(VietNamNet) - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng khẳng định tại Hội thảo về Nghiên cứu và phát triển lúa lai ở Việt Nam, do Bộ NN-PTNT tổ chức hôm qua (29/8), rằng, sẽ không còn chương trình 1 triệu ha lúa lai nữa, mà ngành phải tiếp tục đầu tư, nghiên cứu kỹ hơn về giống lúa này.
|
Hiện phần lớn giống lúa lai phụ thuộc vào Trung Quốc. |
Nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông Khuyến lâm (Bộ NN-PTNT) Quách Ngọc Ân, nói rằng, phải điều chỉnh lại mục tiêu phát triển lúa lai, không nên phát triển thái quá. Ông Ân nhận xét, từ nay đến năm 2010, chỉ nên trồng 700.000-800.000ha lúa lai là đủ, nhất là trong điều kiện nước ta chưa chủ động được về giống lúa. Hiện 80% giống lúa lai Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc.
Còn PGS.TS Nguyễn Trí Hoàn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lúa lai, cho biết, hiện trung tâm đã tạo ra 3 giống lúa chất lượng cao, song, thực tế chất lượng vẫn thuộc vào loại thấp so với lúa thuần, chỉ cao hơn khoảng 9-10%. Nhiều nhà khoa học còn cho rằng, sản xuất lúa lai đắt gấp 5 lần lúa thuần.
Theo Viện Kinh tế Nông nghiệp cho biết, khi phỏng vấn các hộ dân ở hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, đa số bà con đều cho rằng, mặc dù lúa lai cho năng suất cao hơn lúa thuần, mang lại thu nhập khá, song giá giống lại quá cao. Đó là chưa kể chất lượng giống không ổn định, có nhiều giống giả, giống kém chất lượng. Không những thế, chất lượng gạo sản xuất từ các giống lúa lai thấp hơn so với lúa thuần và chúng chủ yếu được sử dụng cho chăn nuôi hoặc chế biến nông sản.
Theo Cục Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), sau 13 năm phát triển, đến năm 2003, diện tích lúa lai ở Việt Nam đã đạt 600.000ha, với năng suất bình quân 6,3 tấn/ha, sản lượng đạt 3,75 triệu tấn thóc.
|