(VietNamNet) - Kết luận của Đoàn kiểm tra liên ngành về Sở hữu trí tuệ (SHTT) cho thấy, phần lớn các DN lắp ráp xe máy Việt Nam chưa có các kiểu dáng xe của riêng mình, mà đều sử dụng các kiểu dáng xe không được bảo hộ của các công ty Nhật Bản.
|
Hầu hết các DN lắp ráp xe máy Việt Nam đều chưa lo đến thiết kế kiểu dáng cho riêng mình. |
Cụ thể, cả 30/45 DN được kiểm tra có sử dụng kiểu dáng xe mang các nhãn của Công ty Honda (Nhật Bản), trong đó 28 DN sử dụng kiểu dáng xe mang nhãn hiệu Honda Dream II; 9 DN sử dụng kiểu dáng xe mang nhãn hiệu Honda Spacy; 5 DN sử dụng kiểu dáng xe mang nhãn hiệu Honda Win 100; 4 DN sử dụng kiểu dáng xe mang nhãn hiệu Honda @; 1 DN sử dụng kiểu dáng xe Honda Custom 125 của Honda Nhật Bản.
Tổng số nhãn hiệu hàng hoá để gắn lên xe máy của cả 45 DN sản xuất, lắp ráp xe máy trong nước là 238. Do số nhãn hiệu hàng hoá quá nhiều, trong khi có nhiều nhãn hiệu xe lại tương đối giống nhau đã thực sự gây ra những khó khăn cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn, đặc biệt đối với người tiêu dùng ở nông thôn hay không biết ngoại ngữ. Như DENRIM với DREAM, hoặc một số nhãn hiệu được trình bày trên xe tương tự cách thể hiện của nhãn hiệu DREAM, FUTURE đã được bảo hộ của Công ty Honda Nhật Bản. |
Ngoài ra, có 12 DN hiện đang sử dụng kiểu dáng xe Suzuki không được bảo hộ của Công ty Suzuki (Nhật Bản); 9 DN sử dụng các kiểu dáng không được bảo hộ của Công ty Yamaha (Nhật Bản); 2 DN sử dụng các kiểu dáng không được bảo hộ của Công ty Kawasaki; 7 DN sử dụng kiểu dáng được chuyển giao licence từ các Công ty Trung Quốc như Lifan, Loncin...
Không những thế, có tới 19 DN sử dụng nhiều loại kiểu dáng ra đời từ sự lắp ghép các đặc điểm của các kiểu dáng xe đã biết, tạo ra một thị trường xe máy với các kiểu dáng cùng nhãn hiệu đa dạng theo kiểu "đầu Ngô, mình Sở".
Đợt "kiểm tra có báo trước" lần này, do Bộ Công nghiệp chủ trì, đã trực tiếp đến kiểm tra 30/45 DN trong nước lắp ráp xe máy (15 DN còn lại đã ngừng sản xuất, hoặc sản xuất cầm chừng nên chỉ phải gửi báo cáo). Những DN trong đợt kiểm tra này có trụ sở và nhà máy sản xuất, lắp ráp đặt tại các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Hà Tây, TP.HCM, Đà Nẵng và Nghệ An.
Mặc dù trước đó, một số công ty đã bị Cục SHTT, Quản lý thị trường, Thanh tra KHCN nhắc nhở về vi phạm SHTT nhưng đến nay vẫn tiếp diễn, như các công ty: Sufat Việt Nam, XNK tổng hợp và chuyển giao công nghệ (Hà Nội), Lý Hồng King, Lisohaka... với kiểu dáng bị vi phạm chủ yếu là xe Wave.
Một thành viên đoàn kiểm tra cho biết, chính các DN sản xuất, lắp ráp xe máy cũng thừa nhận là ngoài các xe nhập khẩu vi phạm kiểu dáng được bảo hộ, các bộ nhựa tạo thành kiểu dáng của xe mang nhãn hiệu Wave được các công ty mua từ thị trường trong nước. Điều này chứng tỏ, việc quản lý sở hữu công nghiệp vẫn còn thả lỏng đối với các DN sản xuất, kinh doanh linh kiện, phụ tùng xe gắn máy trong nước.
Thành viên này nói rằng, hầu hết các DN lắp ráp xe máy Việt Nam hiện chủ yếu tập trung vốn cho phần cứng (nhà xưởng, trang thiết bị, vật tư... ) vì thế, việc phụ thuộc vào các tài sản SHTT đã có của nước ngoài là điều khó tránh khỏi.
Tính đến nay, đã có một số công ty lắp ráp xe máy Việt Nam thuê thiết kế các kiểu dáng xe mới như Công ty TNHH Sufat, Công ty TNHH T&T... Duy nhất Công ty Thương mại Sản xuất thiết bị GTVT có kiểu dáng xe máy đã được bảo hộ tại Việt Nam. Còn Công ty TNHH xe và máy F.M.C TP.HCM đang thuê nước ngoài thiết kế kiểu dáng xe mới để đăng ký bảo hộ, thử nghiệm, tiến tới đưa vào sản xuất.
|