Bò sữa: nuôi càng lắm, lỗ càng nhiều
18:36' 29/08/2005 (GMT+7)

Được mệnh danh là con “xóa nghèo, làm giàu”, chỉ sau gần 5 năm (2000-2005) tổng đàn bò sữa của huyện Củ Chi lên đến 19.000 con (chiếm gần 50% tổng đàn bò của thành phố), giúp xóa nghèo, tạo việc làm cho hàng ngàn hộ nông dân. Thế nhưng, gần đây, người chăn nuôi bò sữa tại huyện Củ Chi rơi vào cảnh… thua lỗ vì giá thức ăn tăng nhanh còn giá thu mua sữa thì tăng không đáng kể. Làm gì để đưa người nông dân thoát khỏi khó khăn này?

Nuôi nhiều lỗ nhiều…

Soạn: AM 531308 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Anh Huỳnh Hiệp Sĩ đã cầm cự giữ lại đàn bò hơn 5 tháng nay.

Là xã ít có điều kiện phát triển bò sữa nhưng nay Tân Thông Hội đã có 461 hộ nuôi 1.255 con bò sữa. Nhưng niềm vui không lâu vì từ giữa năm 2004 đến nay, người nuôi bò sữa bị lỗ nặng. “Đã có hơn chục hộ phải bán bò sữa chuyển sang nuôi bò thịt”, ông Trần Văn Thiền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết.

Còn anh Huỳnh Văn Nhẩm, chủ một trại bò sữa, nói giọng buồn buồn: “Tôi có14 con bò nhưng phải kêu bán 3 con vì không kham nổi. Từ năm 2001 đến nay giá thức ăn cho bò sữa liên tục tăng. Nuôi nhiều lỗ nhiều…”.

Cụ thể, cám Con Cò bao 25 kg giá 45 ngàn đồng tăng lên 50 ngàn, nay là 68 ngàn; xác sắn bao 20kg từ 5 ngàn đồng tăng lên 11 ngàn đồng, có lúc đến 14 ngàn; riêng hèm bia giá không tăng nhưng bị pha nhiều nước hơn. Trong khi đó, suốt 4 năm liền giá thu mua sữa chỉ ở mức 3.200 đồng/lít cho đến tháng 9-2004 mới tăng lên 3.500 đồng/lít.

Ở xã Tân Thạnh Đông - nơi có đàn bò sữa lớn nhất huyện - người dân cũng xôn xao chuyện bán bò. Anh Huỳnh Hiệp Sĩ, ở ấp 3E xã Tân Thạnh Đông, nói: “Nhà tôi nuôi 38 con bò sữa, cầm cự đến giờ nhờ làm đại lý bán cám. Nhưng giờ chỉ đủ chăm chút cho 8 con đang vắt sữa, còn 30 con còn lại chỉ nuôi… cầm xác”.

Để duy trì đàn bò, hàng ngày vợ anh phải lên Bình Dương mua cỏ. Anh Ngô Văn La- cạnh nhà anh Sĩ, nói: “Dạo trước, gia đình tôi vừa vay ngân hàng, vừa mượn thêm bà con được 41 triệu mua 3 con bò. Nhưng nay cầm cự không nổi, kêu người bán bò thì họ trả giá thấp hơn lúc mua”. Anh Nguyễn Văn Dũng, cán bộ xã Tân Thạnh Đông cho biết, toàn xã có đến 6.642 con bò sữa với 1.292 hộ chăn nuôi, “nay nhiều gia đình phải bán bò vì nuôi không có lời, có người rơi vào cảnh trắng tay vì bò sữa”.

Đi tìm lời giải

Làm gì để giúp người nuôi bò thoát khó? Ông Đoàn Thanh Vân, Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Đông, tâm sự : Chúng tôi chỉ biết xuống từng hộ để vận động họ trồng thêm cỏ, cố gắng cầm cự cho qua đợt khó khăn này”. Ông Vân phân tích, sau 5-6 năm, giá sữa luôn ở mức 3.200đồng/kg.

Đến tháng 9-2004, giá mua sữa có tăng, cụ thể giá mua của Công ty Vinamilk là 3.500đồng/kg; Công ty Visomilk là 3.600đồng/kg. Theo tính toán, khi người nuôi bò bán 1 kg sữa, mua được 2 kg cám thì đủ hoà vốn. Muốn có lời thì bán 1 kg sữa phải mua được 3kg cám. Thế nhưng, hiện nay người nuôi bán 1 kg sữa (3.500 đồng) chỉ mua được hơn 1kg cám (2.500 đồng), xem như lỗ nặng.

Được biết, vào tháng 6-2005, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM đã đề nghị các đơn vị mua sữa tăng giá mua thêm 500 đồng/ lít nhưng không được chấp nhận. Điều này đã khiến người dân nuôi bò càng khó khăn hơn. Truớc mắt, để giúp dân, huyện Củ Chi đã chủ động dành 3.000ha đất để trồng cỏ, thực hiện bình tuyển, gieo tinh bò sữa cao sản nhằm thải loại những con bò cho năng suất thấp, tạo đàn bò có năng suất sữa cao để giảm giá, tăng hiệu quả kinh tế. Huyện cũng yêu cầu Công ty Bia Sài Gòn, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn nhanh chóng thực hiện xây dựng nhà máy bia, thức ăn gia súc trên địa bàn để chủ động nguồn thức ăn cho bò sữa.

Ông Lê Minh Tấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, con bò sữa đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Điều ý nghĩa hơn, nhờ đàn bò sữa mà số hộ nghèo trong huyện từ 25% đã giảm xuống còn 3% (theo chuẩn mới 6 triệu đồng/ năm). “Nhưng giờ thì cán bộ huyện cũng như người dân đang ngồi trên lửa vì giá cám tăng chưa có điểm dừng. Nguy cơ tái nghèo rất dễ xảy ra nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của thành phố”, ông Tấn nói. 

(Theo SGGP)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Những nhà máy đường công suất nhỏ có thể bị xoá sổ (29/08/2005)
Đi thăm đà điểu - “VIP” trong ngành chăn nuôi (28/08/2005)
Những tỉ phú trẻ chân đất (27/08/2005)
Doanh nghiệp “thắt lưng buộc bụng” (27/08/2005)
Phát hiện một giếng dầu mới ngoài khơi Việt Nam (26/08/2005)
Không có chuyện cấm cá basa VN trên toàn nước Mỹ! (25/08/2005)
È cổ lo trả nợ cho các nhà máy đường (25/08/2005)
Doanh nghiệp phê phán cả Bộ Thuỷ sản lẫn phía Mỹ (25/08/2005)
Việt Nam sẽ còn thiếu đường trầm trọng (24/08/2005)
Bàn cách giải quyết 300.000 điện kế điện tử (24/08/2005)
Dời cảng Nhà Rồng khỏi TP.HCM trước 2010 (24/08/2005)
VASEP cho rằng thủy sản VN bị đối xử bất công (24/08/2005)
Dệt may Đài Loan chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam (24/08/2005)
Sẽ có tập đoàn đa sở hữu về dệt may (23/08/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang