Doanh nghiệp “thắt lưng buộc bụng”
09:08' 27/08/2005 (GMT+7)

Giá xăng dầu thế giới và trong nước liên tục tăng cao đã khiến khoản lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp (DN) đang “teo tóp” lại. Giới DN đứng ngồi không yên khi áp lực về giá ngày một đè nặng.

Tìm một giải pháp thích hợp để “sống chung” với mặt bằng giá cao như hiện nay là điều thật không dễ.

“Gồng mình” giữ giá

Soạn: AM -46582 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Xăng dầu tăng giá DN "thắt lưng buộc bụng".

Ông Võ Văn Đức Bảy - phó giám đốc phụ trách sản xuất Công ty Nhựa Chợ Lớn - không giấu được vẻ căng thẳng: “Đầu tôi lúc nào cũng căng ra như dây đàn để tìm cách giải bài toán giá tăng”. Đây không phải là lần đầu tiên giá nhiên liệu lẫn nguyên liệu được điều chỉnh tăng, nhưng với ông Bảy, “chưa bao giờ tôi thật sự thấy khó khăn như lúc này”. Nguyên liệu nhựa PP đã tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đợt điều chỉnh giá bán của công ty ông cách đây hơn hai tháng tối đa cũng chỉ tăng được 10%.

Là DN có công nghệ sản xuất thép hoàn thiện với dàn máy móc thiết bị “xịn” nhưng ông Lê Đăng Phong - phó tổng giám đốc Công ty Thép Vina Kyoei - cũng phải thừa nhận: “Bản thân công ty phải nát óc tìm các giải pháp để cố làm sao vượt qua thời điểm giá cả tăng vọt như hiện nay”.

Công ty Nhựa Chợ Lớn chọn giải pháp đẩy mạnh đầu tư chuyển hẳn sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao trong bối cảnh mọi thứ đều “leo thang”, quyết định này được xem là rất “bạo phổi”.  “Chúng tôi biết mình sẽ phải nặng vốn đầu tư cho thời điểm hiện tại, nhưng xu hướng tất yếu rồi cũng phải thế mà thôi”, ông Võ Văn Đức Bảy nói. Chuyển máy sang chạy ca đêm nhiều hơn để tiết kiệm tiền điện, kiểm tra thật gắt gao nguyên liệu trữ trong kho và yêu cầu việc pha chế nguyên liệu không để xảy ra sơ suất, ông Bảy tin rằng “rồi chúng tôi sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này”.

Giá phôi thép, chiếm đến 90% giá thành sản xuất, cũng đang nhấp nhổm tăng lên 360-370 USD/tấn sau hai tháng “bình yên” ở mức 340-350 USD/tấn làm ông Phong nhức đầu. Theo tính toán của ông Phong, với lần điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua, mỗi tháng công ty phải bù thêm trên 400 triệu đồng tiền dầu trong khi “cung đang vượt cầu, thị trường tiêu thụ lại ảm đạm”.

Với ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu gần như không tránh khỏi vì sử dụng nhiều nguyên liệu vật tư có gốc từ dầu, chẳng hạn như sơn hiện chiếm 12-15% tổng chi phí giá thành, các loại nguyên liệu khác như keo cũng chiếm

2-3%, chi phí vận chuyển 1-1,5%... “Nếu tính thêm giá dầu tăng tối thiểu 30% từ đầu năm đến nay, giá thành phải tăng ít nhất 9%. Nhưng DN chúng tôi vẫn đang cố gồng mình giữ giá vì cạnh tranh quá căng thẳng với hàng Trung Quốc”, ông Nguyễn Hoàng Vũ - phó tổng giám đốc Công ty Savimex - nói.

Ông Hoàng Văn Thiện, phó phòng thương mại sản xuất Công ty Dây và cáp điện VN (Cadivi), cũng chới với khi so với cùng kỳ năm ngoái giá nguyên liệu đồng đã tăng 40%, nhôm 20%, PVC 20%, xăng dầu 20%. “Tăng kiểu này dù có “cứng” đến đâu cũng chỉ chịu được đến một mức nào đó thôi chứ không chắc có thể chịu đựng mãi”, ông Thiện nói. Nhưng hiện tại Cadivi vẫn chưa tăng giá vì sức vẫn còn “gồng” được.

“Siết” tối đa

Với khoản tiền không nhỏ bù thêm cho giá dầu, ông Phong yêu cầu bộ phận kỹ thuật của Vina Kyoei bằng mọi cách phải “siết” lại hàng loạt các chi phí trong giá thành như điện, dầu, khâu cán. Với Savimex, ban giám đốc đã “dí” bộ phận chuyên trách vật tư “vắt giò lên cổ” tìm ra các giải pháp gỡ khó: tìm nguồn nguyên liệu vật tư nhập ngoại thay thế có giá rẻ hơn, tập trung hướng nhập nguyên liệu từ các nước trong khu vực ASEAN để vận chuyển gần hơn, phí cũng giảm xuống lại ít bị biến động tỉ giá... “Nhưng tất cả những thay đổi phải đảm bảo chất lượng của sản phẩm”, ông Vũ khẳng định.

Cadivi cũng đau đầu để tìm một giải pháp thích hợp, dù mỗi đợt biến động giá đều có phương án giải quyết thích ứng với từng trường hợp cụ thể. Cử hẳn một bộ phận chuyên theo dõi diễn biến tình hình thế giới để chốt được giá tốt trong các giao dịch đàm phán giá là một trong những cách mà Cadivi đang áp dụng khá thành công.

Đây cũng là lý do giúp Cadivi có thể “gánh” giá cũ thêm một thời gian nữa vì nguồn nguyên liệu mua với giá tốt vẫn còn đủ để sản xuất. “Lúc trước một công nhân chỉ đứng vận hành hai máy, nay chúng tôi huấn luyện để có thể đứng bốn máy, tất cả đều phải dốc sức đi qua thời thắt lưng buộc bụng này”, ông Thiện cho hay.

(Theo Tuổi Trẻ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Phát hiện một giếng dầu mới ngoài khơi Việt Nam (26/08/2005)
Không có chuyện cấm cá basa VN trên toàn nước Mỹ! (25/08/2005)
È cổ lo trả nợ cho các nhà máy đường (25/08/2005)
Doanh nghiệp phê phán cả Bộ Thuỷ sản lẫn phía Mỹ (25/08/2005)
Việt Nam sẽ còn thiếu đường trầm trọng (24/08/2005)
Bàn cách giải quyết 300.000 điện kế điện tử (24/08/2005)
Dời cảng Nhà Rồng khỏi TP.HCM trước 2010 (24/08/2005)
VASEP cho rằng thủy sản VN bị đối xử bất công (24/08/2005)
Dệt may Đài Loan chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam (24/08/2005)
Sẽ có tập đoàn đa sở hữu về dệt may (23/08/2005)
Mặt bằng cho DN nhỏ và vừa: cần 10 mới có 1 (23/08/2005)
Cá basa Việt Nam có nguy cơ bị cấm trên toàn nước Mỹ (22/08/2005)
Hàng thuỷ sản nhiễm kháng sinh chỉ là cá biệt (21/08/2005)
Ra mắt Cẩm nang ngành lâm nghiệp (20/08/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang