chỉ để xuất khẩu rồi bỏ trống thị trường nội địa 80 triệu dân. Ngay tại Cần Thơ, ít nhất có 6 doanh nghiệp xuất khẩu gạo có "máu mặt" nhưng phải đến 1-2 năm gần đây một vài doanh nghiệp mới nhận ra sai lầm để sửa sai.
Đi tiên phong là Nông trường Sông Hậu. Từ năm 2003, kịp nhận ra sức tiêu thụ sản phẩm của nông trường ở thị trường nội địa, Sông Hậu đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu gạo thơm Sohafarm ra đời và được người tiêu dùng chấp nhận.
Lời cảnh báo chưa muộn
Cho đến nay, Việt Nam đã qua 16 năm xuất khẩu gạo. Gạo Việt Nam đã có mặt trên các thị trường thế giới. Năm 1999 đạt đỉnh cao về số lượng xuất khẩu 4,5 triệu tấn. Năm 2004 đạt 4,062 triệu tấn.
Gạo Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là gạo trắng, chiếm 95-97% tổng số xuất khẩu, còn lại là gạo thơm, từ vài ngàn tấn đến vài chục ngàn tấn, cao nhất là năm 2004, xuất khẩu được gần 100.000 tấn, chủ yếu là loại gạo Jasmine.
Theo ông Trương Thanh Phong, điều đáng chú ý là sắp tới nhu cầu của thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam (là châu Á, chiếm 50% gạo trắng các loại) sẽ giảm dần do một số nước đẩy mạnh sản xuất, đưa khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, tăng năng suất và tăng sản lượng. Vì thế, trong những năm tới Việt Nam phải phấn đâu nâng cao chất lượng gạo trắng và tăng chủng loại nhất là gạo thơm để đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng kim ngạch xuất khẩu.
Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Chí Bửu- Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cảnh báo: cùng với việc hội nhập AFTA và WTO sắp đến, nhiều loại gạo thơm của Thái Lan, Ấn Độ sẽ tràn vào Việt Nam, nên mục tiêu lớn đặt ra cho Việt Nam là có thêm nhiều loại gạo thơm ngon, nhưng phải đủ sức cạnh tranh (chất lượng, giá cả, thương hiệu).
Viện trưởng đưa ra giải pháp: phải chủ động tổ chức lại sản xuất trước khi gia nhập AFTA bằng cách quy hoạch các vùng trồng lúa thơm xuất khẩu thích nghi với thổ nhưỡng từng địa phương, tránh tình trạng ồ ạt chạy theo giống lúa thơm có thị trường tốt...
Nếu không quy hoạch lúa đặc sản tốt, chúng ta sẽ thua ngay ở thị trường nội địa trong quá trình hội nhập. Lúa đặc sản sẽ là một bộ giống không chỉ phục vụ cho xuất khẩu mà chủ yếu là phục vụ thị trường nội địa trong tương lai.
Năm 2004, trong lúc Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu được gần 100.000 tấn gạo thơm thì Thái Lan xuất khẩu gần 2 triệu tấn. Ông Hà Kim Hoàng, Phó giám đốc Công ty Lương thực Long An nhận xét: "Phải mất rất lâu nữa Việt Nam mới có thể đuổi kịp Thái Lan về công nghệ sau thu hoạch (như hiện tại) và có sản lượng gạo thơm lớn và chất lượng đồng đều".
Căn cứ vào điều kiện sản xuất và khả năng cung cấp các giống gạo thơm hiện có của Việt Nam nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: giải pháp trước mắt cho đầu ra của gạo thơm Việt Nam là thị trường nội địa, chứ không cần lo lắng đến thị trường xuất khẩu.
Vấn đề đặt ra cho ngành lúa gạo nước nhà là cần có ngay những biện pháp để tăng chất lượng hạt gạo, lưu thông thuận lợi và giá cả hợp lý cho thị trường 80 triệu dân trong nước.
(Theo Thời báo Kinh tế VN) |