(VietNamNet) - Nhiều DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam lo ngại rằng, việc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) hỗ trợ Bangladesh tăng kim ngạch xuất khẩu tôm lên gấp 5 lần vào 2010 sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu tôm của Việt Nam.
|
Chế biến tôm xuất khẩu tại Camimex. |
Nguồn tin chính thức của Mỹ cho biết, Bangladesh, USAID và nhiều công ty của Mỹ đang tham gia vào dự án Dấu Chất lượng tôm (SSOQ) do USAID tài trợ nhằm nâng kim ngạch xuất khẩu tôm của nước này lên 1,5 tỷ USD vào năm 2010, gấp 5 lần so với mức 300 triệu USD/năm hiện nay.
Hiện 40% tôm xuất khẩu của Bangladesh được tiêu thụ tại Mỹ và EU, 20% sang Nhật Bản. Cùng với Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ... Bangladesh đang có tên trong danh sách 10 nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, với sản lượng chiếm 3% tổng sản lượng tôm thế giới.
Được triển khai từ năm 2003 với nguồn vốn 3 triệu USD, dự án SSOQ đã cố gắng áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng thống nhất trong ngành tôm Bangladesh. Đây là một yêu cầu tất yếu sau khi EU ban hành lệnh cấm nhập khẩu tôm từ nước này vào năm 1997 do các nhà máy chế biến tôm ở Khulna và Chittagong không tuân thủ quy định của EU về chất lượng.
Chính phủ Bangladesh cũng nhận ra rằng phải áp dụng KHCN hiện đại để tăng sản lượng tôm xuất khẩu.
Ngoài ra, SSOQ sẽ triển khai một chương trình cấp chứng nhận tự nguyện nhằm đảm bảo với các khách hàng quốc tế rằng ngành tôm Bangladesh đáp ứng được các tiêu chuẩn ATVSTP quốc tế, giải quyết được những lo ngại về vấn đề môi trường và tuân thủ luật lao động quốc tế.
Toàn bộ thông tin trên đã được Hệ thống nhà hàng Red Lobster của Mỹ xác nhận bằng tuyên bố đã ký hợp đồng mua lô tôm đầu tiên của dự án SSOQ. Công ty mẹ của Red Lobster - tập đoàn nhà hàng Darden Inc. - hiện đang là nhà nhập khẩu tôm Bangladesh lớn nhất vào Mỹ.
|