(VietNamNet) - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Lê Văn Tam kiến nghị, trong định hướng phát triển ngành mía đường đến 2010 và tầm nhìn 2020, Chính phủ và Bộ NN-PTNT nên từng bước loại bỏ các nhà máy đường có công suất nhỏ, dưới 3.000 tấn mía/ngày.
|
Sản xuất đường tại Công ty CP Mía đường Lam Sơn. |
Ông Lê Văn Tam nhận định, trong bối cảnh hiện tại và thời gian qua, với quy mô nhỏ, công suất dưới 3.000 tấn mía/ngày, các nhà máy còn tồn tại được. Nhưng đến khi hội nhập hoàn toàn, số phận các nhà máy này sẽ bị định đoạt vì khó có thể cạnh tranh nổi.
Theo ông Tam, ngành mía đường đang đứng trước thách thức gay gắt, bởi tuy có nhiều nhà máy đường, song, lại rất ít nhà máy có tầm cỡ đáng kể, đủ năng lực để cạnh tranh. Hiện tại, cả nước còn 37 nhà máy đường, với tổng công suất 75.810 tấn mía/ngày. Trong đó, có 6 nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài với công suất bình quân 4.500 tấn, số còn lại 31 DN trong nước chỉ đạt bình quân 1.570 tấn. Phần lớn các nhà máy này quy mô nhỏ, có khi chỉ đạt 700-1.000 tấn mía/ngày. Thiết bị và công nghệ nhập từ Trung Quốc; năng suất, hiệu quả thấp, giá thành cao.
Ông Chử Văn Lâm, Viện Kinh tế Việt Nam, cũng tỏ ra lo lắng cho số phận 20 DN nhà máy đường trong nước có công suất nhỏ hơn 1.500 tấn mía/ngày, chiếm tới 54% tổng công suất các nhà máy đường hiện nay. "Điều này chứng tỏ mức độ lạc hậu của ngành mía đường nước ta", ông Lâm nói.
Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Nông nghiệp, hiệu quả sản xuất đường từ mía có thể được tính theo các tiêu chí sau: quy mô nhà máy, hiệu suất thu hồi đường, tỷ lệ tiêu hao mía/đường, tỷ lệ tận dụng công suất và yếu tố quyết định là giá thành sản xuất.
Trong đó, quy mô của các nhà máy là chỉ số quan trọng về chi phí chế biến đường, bởi vì trong ngành mía đường trên toàn thế giới, tính kinh tế của quy mô nhà máy đường là rất đáng kể. Thông thường, những nước sản xuất đường lớn trên thế giới có quy mô nhà máy bình quân ở mức 7.000 tấn mía/ngày. Thậm chí, ở Australia hay Brazil, Thái Lan, quy mô nhà máy là trên 12.000 tấn. Trong khi đó, bình quân các nhà máy đường của Việt Nam có quy 1.900 tấn mía/ngày, mặc dù có 6 nhà máy bình quân trên 6.000 tấn.
Theo các chuyên gia, với quy mô như vậy, chi phí sản xuất đường của Việt Nam sẽ luôn cao hơn nhiều so với các nước, ít nhất là 50%. Đơn cử, trong khi giá thành sản xuất của Thái Lan chỉ vào 205 USD/tấn, thì ở Việt Nam là 337 USD/tấn.
Thậm chí, ông Philippe Lombard, Tổng giám đốc Công ty TNHH Mía đường Bourbon Tây Ninh, dẫn chứng, một số nước châu Âu đã đóng cửa các nhà máy đường kém hiệu quả và chỉ tập trung sản xuất cho các nhà máy lớn. Hiện EU chỉ tồn tại những nhà máy củ cải đường có công suất trên 10.000 tấn/ngày, công suất trung bình khoảng 15.000 tấn.
Ông Lombard lý giải, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, mức độ bảo hộ của Chính phủ giảm đáng kể (gần như bằng 0 khi Việt Nam cắt giảm thuế nhập khẩu đường theo lộ trình AFTA), chắc chắn một số nhà máy bị đóng cửa và chỉ có những nhà máy quy mô lớn, nằm ở vùng nguyên liệu cho năng suất đường cao mới có thể tồn tại. Quy trình sắp xếp các nhà máy sẽ chấm dứt khi Việt Nam chỉ còn những nhà máy giá thành thấp, vùng nguyên liệu tốt.
Ông lấy ví dụ, ngay tại Bourbon Tây Ninh, khi xây dựng, nhà máy đã được thiết kế để có thể gấp đôi công suất vào năm 2000. Nhưng đến nay, Bourbon Tây Ninh đang phải vật lộn để đạt được 8.000 tấn mía/ngày. Chính vì vậy, dự án nâng gấp đôi công suất đã bị ngưng trệ hết năm này qua năm khác. Công suất của các nhà máy đường Việt Nam cũng vậy, lớn hơn nhiều so với sản lượng thực tế. Mặc dù vậy, các giấy phép đồng ý cho nâng công suất của nhà máy đường vẫn được cấp.
"Trong tình hình hiện nay, rõ ràng chúng ta không cần có quá nhiều n12hà máy để sản xuất đường, mà cần nhất là phải có đủ mía để sản xuất", ông Lombard nói.
|