(VietNamNet) - Hôm 31/7, một số doanh nghiệp trong Câu lạc bộ nước chấm thuộc Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cùng với các nhà khoa học, Viện Vệ sinh y tế công cộng đã có buổi bàn bạc tìm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nước tương sạch. Lập lại trật tự sản xuất, kiểm soát tốt và tạo ra sản phẩm sạch để giữ vững thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, là mong muốn của các DN, nhà quản lý, nhà khoa học ở TP.HCM.
Xây dựng nhà máy sản xuất dung dịch thủy phân
|
Ảnh: T.L |
Đó là đề xuất của ông Đỗ Việt Hà, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ thuộc thành Đoàn TP.HCM. Nhà máy hoặc trung tâm sẽ thủy phân nguyên liệu thành dung dịch và cung cấp cho doanh nghiệp.
Như vậy, doanh nghiệp sẽ đỡ tốn vốn đầu tư cho việc thủy phân, không phải xử lý ô nhiễm, và các cơ sở sản xuất nhỏ cũng có điều kiện sử dụng dung dịch sạch, an toàn để sản xuất thành tương, nước chấm. Thuận lợi của cách làm này là sẽ kiểm soát được từ đầu vào đến đầu ra của nguyên liệu, nên sẽ có điều kiện đàm phán để mua nguyên liệu giá rẻ, và tận dụng nguyên liệu trong nước.
Các doanh nghiệp cho rằng đề xuất này hợp lý. Việc cung cấp dung dịch sẽ không phân biệt cơ sở sản xuất nào, thậm chí vận động tất cả các cơ sở tham gia sử dụng, để tạo một nền sản xuất đồng nhất.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng đề nghị các nhà khoa học và xí nghiệp nước chấm Nam Dương - đơn vị đang độc quyền công trình khoa học về công nghệ sản xuất nước tương sạch - hỗ trợ tích cực về chuyên môn kỹ thuật.
Theo ý kiến các doanh nghiệp trong Câu lạc bộ nước chấm, có thể đề xuất UBND TP.HCM hỗ trợ về vốn để đầu tư thêm công nghệ. Ông Hà đề xuất, có thể đề nghị được sử dụng 4 nguồn vốn là: vốn đầu tư cho sản xuất sạch hơn, quỹ hỗ trợ chuyển đổi công nghệ, vốn hỗ trợ hàng nhập khẩu và vốn của chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực của thành phố.
Xây dựng Trung tâm kiểm định ngang tầm quốc tế
Từ trước đến nay, việc xuất đi nước ngoài, sản phẩm nước tương phải qua nhà kiểm định SGS của Thụy Sĩ. Tại buổi làm việc, phóng viên VietNamNet cũng thông tin: Thực ra SGS cũng giao lại cho các nhà thầu phụ, trong đó có các đơn vị của Việt Nam là QUATEST3 và ASE. Theo báo giá của SGS, nếu sản phẩn đưa đi Thái Lan kiểm định có giá trên 200USD, kiểm định ở Pháp khoảng 285 USD. Nếu đưa cho ASE, QUATEST 3 phân tích, giá dao động chưa tới 1 triệu đồng.
|
Nghiên cứu quy trình sản xuất nước tương sạch. Ảnh: T.L |
Như vậy, chính Việt Nam đã thực hiện được kỹ thuật này, tại sao phải qua một đơn vị trung gian, sẽ tốn thêm nhiều chi phí? Vấn đề này được thạc sĩ Đỗ Việt Hà đề xuất: Vì vậy, cần phải có giải pháp nâng tầm các đơn vị kiểm định của Việt Nam để được quốc tế công nhận. Theo đề xuất của ông Hà, có thể liên kết với châu Âu để lập một dự án làm phòng thí nghiệm hoặc trung tâm kiểm định. Châu Âu sẽ hỗ trợ thêm kỹ thuật, và sau đó sẽ công nhận các trung tâm này.
Theo ý kiến của các doanh nghiệp, Viện Vệ sinh y tế công cộng (VSYTCC) được Bộ Y tế giao chức năng kiểm định, Viện nên tập hợp các đơn vị kiểm định khác để thống nhất cùng một phương pháp. Viện sẽ tập hợp, quản lý công tác kiểm định, đồng thời cũng là nơi phân phối, chia sẻ mẫu cho các đơn vị kiểm định khác. Như vậy, công tác kiểm định cũng sẽ đi vào hoạt động chặt chẽ.
Tăng cường kiểm soát sản xuất
Các cơ sở sản xuất nhỏ, thủ công sẽ được Câu lạc bộ, Hiệp hội hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất. Khi có các điều kiện làm tốt về công nghệ, việc kiểm tra, quản lý sản xuất sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn. Những cơ sở không sử dụng nguyên liệu thủy phân của nhà máy mà tự thủy phân, thì sẽ được cơ quan quản lý, ngành chức năng kiểm tra chặt chẽ việc sản xuất, để đạt yêu cầu nước tương đảm bảo an toàn.
Năm trước Viện VSYTCC lấy mẫu ngẫu nhiên của 40 cơ sở sản xuất nước chấm để phẩn tích, kết quả chỉ có 4 mẫu đạt yêu cầu. Các sản phẩm không đạt yêu cầu này vừa có hại cho sức khỏe, lại vừa khiến các nhà sản xuất chân chính bị khó khăn về giá cả. “Không thể chấp nhận nước tương lại rẻ hơn nước lã được” - có ý kiến so sánh và đó là một thực tế.
Một thực tế là sau “sự kiện Chin-su”, tình hình tiêu thụ nước tương trên địa bàn TP.HCM giảm mạnh. Các loại nước tương không bao bì nhãn hiệu đã không được sử dụng. Các doanh nghiệp đều đồng tình với viện trưởng Viện VSYTCC, là sẽ nghiêm khắc hơn với cơ sở không tuân thủ việc sản xuất nước tương sạch, thậm chí, có một cuộc thanh lọc.
Cần thời gian và sự đồng lòng
Ngoài việc đề xuất hỗ trợ vốn, các doanh nghiệp trong Câu lạc bộ nước chấm đã có văn bản phác thảo gửi Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân TP.HCM và Sở Y tế, Sở KH-CN TP.HCM, đề xuất hỗ trợ cơ chế và một số điều kiện khác cho cho chương trình sản xuất sạch này. Trong đó, đề nghị UBND TP.HCM tạo điều kiện thuận lợi cho việc di dời và chuyển giao công nghệ.
Các doanh nghiệp cũng đề nghị, việc chuyển đổi này khó có thể thực hiện trong thời gian ngắn, nên việc kiểm tra 3-MCPD sẽ được thực hiện sau khi các đơn vị sản xuất nước tương đã chuyển đổi công nghệ, quy trình. Các cơ quan chức năng có thể xác định thời gian tối đa để đơn vị sản xuất thực hiện việc chuyển đổi này. Còn trước mắt, việc kiểm tra nếu thực hiện, chỉ nên giới hạn ở mức độ khuyến cáo để đơn vị được kiểm tra phải tích cực trong việc chuyển đổi.
Các doanh nghiệp cũng tự xác định: cuộc chuyển mình này sẽ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Tuy nhiên quyết tâm cao, các doanh nghiệp đã xác định sẽ đồng lòng thực hiện.
|