Tính từ khi bắt đầu triển khai, từ năm 1997 đến nay, dự án đánh bắt hải sản xa bờ đã giải ngân được hơn 1.345,3 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi. Tuy nhiên, sau 7 năm, tổng kết lại, mới thu hồi được hơn 140,9 tỷ đồng. Qua kiểm tra 991 tàu với số vốn vay hơn 895,8 tỷ đồng thì số tiền sai phạm đã chiếm tới 110 tỷ đồng, trong đó, 12 tỷ đồng là bị tham ô, cố ý làm trái, chiếm dụng, chiếm đoạt...
|
Đánh bắt xa bờ |
Những người thực hiện dự án phải thừa nhận phần lớn các dự án đánh bắt xa bờ đã được triển khai hiệu quả thấp. Nhiều dự án chỉ đánh bắt ở ngư trường truyền thống gần bờ, chưa vươn xa khơi. Trong số 1.382 tàu đóng mới hoặc cải hoán có công suất từ 90 mã lực (CV) trở lên thì chỉ có 390 tàu hoạt động có hiệu quả, còn lại 520 tàu hoạt động không hiệu quả, gần 250 chiếc đang nằm bờ, còn lại là mất tích, chìm, đắm...
Điển hình của tình trạng này là 29/38 tàu đóng mới ở tỉnh Quảng Bình làm ăn không có hiệu quả, phải nằm bờ, thậm chí một số tàu chỉ tham gia một vài chuyến đi biển rồi nghỉ hẳn. Trong 9 chiếc còn hoạt động thì cũng chỉ có 1 chiếc làm ăn có lãi, số còn lại dù vẫn được coi là có hoạt động nhưng thực chất là thua lỗ, không trả được nợ vay theo hợp đồng tín dụng.
Cứ đóng tàu là có tiền?
Các cơ quan trong cuộc thừa nhận, mặc dù đã được gia hạn và kéo dài thời hạn nợ nhưng tỷ lệ trả nợ vốn vay của các dự án rất thấp, cá biệt có dự án đến nay vẫn không trả được đồng xu nào. Tỷ lệ nợ quá hạn, đặc biệt là nợ quá hạn khó đòi ngày càng tăng nhanh. Đối với những dự án tuy rằng còn nợ trong hạn nhưng do kém hiệu quả nên tương lai cũng rất mịt mù, hứa hẹn tiếp tục kéo dài danh sách nợ quá hạn khó đòi. Đáng lưu ý, hiện rất nhiều tàu chưa mua bảo hiểm nên khi gặp tai nạn rủi ro có nguy cơ bị mất trắng.
Tại sao một dự án quy mô, mang nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng nhưng lại không hiệu quả?
Đại bộ phận ngư dân vay vốn đóng tàu khai thác hải sản xa bờ quen nếp làm ăn cũ với các tàu thuyền nhỏ, đánh bắt chủ yếu bằng kinh nghiệm ở những ngư trường truyền thống gần bờ. Đùng một cái, được dúi vào tay cả cục tiền, làm chủ đầu tư, chủ dự án quản lý, sử dụng số vốn và tài sản lớn, trang thiết bị hiện đại, khai thác trên ngư trường mới, xa bờ, vượt quá khả năng của họ, thử hỏi làm sao có thể quản lý tốt?
Thậm chí, việc lựa chọn chủ đầu tư dự án (chủ tàu) trong nhiều trường hợp cũng không đúng đối tượng, không có kinh nghiệm đi biển, kinh nghiệm khai thác hải sản xa bờ và kinh nghiệm quản lý. Phần lớn các hợp tác xã, tổ hợp tác được lựa chọn phê duyệt đều mới được thành lập sau khi Chính phủ có chủ trương cho vay vốn ưu đãi để đầu tư. Mới kiểm tra 283 hợp tác xã được lựa chọn ở 9/29 địa phương ven biển có dự án thì tới 264 hợp tác xã vừa mới được thành lập so với thời điểm xét duyệt dự án, gồm: Thái Bình 11 hợp tác xã, Nam Định 16, Thanh Hóa 53, Nghệ An 37, Hà Tĩnh 38, Quảng Bình 17, Thừa Thiên Huế 35...
Riêng Quảng Bình, 100% trong số 25 hợp tác xã đều mới thành lập. Việc thành lập các hợp tác xã này chỉ là hình thức, sau một thời gian, hợp tác xã và tổ hợp tác chỉ còn chủ nhiệm hoặc kế toán mà không còn xã viên.
Việc lựa chọn, xét duyệt các hộ ngư dân làm chủ dự án đầu tư cũng xuê xoa không kém. Nhiều ngư phủ ở Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định khi kiểm tra lại mới thấy rằng trước đó có người chưa từng hành nghề đánh bắt, không có kinh nghiệm đi biển, không đảm bảo sức khỏe, đã nghỉ hưu, dị tật bẩm sinh. Thậm chí ở Đà Nẵng, có trường hợp đang làm nghề rừng hoặc giáo viên mà cũng được xét duyệt làm chủ đầu tư dự án. Hay ở Cà Mau, 13 hộ được xét duyệt cho vay 8,3 tỷ đồng thậm chí còn không đủ điều kiện xét vay vốn từ nguồn vốn khắc phục hậu quả cơn bão số 5 ...
Chưa ra khơi đã bị rút ruột
Nghiêm trọng hơn, mới tổng hợp việc đầu tư 991 con tàu (71% tổng số tàu được đầu tư) với số vốn vay hơn 895 tỷ đồng, cơ quan chức năng đã phát hiện số tiền sai phạm lên tới hơn 110 tỷ đồng. Các đơn vị cho vay đã không kiểm tra, rà soát các điều kiện và thủ tục, hồ sơ trước khi giải ngân, dẫn đến nhiều trường hợp cho vay vượt quá dự toán, thiết kế; thanh toán trùng lắp, không đầy đủ hồ sơ, chứng từ theo quy định.
Trong số này, gần 12 tỷ đồng sai phạm từ tham ô, cố ý làm trái, chiếm dụng, chiếm đoạt. Mánh rút ruột tiền Nhà nước của nhiều chủ dự án là thông đồng với các cơ sở đóng tàu, cơ sở bán ngư lưới cụ... lập hai hợp đồng có giá trị khác nhau nộp cho đơn vị cho vay vốn có giá trị cao hơn, nhưng thực thanh toán theo hợp đồng có giá trị th p hơn để rút tiền. Nhiều trường hợp móc tay thay đổi kích thước tàu, rút bớt cả chiều dài lẫn chiều cao của tàu...
Tại Ninh Thuận, 10 vỏ tàu đóng mới do Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu polime Trường Đại học Bách khoa Tp.HCM thực hiện. Trên thực tế, Trung tâm này không đăng ký kinh doanh, không có chức năng đóng vỏ tàu gỗ nên đã phải khoán lại cho Cơ sở đóng tàu Vĩnh Khương (Khánh Hòa) thực hiện để hưởng chêch lệch hơn 302 triệu đồng. Hợp đồng đến tay, cơ sở này nhận được tín hiệu của các chủ dự án đóng tàu để thông đồng rút bớt kích thước tàu so với thiết kế để rút hơn 515 triệu đồng.
Thực chất, số tiền cuối cùng đắp vào con tàu chỉ còn 59,4% so với giá trị hợp đồng. Tương tự, tại Thanh Hóa, 15 tàu bị rút ngắn chiều dài từ 1-2,48 m, giảm chiều cao mạn 0,2-0,3 m, các chi tiết cấu kiện đều bị cắt xén chiều dầy. 14 con tàu ở Đà Nẵng cũng đã bị chủ dự án bắt tay với Công ty Cơ khí Thủy sản II Đà Nẵng và Công ty Cung ứng và Phát triển Kỹ thuật Thủy sản Đà Nẵng rút ngắn chiều dài từ 22,98 m xuống 20,5 m... Hậu quả, nhiều chủ dự án rút tiền đóng tàu chiếm 14,82% số tiền vay được, có nơi chiếm 18,87% so với số tiền vay.
Qua sổ sách dự toán của một số tàu ở Quảng Trị, Bình Định, Ngệ An, Thanh Hóa, đã phát hiện số gỗ trong dự toán được phê duyệt lớn hơn yêu cầu của thiết kế và thực tế tới hơn 1.000 m3. Giữa các tàu giống nhau nhưng chênh lệch khủng khiếp về số lượng bu loong đóng tàu, có tàu chỉ có 1.500 bu loong nhưng ở tàu khác lên tới 4.228 cái, đơn giá bu loong được phê duyệt có tàu chỉ là 500 đồng/cái nhưng có tàu không biết có phải do sử dụng bu loong cao cấp hay không mà được tính tới 9.000 đồng/cái.
Ngoài ra, khi kiểm tra tại Thanh Hóa, cơ quan chức năng còn phát hiện việc các chủ dự án phải nộp hơn 350 triệu đồng (từ 5-10%) thuế giá trị gia tăng về việc mua hóa đơn, chứng từ khống. Vì lẽ đó nên đã có tình trạng tàu đóng bằng vốn vay đánh bắt xa bờ có chi phí cao hơn so với tàu đóng mới bằng vốn tự có của ngư dân với số tiền lên tới hàng chục triệu đồng/chiếc. Nhiều chủ dự án rút tiền mặt về không nhập quỹ, bỏ ngoài sổ sách, chi tiêu trái nguyên tắc hàng trăm triệu đồng.
Nơi cho vay cũng tuỳ tiện
Nhưng chính sự lỏng lẻo, tuỳ tiện của các đơn vị cho vay vốn theo chương trình cũng là một nguyên nhân khiến vốn của Chương trình đánh cá xa bờ đi nhiều mà về ít. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các đơn vị cho vay đã không kiểm tra, kiểm soát chặt trong toàn bộ quá trình cho vay, giải ngân, thanh toán...
Nhiều nơi cho vay vượt dự toán, thanh toán trùng, thanh toán mà không cần đủ hồ sơ, chứng từ. Số tiền sai phạm trong khâu này cũng đã lên tới 30 tỷ đồng. Ví dụ như Chi nhánh Ngân hàng đầu tư và phát triển Bình Thuận giải ngân cho dự án Đức Cơ - Phan Thiết vay 183,5 triệu đồng ngoài nội dung chủ đầu tư đã ký với đơn vị đóng tàu, mua sắm trang thiết bị mà không có hoá đơn, chứng từ. Chi nhánh Ngân hàng đầu tư phát triển Sóc Trăng cho các chủ dự án rút tiền mặt chi trả, giải ngân ứng trước vốn vượt 25% tổng mức đầu tư của dự án...
Ngoài ra, còn rất nhiều những sai trái trong các khâu kiểm tra, giám sát thiết kế, giám sát đăng kiểm, quản lý tàu cá sau khi hoàn thành... đã khiến chương trình đánh cá xa bờ đã trở nên như một chương trình lỏng lẻo khiến rất nhiều đơn vị, cá nhân nhiều tỉnh, thành phố đục khoét vốn, kiếm lời. Chất lượng tàu bị giảm sút, phương tiện, thiết bị đánh bắt không chuẩn, nơi nhiều tôm,cá thì thiếu tàu, nơi nhiều tàu thì chỉ có thể đi đánh bắt gần bờ...
(Theo Thời báo Kinh tế VN)
Ý kiến của bạn về vấn đề này như thế nào? Liệu chính sách ưu đãi đánh bắt xa bờ là không cần thiết hay do vấn đề ở quá trình áp dụng chính sách này? |