Bộ Công nghiệp cho biết, tính đến nay, ngành công nghiệp được vay và sử dụng các nguồn vốn ODA từ 12 nhà tài trợ khác nhau với tổng vốn vay và không hoàn lại là hơn 3,9 tỷ USD, trong đó, vốn vay chiếm tới 98%.
|
Ảnh minh họa |
Tổng vốn vay và không hoàn lại của ngành công nghiệp bằng 18,62% trên tổng giá trị các Hiệp định đã ký của cả nước để đầu tư cho 61 chương trình, dự án đang còn hiệu lực; trong đó có 14 dự án hỗ trợ kỹ thuật. Hiện nay, 45,9% số vốn đã được giải ngân. Các dự án đang còn hiệu lực chủ yếu là các dự án chuyển tiếp từ các năm trước. Nhật Bản vẫn là nhà tài trợ lớn nhất của ngành công nghiệp.
Theo đánh giá của Bộ Công nghiệp, việc thực hiện các dự án từ nguồn ODA đã có bước thuận lợi hơn, trong đó có công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ giải ngân. Tuy nhiên, còn một vài dự án như điện khí hoá nông thôn I đã hoàn thành 85% khối lượng công việc nhưng mới giải ngân được 65% do việc nghiệm thu công trình bị chậm trễ.
Bộ Công nghiệp đang hoàn tất các thủ tục phê duyệt Hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án Truyền tải điện miền Bắc mở rộng do ADB tài trợ trị giá 500.000USD; đồng thời, chuẩn bị thủ tục đàm phán trình Chính phủ thông qua và tổ chức ký kết Hiệp định tài trợ vốn của Chính phủ Hà Lan cho dự án ORET cáp quang của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) trị giá 16 triệu EUR theo sự uỷ quyền của Chính phủ.
Ngoài ra, Bộ còn tham gia đoàn đàm phán kỹ thuật với Ngân hàng Nhà nước, EVN và đại diện các bộ, ngành liên quan làm việc với Ngân hàng Thế giới về khoản tín dụng trị giá 200 triệu USD cho dự án Truyền tải và Phân phối 2.
Bộ Công nghiệp cũng đang yêu cầu các Tổng Công ty: Điện lực, Dệt May, Than và Khoáng sản chuẩn bị các dự án mới để vận động vốn tài trợ và hoàn thiện hồ sơ các dự án đã được các nhà tài trợ chấp thuận tài trợ trong năm tài khoá 2004 và 2005. Mặt khác, thúc đẩy công tác giải ngân của các dự án đang thực hiện để nâng tỷ lệ giải ngân lên trên 15%.
(Theo TTXVN) |