Một kiểu thi công bên bờ phá sản
10:18' 07/09/2005 (GMT+7)

Từ nhiều năm trước đã có nhiều tổng công ty thuộc Bộ Giao thông vận tải không có khả năng về tài chính vẫn tham gia đầu tư xây dựng các công trình giao thông. Hậu quả là nhiều công trình trì trệ, nhân dân ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác kêu ca.

Kéo rê

Cụ thể nhất là ở dự án cầu Rạch Miễu (Tiền Giang - Bến Tre) lúc đầu do hai Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông (TCT XDCTGT) 5 và 6 làm chủ đầu tư với tổng vốn là 599 tỉ đồng, khởi công vào tháng 4-2002. Ì ạch mãi đến tháng 10-2002 các cơ quan mới phát hiện đơn vị đầu tư dự án này thiếu vốn.

Để khắc phục, tháng 3-2003 Thủ tướng Chính phủ chấp thuận liên doanh BOT cầu Rạch Miễu mới, trong đó giao TCT XDCTGT 1 (nhà thầu mới) vào đầu tư với vai trò tổng thầu công trình góp 51% vốn, còn lại là hai TCT XDCTGT 5 và 6 là thành viên thầu.

Soạn: AM 540139 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Cầu Bình Triệu 2 đến nay vẫn chưa thực hiện xong việc giải toả. Ảnh: Tuổi trẻ

Theo tài liệu chúng tôi có được, đến tháng 6-2002 số nợ vay ngân hàng của TCT XDCTGT 5 đã hơn 1.738 tỉ đồng. Điều khó hiểu là Bộ GTVT - đơn vị quản lý trực tiếp TCT - lại không phát hiện đơn vị trực thuộc đang nợ nần chồng chất mà vẫn giao dự án (!?). Thế nhưng, sau gần hai năm rưỡi khởi công xây dựng, số phận cầu Rạch Miễu vẫn lao đao.

Cuối tháng 8-2005, phát biểu trong buổi lễ lao hai nhịp dầm đầu tiên cầu Rạch Miễu, Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình cho biết do gặp khó khăn về tài chính nên cầu Rạch Miễu xây ba năm chưa xong. Sắp tới Chính phủ sẽ trực tiếp giải quyết những khó khăn này để cuối năm 2006 đưa cầu Rạch Miễu vào khai thác.

Dự án BOT An Sương - An Lạc (quốc lộ 1A TP.HCM), do Ban quản lý dự án (BQLDA) Mỹ Thuận Bộ GTVT quản lý, liên doanh gồm TCT Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (Bộ Xây dựng) và TCT XDCTGT 6 và 8 đầu tư và thi công.

Theo kế hoạch, công trình khởi công vào tháng 4-2001, hoàn thành vào tháng 3-2003, nhưng đến thời điểm đó BQLDA Mỹ Thuận cho biết tiến độ mới đạt được hơn 20% kế hoạch. Lúc đó trong nhiều báo cáo với Bộ GTVT, BQLDA cho biết công trình chậm trễ là do có điều chỉnh qui mô dự án và kinh phí về đền bù giải tỏa tăng, nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn là các nhà thầu chậm góp vốn đầu tư như cam kết.

Sau khi được cấp thẩm quyền điều chỉnh tăng vốn thêm khoảng 370 tỉ đồng vào giữa năm 2003, công trình mới thi công tiếp nhưng vẫn chậm. Mãi đến tháng 6-2004, bộ trưởng Bộ GTVT mới có thông báo phê bình nghiêm khắc các tổng giám đốc của liên doanh và chủ đầu tư. Tháng 8-2004 công trình mới được thông xe kỹ thuật.

Đào lên làm lại

TCT XDCTGT 5 thi công xong cầu Bình Triệu 2 (khởi công ngày 3-2-2001) đã không đủ vốn làm tiếp dự án có tổng vốn hơn 341 tỉ đồng này. TCT đề nghị UBND TP cho “gặt lúa non” bằng cách thu phí cầu để có vốn đầu tư tiếp phần đường. Nhưng rồi số tiền thu phí không “cứu” nổi công trình... Hậu quả là dự án cầu đường Bình Triệu 2 xây dựng dở dang và các cơ quan chức năng ở TP.HCM đang ngồi bàn việc mua lại quyền thu phí giao thông vì doanh nghiệp không còn khả năng tài chính để đầu tư dự án.

Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 1A đang đi đến chặng cuối: Cần Thơ - Năm Căn (Cà Mau) dài 225km với tổng giá trị dự kiến 881 tỉ đồng. Khởi công ngày 26-3-2003, dự kiến đến tháng 11-2005 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, đã ngót hai năm rưỡi trôi qua, diện mạo con đường vẫn chưa rõ.

Ngoài tiến độ thi công quá chậm, cả ba gói thầu MD1, MD2 và MD3 đều có vấn đề về chất lượng. Trong đó, hư hỏng nặng nhất là đoạn qua huyện Mỹ Tú, thị xã Sóc Trăng (MD1), huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu (MD2) và huyện Ngọc Hiển, Cà Mau (MD3). Sáng 30-8, tại khu vực km 2122, thuộc ấp An Trạch, xã An Hiệp, Mỹ Tú, Sóc Trăng, chúng tôi phát hiện đơn vị thi công (Công ty Công trình giao thông 122-TCT XDCTGT 1) đang cày xới một đoạn đường dài khoảng 100m vừa mới trải thảm bêtông nhựa để thi công lại. Hiện trường cho thấy đoạn đường này bị lún nghiêm trọng, mặt đường bong tróc do thi công kém chất lượng.

Một kỹ sư giám sát công trình cho biết: “Đoạn này mới thảm nhựa vào tháng 4-2005. Đơn vị thi công làm không đảm bảo chất lượng (nền đường yếu, chất lượng bêtông nhựa kém...) nên nhà thầu buộc phải móc lên làm lại”.

Xây dần dần, giật gấu vá vai

Từ năm 1996 trở lại đây, các TCT XDCTGT đã “đổ bộ” vào TP.HCM nhận thi công nhiều công trình trọng điểm dưới hình thức đấu thầu nhưng các dự án này đều chậm trễ. Nhiều đơn vị đã bộc lộ khó khăn về tài chính. Cụ thể là các đơn vị thuộc TCT XDCTGT 1 đầu tư dự án cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Ông Lãnh và đường Khánh Hội, cầu Kênh Tẻ và đường đến Khu công nghiệp Hiệp Phước và mới đây là cầu Nguyễn Văn Cừ đoạn từ quận 1 và 5 sang quận 4. Một số TCT tham gia dưới hình thức liên doanh như TCT XDCTGT 6 và Công ty Công trình GTCC TP.HCM thi công cầu Rạch Đĩa.

TCT XDCTGT 6 thi công cầu Dần Xây (Cần Giờ) đầy tai tiếng mà dư luận gọi là “cầu xây dần dần” chậm trễ khoảng hai năm. Và cũng chính đơn vị này thi công xây dựng cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh để lại sự cố lún hầm chui Văn Thánh thiệt hại hơn 10 tỉ đồng. Còn hơn một năm nay, các cơ quan chức năng lại “vất vả” với sự cố cầu Văn Thánh 2 và lún nền đường Nguyễn Hữu Cảnh...

Các công ty trực thuộc hoặc chính các TCT XDCTGT gặp khó khăn về vốn đang đối phó bằng cách lấy tiền đầu nọ đắp vào đầu kia. Công trình xây dựng cầu Chợ Cầu (quận Gò Vấp và quận 12) thi công chậm trễ là do nhà thầu đảm nhận quá nhiều công trình ở các tỉnh miền Tây, miền Trung nên hụt vốn ở công trình này...

Có thể nói các TCT XDCTGT thiếu vốn vẫn tham gia xây dựng các công trình giao thông ì ạch kéo dài đã và đang gây hậu quả là người dân phải lãnh đủ về nạn ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, nhiều công trình kém chất lượng.

(Theo Tuổi trẻ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Xe ôtô giá rẻ đã xuất hiện tại Việt Nam! (07/09/2005)
Doanh nghiệp chè phải chủ động 70% nguyên liệu (06/09/2005)
VASEP chia sẻ và kêu gọi hỗ trợ ngành thủy sản Mỹ (06/09/2005)
Mô hình 1,4 tỷ đồng/ha/năm với ếch, ba ba (05/09/2005)
Mỹ chi 4 tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu tôm (05/09/2005)
Giá ôtô không thể giảm trước 2008 (05/09/2005)
Doanh nghiệp Việt Nam "tấn công" các khu công nghiệp (04/09/2005)
Thái Hòa - KCN có nhiều chế độ ưu đãi đặc biệt (03/09/2005)
Thị trường Mỹ vẫy gọi cá rô phi Việt Nam (03/09/2005)
DN Mỹ muốn xây dựng hạ tầng cơ sở tại Việt Nam (02/09/2005)
Bỏ lúa lai để trồng... cỏ! (02/09/2005)
Kiến nghị giảm thuế VAT cho đánh bắt xa bờ (01/09/2005)
Bộ Thủy sản giải quyết vấn đề cá basa xuất khẩu (31/08/2005)
Lẹt đẹt ngành công nghiệp phụ trợ (31/08/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang