Vướng rào cản, xuất khẩu thủy sản giảm
17:51' 04/07/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - 6 tháng đầu năm nay, ngành thủy sản vấp phải những khó khăn chưa từng có trên tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là những vấn đề phát sinh trên thị trường xuất khẩu.

Soạn: AM 468321 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Xuất khẩu thủy sản đang gặp nhiều khó khăn do các vấn đề về chất lượng và thị trường. Ảnh: Hà Yên.

Theo con số ước tính, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm đạt khoảng 1,063 tỷ USD, bằng 41% kế hoạch năm và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2004.

Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của ta. Song, trong 6 tháng đầu năm, những vấn đề nảy sinh trên thị trường Mỹ sau vụ kiện bán phá giá tôm thực sự gây nhiều khó khăn cho các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Chỉ trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm vào Mỹ giảm 36% về sản lượng và giảm 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2004.

Gay cấn nhất là quy định đóng “bond” (ký quỹ) và chuẩn bị “review” đối với các DN chế biến xuất khẩu tôm vào Mỹ. Hầu hết các DN trong diện chuẩn bị “review” đều tạm dừng xuất khẩu tôm vào Mỹ trong 6 tháng qua, kéo theo những phản ứng dây chuyền: giá tôm nguyên liệu giảm, lượng hàng tồn kho lớn, chi phí sản xuất tăng, hiệu quả kinh doanh giảm. Đó là chưa kể mùa thu hoạch đã rộ lên từ tháng 6.

Tình thế đó buộc các DN phải nỗ lực tăng cường xuất tôm vào các thị trường khác, như Nhật Bản và EU, song DN lại vấp phải những rào cản kỹ thuật khác. Thị trường Nhật và EU tăng cường cảnh báo nhiễm dư lượng kháng sinh. Nhật Bản còn yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi nhập vào nước này. Thậm chí, các nhà hàng Nhật Bản còn phải công khai nguồn gốc sản phẩm thủy sản bán ra. Trong khi đó, các nước khác như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan... tăng cường xuất tôm vào Nhật với giá thấp, tạo áp lực lớn đối với các DN Việt Nam.

Đồng thời với những khó khăn trong xuất khẩu tôm là những vấn đề nổi cộm trong thu mua và xuất khẩu cá tra, cá basa.

Trước năm 2004, sản lượng cá nuôi ở các tỉnh ĐBSCL chỉ vào khoảng 100.000 tấn. Năm 2004, con số này tăng lên 300.000 tấn và năm nay ước đạt 500.000 tấn. Bộ Thủy sản lo ngại, sản lượng cá tăng đột biến thời gian qua sẽ tác động tới cán cân cung - cầu. Không những thế, khi sản lượng nuôi lớn, mật độ nuôi dày đặc thì tình hình sử dụng kháng sinh, hóa chất trong nuôi cá trở thành vấn đề nhức nhối, nhất là green malachite.

Các nước nhập khẩu lớn đồng thời cũng đưa ra các quy định khắt khe về tiêu chuẩn ATVSTP. Đây chính là rào cản xuất khẩu cá vào EU và các nước khác, dẫn đến số lượng cá, đặc biệt là cá tra thịt vàng tồn đọng lớn.

Do vậy, giá cá giảm và cá chất lượng thấp tồn đọng lớn đang là khó khăn của các DN thủy sản hiện nay. Nguy cơ lỗ vốn, thậm chí phá sản đối với nhiều hộ nuôi cá và một số DN ngày càng hiển hiện rõ. Có thời điểm, giá cá tra, basa chỉ còn 9.000 đồng/kg với cá loại 2 và 10.500-11.000 đồng/kg với cá loại 1. Vào tháng 6, tuy giá nguyên liệu có tăng nhưng thị trường vẫn bấp bênh. Trước tháng 6 người nuôi cá không bán được cá thì kêu ca, đến cuối tháng 6 lại có hiện tượng găm hàng lại, không bán cho DN.

Song, nhìn chung, thị trường vẫn có nhu cầu lớn về hàng thủy sản, nhất là hàng thủy sản có chất lượng tốt.

  • Hà Yên
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Khát vốn cho hạ tầng giao thông (04/07/2005)
Xuất khẩu dệt may "dậm chân tại chỗ" (04/07/2005)
Giá lúa giảm mạnh, vì sao? (04/07/2005)
DN XD đạt giá trị SXKD gần 30.000 tỷ đồng (04/07/2005)
Luật điện lực có “thiên vị” bên bán điện? (04/07/2005)
Khi nông dân vẫn phải “tự bơi”… (02/07/2005)
Cá ngừ vây vàng Việt Nam dẫn đầu tại Mỹ (01/07/2005)
Ngành da giày: Thời hưng thịnh đã qua! (01/07/2005)
Dệt may có chỗ đứng chắc chắn trên thị trường Mỹ (30/06/2005)
Chính phủ yêu cầu đảm bảo tiến độ của Dung Quất (30/06/2005)
Ngành điều với “cái chết” được báo trước (30/06/2005)
Nhiều DN dệt may, da giày Hải Phòng phải đóng cửa (30/06/2005)
Xe máy chạy gas sắp được tung ra thị trường (29/06/2005)
1,5 tỷ USD đầu tư để nâng cấp hạ tầng đường sắt (29/06/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang