(VietNamNet) - Thủ tướng CP Phan Văn Khải đã đồng ý để Bộ Tài chính thu xếp, cấp 500 tỷ đồng từ nguồn vốn sắp xếp CPH cho Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam thực hiện dự án Tổ hợp khai thác bôxit, sản xuất alumin tại Tân Rai, Bảo Lộc, Lâm Đồng.
|
Tình trạng khai thác trái phép quặng bôxit hiện vẫn đang tồn tại. |
Số vốn này sẽ giao lại cho Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước quản lý khi tổng công ty này đi vào hoạt động.
Cùng với 600.000 tấn alumin/năm thu được từ tổ hợp này, dự án sản xuất 100.000 tấn alumin/năm tại KCN Nhân C, tỉnh Đắk Nông của Tập đoàn Than Việt Nam, dự kiến cũng được khởi công vào tháng 12 năm nay. Dự án bôxit-nhôm Đăk Nông được liên doanh với nhà thầu Quảng Tây (Trung Quốc), trong đó, Tổng Công ty Than Việt Nam góp trên 50% vốn.
Theo Bộ Công nghiệp, quặng bôxit là nguồn tài nguyên lớn của nước ta. Đây là cơ sở để hình thành một ngành công nghiệp có quy mô lớn và đồng bộ về khai thác bôxit, sản xuất alumin và luyện nhôm. Hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu toàn bộ nhôm và trong tương lai, nhôm càng được sử dụng nhiều hơn trong các ngành công nghiệp xây dựng, quốc phòng, kỹ thuật điện; chế tạo các phương tiện vận tải, làm đồ bao gói, đồ gia dụng... Mặt khác, thị trường nhập khẩu alumin, nhôm của các nước trong khu vực rất lớn.
Do vậy, Chính phủ xác định cần đẩy mạnh công tác thăm dò, nâng cấp trữ lượng tài nguyên bôxit; khẩn trương triển khai một số dự án khai thác bôxit, sản xuất alumin để xuất khẩu và chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho phát triển công nghiệp luyện nhôm giai đoạn sau năm 2010, nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu nhôm.
Theo Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bôxit giai đoạn đến năm 2010 có xét đến năm 2020 và các dự án đầu tư khai thác bôxit, sản xuất alumin, luyện nhôm tại Tây Nguyên của Bộ Công nghiệp, vừa được Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2006-2010, sẽ tập trung khai thác quặng bôxit ở một số khu vực mỏ đã được thăm dò, phê duyệt trữ lượng tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông; tuyển và chế biến đến sản phẩm alumin để xuất khẩu. Tổng công suất alumin, giai đoạn đầu khoảng 2 triệu tấn/năm và tăng dần khi có điều kiện. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thăm dò quặng bôxit, xác định trữ lượng mỏ, làm cơ sở phát triển công nghiệp khai thác bôxit, sản xuất alumin và luyện nhôm giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020.
Trên cơ sở này, từ năm 2011, phải nghiên cứu tăng công suất sản xuất alumin xuất khẩu, đầu tư nhà máy sản xuất nhôm với công suất thích hợp để đáp ứng nhu cầu trong nước và từng bước tham gia thị trường xuất khẩu.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác có hiệu quả nguồn vốn tài nguyên khoáng sản rắn và triển khai nhanh các dự án khai thác bôxit, sản xuất alumin, luyện nhôm, Chính phủ đã giao Bộ Công nghiệp chủ trì, xây dựng đề án thành lập một Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam trên cơ sở Tập đoàn Than Việt Nam và Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng này.
|