|
Hàng nghìn tàu cá phải nằm bờ, không thể ra khơi do giá xăng dầu cao. |
Tại cuộc họp với một số lãnh đạo Sở Thủy sản hôm 31/8, Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng cho biết, 3 lần xăng dầu tăng giá đã làm đội chi phí đánh bắt xa bờ lên 25-30%. Vì vậy, hàng loạt các tàu đánh bắt xa bờ đang phải "nằm bờ".
Đơn cử như tại Kiên Giang, thống kê từ Bộ Thủy sản cho thấy, đây là tỉnh có đội tàu đánh bắt khai thác thủy sản dẫn đầu cả nước, với 7.390 chiếc tàu thuyền các loại. Trong đó riêng đội tàu đánh bắt xa bờ (công suất 250-450CV) có 2.053 chiếc, chiếm 79% công suất đội tàu. Với số tàu này, mỗi chuyến ra khơi phải bù lỗ thêm tiền dầu 10 triệu đồng/chiếc thì riêng đội tàu xa bờ của ngư dân Kiên Giang giảm thu nhập trên 2 tỷ đồng và cả đội tàu của tỉnh sẽ phải “gồng” thêm chi phí do xăng dầu tăng giá là trên 70 tỷ đồng.
Theo tính toán của ngư dân, bình quân mỗi chuyến đi biển kéo dài 30 ngày (loại tàu câu mực), công suất cỡ 60CV (mã lực) phải tiêu tốn khoảng 8-10.000 lít dầu diesel. Trong khi đó, giá dầu đã lên tới diesel đã lên tới 7.500 đồng/lít.
Bà Rịa - Vũng Tàu có 5.000 chiếc tàu có thể ra khơi. Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh này còn lo lắng, xăng dầu tăng giá không những làm tàu ngừng buông neo, mà ít nhất, có 9.000 lao động "ăn theo", 40.000 công nhân trong 204 nhà máy chế biến cũng thất nghiệp. Hiện đang là thời điểm vào vụ trong khai thác, nên việc tàu không ra khơi được khiến các nhà máy thiếu nguyên liệu chế biến. Đó là chưa kể, tàu cũng không còn chỗ mà "nằm". Bởi hiện nay, chỉ có tàu 300 CV mới vào được cảng Cát Lở, còn năng lực các cảng cá tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chỉ đủ chỗ cho 2.000 tàu trú ngụ.
Giám đốc Sở Thủy sản Đà Nẵng, ông Trần Văn Huy, còn than thở, chi phí cho đánh bắt xa bờ thì leo thang, trong khi tốc độ tăng giá thủy sản lại quá chậm, khiến bà con thua lỗ.
"Tàu càng cũ, đi càng tốn nhiên liệu", ông Võ Châu, Giám đốc Sở Thủy sản Phú Yên, nói. Nhất là ở Việt Nam, bà con ngư dân nghèo chủ yếu sống vào nghề lưới kéo, nghề mà chi phí nhiên liệu chiếm tới 59%. Nghề khai thác cũng đang tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
Toàn ngành thủy sản hiện có hơn 80.000 tàu thuyền máy, với tổng công suất trên 4 triệu CV và tiêu hao khoảng 1,3 triệu tấn dầu mỗi năm. Trong đó, nhiên liệu chiếm tới 44% chi phí giá thành khai thác và 10% giá thành nuôi trồng.
"Việc các tàu "nằm bờ" như vậy sẽ kéo theo ảnh hưởng không mong muốn đến tình hình kinh tế - xã hội nói chung, khi ngư dân chỉ "ăn không ngồi rồi". Rồi tài nguyên, an ninh trên biển sẽ ra sao khi ngư trường vắng bóng ngư dân", Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng nói.
Do vậy, Thứ trưởng Thắng cho biết, Bộ Thủy sản sẽ sớm kiến nghị các giải pháp lên Chính phủ để hỗ trợ giảm chi phi đầu vào cho ngư dân, như giảm thuế VAT ít nhất trong vòng 5 năm. Hiện nay, với một tàu 90CV, ngư dân phải đóng cho Nhà nước khoảng 12 triệu đồng/năm, tàu càng lớn tiền thuế càng nhiều. Đồng thời, Chính phủ nên xem xét cho các tàu xa bờ được vay vốn ưu đãi để tiếp tục ra khơi.
Ông Nguyễn Văn Châu, Cục trưởng Cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản (Bộ Thủy sản) cho rằng, các tàu phải khai thác dài ngày, bám biển lâu hơn nhằm giảm chi phí đi lại. Viện Nghiên cứu Hải sản cần đẩy mạnh áp dụng KHCN và thu thập thông tin từ ngư dân, thông báo những ngư trường tiềm năng để bà con tập trung đánh bắt. Việc tàu thuyền ra khơi cũng nên đi thành đội, hoặc có tàu con thoi đi lại làm dịch vụ hậu cầu với đất liền nhằm giảm thiểu tối đa chi phí.
Bên cạnh đó, nên tận dụng các đảo gần ngư trường để cung cấp dịch vụ hậu cần. Các chợ cá, cảng cá phải được củng cố và xây dựng để khâu hậu cần dịch vụ được triển khai một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất cho bà con ngư dân, nhất là về thủ tục hành chính.