Hàng thuỷ sản nhiễm kháng sinh chỉ là cá biệt
11:39' 21/08/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN, ông Lê Dũng, ngày 19/8 cho biết, hiện còn tồn tại những yếu tố khách quan và chủ quan khiến cho đôi khi vẫn phát hiện thấy một số mẫu sản phẩm thuỷ sản có dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép. Đây chỉ là một vài trường hợp cá biệt.

Soạn: AM 522619 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Chất kháng sinh Fluoroquinolone đã bị cấm sử dụng trong NTTS ở Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam: "Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin cho rằng, vài mẫu cá basa nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ có chứa một loại thuốc kháng sinh, thuộc nhóm Fluoroquinolones, mà cho là không được phép có trên thực phẩm?".

Ông Lê Dũng nhấn mạnh, các cơ quan chức năng của Việt Nam cho biết, Việt Nam đã thực hiện việc kiểm soát các chất kháng sinh trong sản xuất và kinh doanh thủy sản tương đương với những quy định của châu Âu, Hoa Kỳ và các thị trường khác như Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc, Thụy Sĩ... Các DN sản xuất, chế biến và xuất khẩu của Việt Nam đã tuân thủ  yêu cầu về chất lượng trong đó có  quy chuẩn về sử dụng chất kháng sinh trong sản phẩm thủy sản. Chất Fluoroqinolones đã nằm trong danh mục cấm sử dụng do các cơ quan chức năng Việt Nam ban hành.

Chính phủ Việt Nam đã chỉ thị các Bộ, ngành có liên quan đến ngành nuôi trồng, chế biến các sản phẩm thủy sản của Việt Nam phải tuân thủ những quy định rất chặt chẽ về việc kiểm soát các chất kháng sinh dùng trong sản xuất và kinh doanh thủy sản không chỉ cho xuất khẩu mà cả cho người tiêu dùng Việt Nam. Quy định này đưa ra cụ thể tại Chỉ thị số 07 ngày 25/2/2002 của Thủ tướng Chính phủ.

Tháng 2/2005, Bộ Thủy sản đã có QĐ 07/2005/QĐ-BTS quy định danh mục 17 loại kháng sinh cấm sử dụng, tương đương với 10 loại bị cấm sử dụng ở châu Âu và 11 loại bị cấm ở Hoa Kỳ; và danh mục 34 loại hạn chế sử dụng, trong đó có Flouroqinolones, tương đương với danh mục các kháng sinh bị hạn chế sử dụng ở châu Âu và Hoa Kỳ. Ngày 18/8, Bộ Thủy sản đã ban hành quyết định số 26/2005/QĐ-BTS công bố danh mục 11 loại kháng sinh thuộc nhóm Fluoroquinolones cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và Bắc Mỹ.

Cục Quản lý Chất lượng và An toàn Vệ sinh Thực phẩm Thú y Thủy sản (NAFIQAVED), Bộ Thủy sản chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát việc sản xuất thuốc, thức ăn cho nuôi trồng, chăm sóc và chữa bệnh cho thủy sản nuôi. Các biện pháp kiểm tra được thực hiện trong toàn bộ quá trình nuôi, mẫu kiểm tra kháng sinh được lấy trước khi thu hoạch và trong quá trình chế biến. Sản phẩm cũng được kiểm soát chặt chẽ trước khi đưa ra thị trường. 

Đối với một số lô hàng bị nghi ngờ nhiễm chất kháng sinh tại 3 bang Lousiana, Missisippi và Alabama thời gian gần đây, ông Lê Dũng cho rằng, cũng có trường hợp là do sai số kỹ thuật giữa các phòng thí nghiệm của Việt Nam và nước ngoài, hoặc do lô hàng đã bao gồm những sản phẩm không đồng nhất.

Đối với những lô hàng bị phát hiện có dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép, các cơ quan chức năng của Việt Nam điều tra từng khâu trong hệ thống liên hoàn từ nơi sản xuất đến nơi chế biến; yêu cầu các DN có liên quan phải có các biện pháp khắc phục cụ thể, và phải thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và của nước nhập khẩu.

Nếu phát hiện trong sản phẩm có kháng sinh bị cấm, các cơ quan chức năng của Việt Nam quyết định đình chỉ sản xuất của DN cho đến khi DN tìm được nguyên nhân và có biện pháp khắc phục một cách hiệu quả. Sản phẩm của DN đó còn tiếp tục bị giám sát chặt chẽ trong thời gian tiếp theo cho đến khi khôi phục được uy tín của mình.

Hoạt động kiểm soát ATVSTP thủy sản của Việt Nam cũng đã được các đoàn thanh tra hàng năm của Ủy ban Liên minh châu Âu (lần gần đây nhất là tháng 5/2005), thanh tra của Cục Thực phẩm, Dược phẩm Hoa Kỳ - FDA (lần gần đây nhất là tháng 7/2005) nhận xét là hoàn toàn tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của thị trường nhập khẩu EU và Hoa Kỳ.

Theo Người phát ngôn Việt Nam Lê Dũng, vì lợi ích của người tiêu dùng cũng như lợi ích của các nhà sản xuất và kinh doanh thủy sản, các cơ quan chức năng Việt Nam đã và sẽ tăng cường hơn nữa việc áp dụng những biện pháp hết sức nghiêm ngặt để phát hiện và ngăn chặn những sản phẩm không đảm bảo quy chuẩn.

  • Hà Yên

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ra mắt Cẩm nang ngành lâm nghiệp (20/08/2005)
Tổng Công ty Chè chuyển sang mô hình Mẹ - Con (19/08/2005)
Bộ Thuỷ sản cấm sử dụng kháng sinh Fluoroquinilones (19/08/2005)
Xăng dầu tăng giá: Chuyển sang ô tô chạy gas (18/08/2005)
Bộ Thuỷ sản đối phó với lệnh cấm của Louisiana (18/08/2005)
Kỷ lục về sáng kiến tiết kiệm trong ngành công nghiệp (17/08/2005)
TP.HCM thuê chuyên gia Nhật Bản vạch chiến lược cho ngành ôtô (17/08/2005)
Louisiana ngưng bán thủy sản nhập khẩu từ VN (17/08/2005)
Thủy sản VN có nguy cơ bị cấm nhập vào Lousiana (17/08/2005)
Mỹ hỗ trợ tôm Bangladesh, đe doạ xuất khẩu tôm VN! (16/08/2005)
Đổ xô vào sản xuất xe máy! (16/08/2005)
DN nước chấm kiến nghị lùi thời hạn công bố tiêu chuẩn (15/08/2005)
Xe máy Việt Nam "đầu Ngô, mình Sở" (13/08/2005)
Công nghiệp TP.HCM chững lại (13/08/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang