Mỹ chi 4 tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu tôm
10:27' 05/09/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Theo Trung tâm Thông tin (Bộ Thủy sản), tôm là mặt hàng thủy sản được dân chúng Mỹ ưa thích nhất và tiêu thụ với khối lượng rất lớn. Mỗi năm, nước này nhập gần 4 tỷ USD, là nước đứng đầu thế giới về tiêu thụ tôm.

Soạn: AM 536756 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Thị phần thuỷ sản VN tại Mỹ chiếm 7%.

Trong hầu hết các ngành công nghiệp mũi nhọn, Mỹ luôn là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Ngành nông nghiệp của Mỹ cũng rất phát triển. Hàng năm, Chính phủ Mỹ dành trên 10 tỷ USD tài trợ cho phát triển nông nghiệp. Chính vì vậy, tất cả các ngành nông nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đến chế biến nông sản đều rất phát triển. Xuất khẩu nông sản của Mỹ năm 2000 đạt 46 tỷ USD, đứng đầu thế giới về xuất khẩu lúa mỳ, ngô, thịt các loại, đậu tương...

88% phải nhập khẩu

Song, nước này đồng thời cũng là nhà nhập khẩu số một. Đây là cường quốc thứ 2 thế giới về nhập khẩu thủy sản, chỉ sau Nhật Bản, với giá trị nhập khẩu lên đến 10 tỷ USD/năm (năm 2000). Người dân Mỹ đang sử dụng xấp xỉ 8% tổng sản lượng thủy sản của thế giới.

Thủy sản nhập khẩu bao gồm các mặt hàng tươi sống, đông lạnh và thực phẩm chế biến. Tôm là mặt hàng thủy sản được dân chúng Mỹ ưa thích nhất và tiêu thụ với khối lượng rất lớn. Riêng các sản phẩm tôm, mỗi năm Mỹ nhập khẩu gần 4 tỷ USD, chiếm khoảng 88% lượng tôm tiêu thụ tại Mỹ và 37% giá trị nhập khẩu thủy sản. Tôm trở thành mặt hàng thủy sản được tiêu thụ hàng đầu (tổng sản lượng tôm tiêu thụ tại Mỹ năm 2001 là 1,4 tỷ pound).

Tổng sản lượng tôm nuôi và tôm khai thác tự nhiên của Mỹ chỉ cung cấp được 12% nhu cầu. Ngành tôm nội địa của Mỹ chủ yếu dựa vào khai thác nguồn lợi tôm tự nhiên từ khu vực vùng Vịnh Mexico (tôm nước lạnh) và sản xuất tôm nuôi của Mỹ chỉ đáp ứng được dưới 2% tổng nhu cầu ở Mỹ.

Từ năm 1997, Mỹ đã vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường nhập khẩu và tiêu thụ tôm đông lạnh lớn nhất thế giới, đặc biệt từ châu Á. Trong mấy năm gần đây, xuất khẩu tôm đông lạnh của các nước châu Á vào Mỹ tăng mạnh. Vụ kiện chống bán phá giá do Liên minh Tôm Miền Nam (SSA) khởi xướng cuối năm 2003 chính là nhằm chống lại làn sóng tôm nhập khẩu giá rẻ, tập trung vào Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Brazil và Ecuador. Song, dù gặp khó khăn do vụ kiện, lượng tôm đông lạnh xuất khẩu vào Mỹ vẫn tăng mạnh. 2004 là năm kỷ lục về khối lượng tôm nhập khẩu vào Mỹ với 517.620 tấn. Sở dĩ tăng đột biến này là do bù đắp lại của lượng thiếu hụt do lo sợ bị đánh thuế chống bán phá giá.

Trong số các loại tôm bán vào Mỹ, tôm vỏ đông lạnh được nhập nhiều nhất (chiếm khoảng 45%), tiếp đến là tôm bóc vỏ (30%), tôm đông lạnh chế biến (15%), tôm tẩm bột đông lạnh (8%). Xét về kích cỡ, trong nhóm hàng tôm còn vỏ đông lạnh, các cỡ tôm đang được nhập khẩu nhiều nhất vẫn là cỡ 31/40, 41/50, 51/60 và Un/15.

6 tháng cuối năm, Mỹ còn nhập nhiều tôm

Soạn: AM 536758 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Giá tôm tại Mỹ từ năm 2001.

Thống kê từ Trung tâm Thông tin Thủy sản cho thấy, thị trường tôm Mỹ đầu năm 2005 thể hiện xu thế giảm sút rõ rệt so với cùng kỳ năm trước và có những biến động bất thường sau khi thuế chống bán phá giá tôm được áp dụng với 6 nước. Nhập khẩu tôm vào Mỹ trong tháng 5 tiếp tục giảm so với các tháng trước đó, tuy nhiên trong tháng 6 đã tăng trở lại (đạt 35.700 tấn, tăng 27%) và tính cả 6 tháng đầu năm nay, lượng tôm nhập vào Mỹ giảm 9,2% so với cùng kỳ (206.540 tấn)

Đặc biệt là sự sụt giảm của lượng tôm sú vỏ nhập khẩu, tới 42%; tôm chín giảm 28% so với cùng kỳ. Song, các DN chế biến thủy sản cần lưu ý là tôm bao bột đang tràn vào Mỹ do không phải chịu thuế, với mức tăng phi mã 202%, chủ yếu từ Trung Quốc.

Ở các nước bị áp thuế chống bán phá giá, lượng tôm xuất khẩu đều giảm sút: Thái Lan giảm 5,4%, Trung Quốc 41%, Việt Nam giảm 29%, Brazin giảm 64%, Ấn Độ giảm 28%... Song, các nước khác tranh thủ thời cơ đưa tôm vào Mỹ; Ecuador tăng 22% vươn lên vị trí thứ hai trong số các nước xuất khẩu tôm vào Mỹ; Indonesia tăng 43%, xếp thứ ba. Bên cạnh đó một số nước khác cũng tăng lượng tôm xuất khẩu vào Mỹ như Campuchia (tăng 208%), Malaysia (tăng 111%), Philippines (tăng 45%).

Song, theo nhận định của các chuyên gia, không có gì là lo lắng vì thời gian tới, nhu cầu của thị trường Mỹ đối với mặt hàng tôm sẽ vẫn cao. Mặt khác, nguồn tôm dự trữ ở Mỹ hiện đang vơi dần, nhất là khi các bang chủ lực cung cấp thủy sản nội địa (Louisiana, Mississippi, Alabama và Florida) đang chịu sự tàn phá nghiêm trọng bởi
cơn bão Katrina, trong khi nguồn dữ trữ ở các nước lại đang rất dồi dào.

  • H.Phương

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Giá ôtô không thể giảm trước 2008 (05/09/2005)
Doanh nghiệp Việt Nam "tấn công" các khu công nghiệp (04/09/2005)
Thái Hòa - KCN có nhiều chế độ ưu đãi đặc biệt (03/09/2005)
Thị trường Mỹ vẫy gọi cá rô phi Việt Nam (03/09/2005)
DN Mỹ muốn xây dựng hạ tầng cơ sở tại Việt Nam (02/09/2005)
Bỏ lúa lai để trồng... cỏ! (02/09/2005)
Kiến nghị giảm thuế VAT cho đánh bắt xa bờ (01/09/2005)
Bộ Thủy sản giải quyết vấn đề cá basa xuất khẩu (31/08/2005)
Lẹt đẹt ngành công nghiệp phụ trợ (31/08/2005)
Xuất khẩu thuỷ sản tăng gần 10%/năm (31/08/2005)
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,2% (30/08/2005)
Xoá sổ chương trình 1 triệu ha lúa lai (30/08/2005)
Bò sữa: nuôi càng lắm, lỗ càng nhiều (29/08/2005)
Những nhà máy đường công suất nhỏ có thể bị xoá sổ (29/08/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang