Cách đây khoảng 2 tháng, miền Bắc trải qua một đợt thiếu điện trầm trọng vì các nhà máy thủy điện không đủ nước để phát điện. Tuy nhiên, hiện nay, thủy điện Hòa Bình lại đang xả đi hàng ngàn mét khối nước. Theo Bộ Công nghiệp, các dòng sông trong cả nước có thể khai thác để sản xuất gấp đôi, gấp ba tổng lượng điện sử dụng trong cả nước như hiện nay. Dù đã nhìn thấy điều này nhưng việc quy hoạch, xây dựng các nhà máy thủy điện hiện vẫn rất chậm.
Cả 16 dự án thủy điện đều bị chậm tiến độ
|
Công trình thủy điện Tuyên Quang với tổng công suất 342MW, đang được khẩn trương xây dựng để phát điện tổ máy 1 vào cuối năm 2006. |
Trong một lần tiếp xúc với phóng viên SGGP, ông Thái Phụng Nê, đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, đưa ra nhận xét: Toàn bộ 16 dự án xây dựng nhà máy thủy điện (có tổng công suất 3.328MW) đều đang gặp các trục trặc làm ảnh hưởng đến tiến độ phát điện.
Năm 2005, chỉ có thêm duy nhất một nhà máy thủy điện có thể phát điện là Sêsan 3 với công suất 260MW - theo kế hoạch, đến tháng 12 năm nay, tổ máy số 1 sẽ phát điện.
Tuy nhiên, thời gian qua, hàng trăm công nhân trên công trường nhà máy này đã phải “ngồi chơi xơi nước”. Đây là dự án thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC, thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán đã được duyệt và bắt đầu thực hiện từ năm 2002 nhưng hợp đồng EPC vẫn chưa được ký kết.
Ông Thái Phụng Nê cho biết, trong năm 2006, dự định chỉ có thêm 3 nhà máy thủy điện hoàn thành, đi vào hoạt động, trong đó có thủy điện Tuyên Quang; Sêsan 3 A; Srok Phu Miêng. Tuy nhiên, dự án Srok Phu Miêng chưa giải quyết xong khâu tái định cư và thiết bị nhập về đang bị chậm.
Tương tự, dự án thủy điện Tuyên Quang (342MW) cũng đang gặp vấn đề về tái định cư, cung cấp thiết bị, tổng dự toán và đàm phán ký hợp đồng EPC. Điều đáng quan ngại là quy hoạch tổng thể di dân tái định cư cho 2.887 hộ ở dự án này vẫn chưa được phê duyệt. Theo ông Nê, vốn dự định dành cho tái định cư của dự án này là 1.290 tỷ đồng, nhưng có khả năng sẽ vượt xa tổng mức ban đầu, lên tới 1.980 tỷ đồng.
Tóm lại, cả 16 dự án thủy điện do đoàn của phái viên Thủ tướng vừa đi kiểm tra về thì hầu hết chỉ mới chỉ bảo đảm được về mặt ngăn sông, chống lũ năm 2005, còn lại đều chậm tiến độ.
80-300 tỷ kWh điện/năm từ nước sông - tại sao không?
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng: Tháng 11 phải ngăn sông Đà, khởi công thủy điện Sơn La
Phó Thủ tướng Thường trực kiêm Trưởng ban Chỉ đạo nhà nước dự án thủy điện Sơn La Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu: Cuối năm 2005, ngăn sông Đà và khởi công công trình chính vào thời gian từ ngày 20 đến ngày 30-11-2005 để đạt mục tiêu phát điện tổ máy số 1 vào năm 2010 (sớm 2 năm so với kế hoạch Quốc hội giao - PV).
Trước đó, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu EVN phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thủy điện, đồng thời giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, cho EVN tiếp tục vay vượt 15% vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại để phát triển nguồn điện. (Nguồn: VPCP) |
Nước là nguồn sản xuất điện có chi phí rẻ hơn hẳn so với các nguyên liệu khác như than, khí, dầu. Theo Bộ Công nghiệp, khả năng thiếu điện trong năm 2006-2007 là khá cao. Trong 20 năm tới, việc bảo đảm đủ điện phục vụ cho nền kinh tế luôn là vấn đề gay gắt, nặng nề.
Thế nhưng có nghịch lý là trong khi nguy cơ thiếu điện lúc nào cũng rình rập như vậy thì tiến độ thi công các công trình thủy điện rất chậm, kể cả công trình thủy điện Sơn La (được coi là công trình thế kỷ).
Chưa kể, EVN lại phải chạy dầu FO, DO phát điện, làm tăng chi phí lần lượt là 430 đồng và 650 đồng/kg hay phải mua điện bên ngoài với giá cao. Rõ ràng, thủy điện vẫn chưa được ưu tiên đúng mức.
Thực tế, nếu nước dòng sông được dùng phát điện thì vừa tăng nguồn điện, vừa thu thêm thuế sử dụng tài nguyên nước cho ngân sách.
Vậy mà hồ Hòa Bình đang xả hơn 1.325m3 nước/giây vì chỉ chứa đến mức nước 95m. Theo ông Đinh Văn Thống, cán bộ Phòng Kế hoạch-Kỹ thuật NM Thủy điện Hòa Bình, từ nay đến tháng 9, thậm chí đến tháng 11, do nước về hồ nhiều nên sẽ liên tục phải xả nước. Theo ông Thống, chỉ khi thủy điện Sơn La đi vào hoạt động, nước sông Đà mới đỡ lãng phí.
Chia sẻ suy nghĩ này, ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng dầu khí (Bộ Công nghiệp) cho biết, ở ta có hàng trăm con sông có thể ngăn dòng để phát triển thủy điện. Theo quy hoạch đến năm 2020, các dòng sông sẽ được khai thác, cung cấp thêm khoảng 55-60 tỷ kWh/năm, lớn hơn tổng sản lượng điện tiêu thụ mỗi năm của cả nước như hiện nay. Theo trữ năng kinh tế, kỹ thuật, các dòng sông ở nước ta có thể cung cấp tới 90 tỷ kWh/năm, thậm chí theo lý thuyết có thể tới 300 tỷ kWh/năm!
Tại sao nước các dòng sông vẫn bị trôi vô ích lớn đến như vậy? “Chúng ta thiếu vốn. Ngay cả mười mấy công trình đang khởi công cũng chưa có phương án thu xếp vốn đầy đủ”, ông Tạ Văn Hường nói. Vì vậy, một mặt Bộ Công nghiệp đang đốc thúc đẩy nhanh thi công các dự án thủy điện đã khởi công, mặt khác đang quy hoạch phát triển điện trên các sông Đà, Mã, Chu, Hồng, Đồng Nai...
Riêng sông Đà, ngoài hai nhà máy thủy điện Hòa Bình và Sơn La, còn có thể xây thêm một số nhà máy thủy điện lớn nữa. “Các sông khác cũng được quy hoạch bậc thang như vậy để sử dụng nguồn nước phát điện hiệu quả hơn”, ông Hường khẳng định.
(Theo SGGP) |