(VietNamNet) - Thủ tướng Chính phủ hôm qua (14/6) đã chỉ đạo chưa điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với phôi thép xuống 0% trong thời gian tới.
|
Sản xuất thép ở Liên doanh thép Việt - Ý. |
Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì xử lý vấn đề về thuế nhập khẩu đối với thép và phôi thép, đảm bảo khuyến khích hợp lý sản xuất phôi thép trong nước, giữ bình ổn thị trường và giá bán thép.
Đây là câu trả lời của Chính phủ đối với kiến nghị của Hiệp hội, Bộ Công nghiệp cũng như Bộ Thương mại hồi tháng 4, tháng 5, khi giá phôi thép nhập khẩu đã leo thang đến 420-430 USD/tấn. Do vậy, các DN thành viên hiệp hội phải biểu quyết để kiến nghị Chính phủ giảm mức thuế nhập khẩu phôi thép xuống 0% nếu giá nhập khẩu vượt 420 USD/tấn, nhằm bình ổn giá trên thị trường thép.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Bộ Tài chính đã không đồng ý với kiến nghị này và cho rằng, trong bối cảnh ngành sản xuất phôi trong nước còn non trẻ và mới chỉ chiếm khoảng 20% thị trường như hiện nay, thì Nhà nước cần giữ nguyên thuế suất để bảo hộ cho các DN. Và việc giảm thuế càng không thể khi kết quả khảo sát của Bộ Thương mại trước đó cho thấy, tuy gặp khó khăn do giá phôi thép nhập khẩu tăng cao, song hầu hết các DN sản xuất, kinh doanh thép đều không bị lỗ, chỉ giảm lãi hoặc hoà vốn, do giá thép trong nước tăng theo.
Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, hoàn toàn đồng tình với việc chưa giảm thuế nhập khẩu phôi thép nhằm bảo vệ các DN sản xuất phôi trong nước, bởi giá phôi thép hiện đã giảm nhiều. Song, ông Cường cho rằng, thông báo này đưa ra hơi chậm, nếu không muốn nói là "lạc hậu", đối với kiến nghị của Hiệp hội, của các Bộ.
Giá phôi thép đang chào bán vào Việt Nam là khoảng 350 USD/tấn, giảm so với mức 420 USD/tấn thời điểm giữa tháng 4. Tuy nhiên, do việc dự báo biến động của thị trường thép thế giới chưa chính xác, nên hầu hết các DN đã nhập về một lượng phôi không nhỏ ở thời điểm giá 400 USD/tấn. Đây là nguyên nhân khiến cho giá thép ở thị trường trong nước tuy giảm, nhưng chưa đạt tốc độ giảm của giá phôi trên thị trường thế giới. Việc giá thép giảm trên thị trường quốc tế cũng gây tâm lý chờ đợi giá giảm mới mua hàng của người tiêu dùng, chính vì vậy, các DN dù đang sản xuất phôi với giá 400 USD/tấn cũng có thể phải hạ giá, nhất là khi mùa mưa đang đến gần.
Theo dự đoán của Hiệp hội Thép và các chuyên gia, xu hướng giảm giá mặt hàng thép sẽ tiếp diễn trong tháng 6 và tháng 7. Khi các lô phôi có giá 350 USD/tấn được DN cán thép đưa vào sản xuất, giá thép có thể giảm xuống mức 7,5-7,6 triệu đồng/tấn (đã có thuế VAT) trong thời gian tới. Song, ông Cường khẳng định, giá phôi thép khó có thể giảm dưới mức 350 USD/tấn như hiện nay.
|